Tưởng niệm 105 năm ngày mất chí sĩ Trần Quý Cáp

CÔNG TÚ 24/06/2013 10:18

(QNO) - Sáng qua 23.6, tại trường THCS Trần Quý Cáp (xã Điện Phước), UBND huyện Điện Bàn long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 105 năm ngày mất chí sĩ Trần Quý Cáp (23.6.1908 - 23.6.2013).

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống yêu nước, với tư chất thông minh, ham học, tinh thần bác ái, cụ Trần đã sớm hình thành nhân sinh quan về dân tộc, đất nước. Năm 1904, Trần Quý Cáp đỗ tiến sĩ. Từ năm 1905 - 1908, thông qua các sáng tác văn học, dạy học và diễn thuyết, cụ Trần đã dồn sức lực cho việc cổ súy tân học và hoạt động duy tân với mục đích “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, đề cao dân quyền”. Cụ cùng với Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đề cao dân quyền nhằm hướng tới giải phóng dân tộc, mong đất nước thoát khỏi sự lạc hậu.

Dâng hương tưởng niệm 105 năm ngày mất cụ Trần Quý Cáp.
Dâng hương tưởng niệm 105 năm ngày mất cụ Trần Quý Cáp.

Phong trào Duy Tân phát triển mạnh mẽ từ nam chí bắc, trở thành phong trào yêu nước cách mạng rộng lớn chống thực dân Pháp xâm lược, phê phán chế độ phong kiến lạc hậu lỗi thời, thực hiện cải cách canh tân trên nhiều lĩnh vực.

Hoạt động Duy tân của cụ Trần trên đất Quảng Nam đã làm cho bọn thực dân - phong kiến ngày đêm lo lắng. Không thể ám hại cụ ngay trên quê hương, đầu tháng 2.1908, chúng thuyên chuyển cụ vào làm giáo thụ huyện Tân Định (Khánh Hòa). Tại đây, cụ tiếp tục diễn thuyết, nói về lợi ích “thực học”, khuyên nhân dân mở nhiều trường học. Thân làm quan, nhưng cụ vẫn bài xích quan trường, hăng hái đi đến nhiều nơi cổ vũ các hoạt động canh tân trong nông, thương nghiệp.

Trao phần thưởng cho học sinh đạt giải “Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp cụ Trần Quý Cáp”.
Trao phần thưởng cho học sinh đạt giải “Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp cụ Trần Quý Cáp”.

Mờ sáng một ngày thượng tuần tháng 5, năm Mậu Thân (1908), chính quyền thống trị cho lính đến lục soát, khám xét nhà ở của cụ tại Khánh Hòa nhưng không tìm được gì ngoài các giấy tờ của khoa sinh, thí sinh, một tờ giấy có câu “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, một bản đồ thế giới, một quyển “Hải ngoại huyết thư”. Thế nhưng, cụ vẫn bị bắt, tống giam và bị kết án trảm quyết. Ngày 17.5 âm lịch, cụ bị xử chém tại Sông Cạn, Khánh Hòa, lúc ấy vừa tròn 38 tuổi.

“Tư chất thông minh, tinh thần yêu nước, bản lĩnh kiên trung của cụ vẫn còn sống mãi với quê hương đất nước. Lăng mộ cụ tại Nghĩa trang Gò Bướm (Điện Phước) đã được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, được gia đình gia tộc, chính quyền địa phương và các em học sinh của ngôi trường mang tên chăm lo, hương khói. Trong ngày giỗ 105 năm ngày mất của chí sĩ Trần Quý Cáp, những thế hệ con cháu chúng ta nguyện phấn đấu nỗ lực hơn nữa để xây dựng quê hương ngày càng phát triển thịnh vượng theo tinh thần duy tân mà sinh thời cụ hằng tâm huyết” - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, ông Cao Thanh Tấn phát biểu tại lễ tưởng niệm.

    CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tưởng niệm 105 năm ngày mất chí sĩ Trần Quý Cáp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO