Năm cổ vật có nguồn gốc từ Trà Kiệu (Duy Xuyên) được đưa sang Pháp vào năm 1936 đã góp phần làm phong phú thêm cho bộ sưu tập về phương Đông và Ai Cập của Bảo tàng Georges Labit ở Toulouse - bảo tàng về khảo cổ học và nghệ thuật châu Á lớn thứ hai của Pháp.
Bảo tàng George Labit
Georges Labit là bảo tàng nghệ thuật châu Á lớn thứ hai ở Pháp chỉ sau Bảo tàng Guimet (Paris). Bảo tàng hiện nằm ở số 17 đại lộ Nhật Bản thuộc thành phố Toulouse. Toulouse nằm bên sông Garrone ở tây nam nước Pháp, có dân số khoảng 1 triệu người và là thành phố lớn thứ hai của khu vực phía nam (chỉ sau Marseille).
Georges Labit là một bảo tàng khảo cổ học thành lập năm 1893, dành riêng cho các hiện vật từ các nền văn minh ở Viễn Đông và Ai Cập cổ đại, do Georges Labit (1862 - 1899) - một nhà sưu tập nghiệp dư đam mê về khảo cổ thành lập. Ông đã đi khắp thế giới từ Trung và Nam Âu, Bắc Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ, Đông Dương và cả Bắc Phi… để tìm kiếm các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật.
Bảo tàng được đặt trong một biệt thự do kiến trúc sư Jules Carbainac (1857 - 1933) thuộc hoàng gia thiết kế, lấy cảm hứng từ Moorish - một phong cách kỳ lạ vào thời điểm đó, rất giống các biệt thự phương Đông thời thượng trên bờ biển Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.
Năm 1921, người con của Georges Labit đã hiến tặng bảo tàng cho thành phố Toulouse theo di nguyện của cha. Sau nhiều năm không được đầu tư phát triển, mãi đến năm 1997, nhờ sự giúp đỡ của Bảo tàng Guimet, Bảo tàng Georges Labit mới thực sự được nâng cấp để trở thành một bảo tàng chuyên ngành có tầm cỡ quốc tế.
Bộ sưu tập phong phú về phương Đông của Georges Labit gồm đủ các nước, khu vực Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Java (Indonesia), Nepal, Pakistan, Afganistan, Tây Tạng, Triều Tiên, Nhật Bản… Nổi tiếng nhất là bộ sưu tập về xác ướp của Ai Cập cổ đại. Chính vì vậy ông được gọi là “nhà sưu tầm toàn cầu” và Bảo tàng Georges Labit là nơi “đã tập hợp một trong những bộ sưu tập nghệ thuật châu Á lâu đời nhất ở Pháp”.
Bảo tàng có một thư viện với hơn 2.000 đầu sách từ thế kỷ 19 đến nay, gồm các chủ đề về lịch sử, khảo cổ, nghệ thuật nhiếp ảnh, bản đồ và bảo tàng… Nơi đây còn có một khu vườn thực vật với đủ loài thực vật của châu Á và Địa Trung Hải. Tại bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo về các chủ đề có liên quan đến bảo tàng.
Albert Sallet, một nhà nghiên cứu người Pháp, đã sống nhiều năm ở Quảng Nam - Đà Nẵng, từng làm Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, được các nhà nghiên cứu gọi là nhà “Chiêm Thành học”, “nhà Quảng Nam học” cũng đã từng làm Giám đốc Bảo tàng Georges Labit từ 1931-1946. Chính ông đã đề nghị đưa nhiều cổ vật của nền văn minh Chăm từ Đông Dương về cho bảo tàng.
Những báu vật Trà Kiệu
Theo đề nghị của Albert Sallet, Trường Viễn Đông bác cổ đã giao cho bà Coral-Rémusat chọn lựa một số cổ vật trong kho lưu trữ ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng để gửi về Pháp nhằm bổ sung cho bộ sưu tập về châu Á của Bảo tàng Georges Labit. Bà đã chọn được 5 cổ vật có nguồn gốc từ Trà Kiệu và có niên đại từ thế kỷ thứ 10 và chưa được xếp loại. Trong đó, 4 tượng lấy trong kho, một tượng là tặng vật của ông Gravelle, chủ Kho bạc Đà Nẵng. Năm cổ vật được đóng trong một kiện hàng và gửi từ mũi Pandaran, Ninh Thuận vào ngày 23.8.1936.
