Truyền thống thích ứng, tương tác với biển của bao thế hệ luôn được tiếp nối, tô bồi, tạo nền tảng để ngư dân Hội An vươn khơi xa làm chủ Biển Đông, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Vừa xong chuyến lưới chuồn trở về, ngư dân Trần Văn Hiền (khối Thanh Chiếm, phường Thanh Hà) cùng 9 bạn biển bắt tay ngay vào việc thay lưới, chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Trao đổi xung quanh biến chuyển trong tháng Giêng, ông Hiền chia sẻ: “Ăn tết rồi là đi, Thanh Hà chủ yếu là lưới chuồn đánh bắt ngoài đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Gió sóng thì nghe mạng, điện về tổng đài, mấy ông anh điện cho mình biết gió ngày mô tới đâu hoặc lệch đông, lệch tây chi đó thì mình phải di chuyển. Gặp bữa trúng mánh còn bắt được mấy con ốc kèn, cá ngựa về dầm uống cho đỡ đau lưng”.
Tri thức về biển
Từ chia sẻ chân tình của ngư dân sản xuất giỏi ở Thanh Hà này có thể hình dung được những chuyến ra khơi đánh bắt quả là vất vả. Để tôm cá đầy khoang, bao thế hệ ngư dân phải tích lũy cho mình những kinh nghiệm ứng phó và cả sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại để nương tựa vào biển. Đó chính là những tri thức về thời tiết, khí hậu, địa hình biển đảo; đó là những kinh nghiệm không chỉ trong đánh bắt mà cả các ngành nghề truyền thống gắn với biển đảo mênh mông.
Bình yên trên biển. Ảnh: Q.H |
Trên thực tế, cư dân Hội An đã ra biển từ rất sớm, làm chủ biển rất sớm và tích lũy nhiều kinh nghiệm để nâng cao truyền thống đó. Bức tranh về biển đảo trong mối quan hệ với cộng đồng cư dân thật sinh động và đầy màu sắc. Biển đảo đã thấm đẫm trong sinh hoạt thường nhật của người dân, tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa tinh thần và để lại dấu ấn sâu sắc trong ca dao, tục ngữ, các câu chuyện kể; cụ thể và rõ ràng hơn trong kho tàng tri thức dân gian về thời tiết, khí hậu, về y dược, về ẩm thực, kỹ năng đi biển hay kỹ thuật chế tạo và bảo dưỡng tàu thuyền. Đặc biệt là về thói quen ứng xử, tục lệ, tín ngưỡng cùng nhiều hình thái văn hóa phi vật thể khác. “Qua tiếp cận, chúng tôi thấy từ rất lâu đời, người dân địa phương đã có nhận thức sâu sắc về biển trên nhiều lĩnh vực. Bây giờ nhìn lại mới thấy những kho tàng tri thức văn hóa của địa phương rất sâu sắc và dày dặn” - ông Trần Văn An, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết.
Có thể thấy, ngành kinh tế biển với nhiều nghề khác nhau từ khai thác, đánh bắt đến thủ công, gia công, chế biến, buôn bán, dịch vụ… đã ra đời ở Hội An từ khá lâu. Theo thống kê, ở Hội An có đến 44 nghề liên quan đến các kỹ thuật, phương tiện đánh bắt khác nhau, thể hiện sự tiếp cận sâu sắc của người dân địa phương với môi trường biển đảo. Cùng với hàng chục ngành nghề đánh bắt trực tiếp, nhiều nhóm nghề thủ công, gia công, chế biến, dịch vụ phục vụ sản xuất trên biển cũng rất phong phú và đa dạng.
Thích nghi, tương tác với biển
Hàng trăm năm qua, nhóm nghề buôn bán, dịch vụ liên quan đến biển đảo có vị trí khá quan trọng trong đời sống của cư dân Hội An, đó là nghề buôn bằng đường biển nói chung, buôn ghe bầu nói riêng. Không ít nhà hàng hải phương Tây đã ngưỡng mộ những chuyến thuyền buôn trên biển của cư dân miền Trung.
Ghi chép của thuyền trưởng George Windsor Earl khi dẫn lộ một thương thuyền đến Singapore vào thế kỷ XVIII có đoạn: “… Bão táp thật dữ dội ngoài biển khơi, thiếu chút nữa thì thương thuyền của chúng tôi bị gãy đổ cả cột buồm. Vậy mà chúng tôi nhận ra 6 chiếc thuyền nhỏ của người Việt Nam đang giương hết mọi cánh buồm tiến thẳng tới trước…; những con thuyền bé nhỏ mà cách thức vận chuyển để vượt sóng lượn gió thật tài tình. Tài ba của họ không thua kém bất cứ một thủy thủ đoàn hạng nhất nào của toàn khu vực châu Âu...”.
Như vậy có thể thấy rằng, quá trình thích nghi, tương tác với biển đảo của cư dân Hội An đã cho ra đời tại địa phương một ngành kinh tế biển lớn mạnh. Biển đảo đã đem đến cho quê hương nguồn lực, tiềm năng và kho tàng tri thức dân gian vô cùng sinh động. “Những tri thức của người dân Hội An về biển, tôi nói ví dụ người dân sử dụng hải sản không chỉ để ăn mà rất nhiều vị thuốc để chữa bịnh từ biển. Người ta không chỉ đánh cá mà còn có các nghề chế biến hải sản, khai thác những sản vật gắn liền với biển. Ví dụ nghề khai thác yến sào, đan võng ngô đồng... đã có từ hàng trăm năm trước. Như vậy, người dân phải tiếp cận với biển, có nhu cầu làm chủ biển mới sáng tạo ra để mưu sinh, để lý giải nhiều hiện tượng tự nhiên và làm phong phú đời sống của mình. Qua đó có thể cung cấp những tài liệu hết sức chính xác về quyền làm chủ của chúng ta trên Biển Đông” - ông Trần Văn An trao đổi thêm.
QUỐC HẢI