Hơn 3.000 đại biểu từ 150 quốc gia sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh về sách lần thứ hai vào ngày mai (16.8) và Đại hội Thư viện và thông tin thế giới lần thứ 79 từ ngày 17-23.8 tại đảo quốc Singapore.
Khuyến khích giới trẻ đọc sách tại thư viện. Ảnh: Indianexpress.com |
Hội nghị thượng đỉnh về sách hằng năm được tổ chức tại các thủ đô văn hóa khác nhau để thảo luận tầm quan trọng của thư viện và sách trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, tăng cường vai trò và ảnh hưởng của sách. Hội nghị lần thứ nhất diễn ra tại thủ đô Washington DC của Mỹ vào cuối năm 2012. Bà Elaine Ng - Giám đốc điều hành Cục Thư viện quốc gia Singapore cho biết, hai hội nghị quan trọng về tương lai của sách và thư viện cùng lúc diễn ra tại Singapore là cơ hội để các nhà chuyên môn trên toàn thế giới chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý về hệ thống thư viện cũng như kế hoạch phát triển văn hóa đọc và ngành thư viện trong tương lai. Singapore có thể học hỏi nhiều điều bổ ích từ cộng đồng quốc tế, từ đó cải thiện và nâng cao dịch vụ cung cấp cho người dân của đảo quốc sư tử này. Hội nghị thượng đỉnh về sách và Đại hội Thư viện và thông tin thế giới của Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Thư viện (IFLA) sẽ là hai diễn đàn để các lãnh đạo, nhà chuyên môn bàn về tầm quan trọng, ảnh hưởng của sách và thư viện trong việc bảo tồn, trao đổi các giá trị văn hóa rất riêng của từng dân tộc.
Với chủ đề “Một cuốn sách dưới bất kỳ tên nào khác” (A Book By Any Other Name), cả hai hội nghị sẽ tập trung chủ yếu vào tương lai của sách trong thời đại số hóa, văn hóa đọc cũng như việc truyền tải văn hóa và lịch sử… Singapore được đánh giá là đất nước năng động, vừa có bản sắc riêng vừa mang tính quốc tế, nơi mọi người chung sống hài hòa, giao lưu giữa các văn hóa chủng tộc khác nhau thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày. Giáo sư Tommy Koh - Chủ tịch Ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, nói: “Singapore là một trung tâm văn hóa của khu vực đồng thời là nơi có nguồn thông tin dồi dào để người dân trên toàn thế giới có thể tiếp cận”.
Theo các chuyên gia, thời đại công nghệ bùng nổ với nhịp sống hối hả khiến nhiều người xa dần với việc đọc sách, giới trẻ ngày nay cũng đam mê nhiều loại hình giải trí đa dạng, phong phú… Do đó, các thư viện cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với sự năng động và đổi thay trong nhu cầu đọc sách. Thống nhất giữa mục tiêu của thư viện với nhu cầu của cộng đồng khiến cho vai trò của thư viện trở nên nổi bật và chúng thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng. Chính điều này khiến cho việc triển khai các chương trình kiến thức thông tin trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn.
Bên cạnh hai hội nghị trên còn có 6 cuộc tọa đàm của công chúng về nhiều chủ đề khác nhau như làm thế nào để khuyến khích lớp trẻ đọc nhiều và để xuất bản sách cho những người có nhu cầu đặc biệt.
KIM OANH (Tổng hợp)