Năm pho tượng là những hiện vật được J.Y.Claeys phát hiện vào tháng 6.1927 khi khai quật các vòng thành cổ của Trà Kiệu – kinh đô Sư tử (Simhapura) của vương quốc Chămpa. Năm tác phẩm điêu khắc ấy gồm có: một con voi, một sư tử, một đầu tượng môn thần Dvârapâla, một nữ vũ công và một tượng người đang trong tư thế cầu nguyện.
Phải đợi đến năm 1997, khi chỉnh trang lại bảo tàng, 5 pho tượng mới được xếp loại và được Emmanuel Guillon khảo tả giới thiệu trong bài “Nghệ thuật Trà Kiệu tại Bảo tàng G.Labit - Toulouse” (L’Art de Trà Kiệu au Musée G.Labit de Toulouse) đăng trên tạp chí của Hội những bạn của Chămpa xưa (Lettre SACHA). Có thể tóm tắt mấy khảo tả của Emmanuel Guillon về 5 hiện vật:
- Tượng voi thuộc phong cách Trà Kiệu có niên đại thế kỷ 10, chiều cao 43cm, hai chân bị gãy, không trang sức gì cả, cái vòi quặt đong đưa qua bên trái, chân trái phía trước có thể nâng nhẹ lên. Con vật đặc biệt nghiêng đầu về một phía. Tư thế này rất hiếm thấy và cho phép xác định phong cách Trà Kiệu của nó.
- Tượng sư tử trong tư thế tấn công, có sừng, mồm há ra, hai chân trước có hình thù nửa tay nửa chân và chiếc đuôi dựng đứng. Điều đặc biệt gây tranh cãi là sự vắng bóng của bộ lông, có thể do quá trình điêu khắc chưa hoàn tất hoặc có khi được cách điệu bằng chiếc yếm phía trước.
- Tượng người đang cầu nguyện được Guillon mô tả “cười, cầm một cánh sen trước ngực, thể hiện một loạt đặc tính của phong cách Khương Mỹ; mũ trang trí một hàng hoa, váy vạt dài ở chính giữa và viền nhỏ, gấp nếp về bên phải, thắt lưng rộng, lỗ tai treo những chiếc vòng xoắn chồng lên nhau. Cuối cùng, chiếc vòng ngọc nơi cổ như một dấu ấn của giai đoạn nghệ thuật. Nụ cười đánh dấu thời đại lớn cổ điển của nghệ thuật Chăm. Nó thể hiện ở hình dáng đôi mắt như quả hạnh đào, do nét mi trông tinh tế, tinh vi đến độ rút gọn gần như chỉ còn thấy một đường nét, và do sự mềm mại của những lông mi, một vòng cung mảnh mai được tô điểm. Có thể đây là bộ phận dùng trang trí cho kiến trúc”.
- Tượng môn thần là tượng tròn dù chỉ còn một mảnh. Đôi tròng mắt lộ ra, râu móc lòi ra ở hàm trên. Cái mũi khỏe khoắn, hơi tẹt, nhìn nghiêng có vẻ cộc cằn. Điểm nổi bật là đôi mắt của môn thần mở lớn chứ không phải nửa khép như các tượng lớn môn thần ở Đồng Dương. Khó xác định rõ phong cách và niên đại của bức tượng này vì thiếu hẳn phần thân hình ở dưới..
- Tượng nữ vũ công còn đang tranh cãi, có thể là bộ phận trang trí cho các kiến trúc. Tượng có hình vũ nữ đưa cánh tay trái lên, eo thon, ngực và mông nở. Chân trái nhấc lên. Nét đặc trưng của tượng là đôi mắt nửa khép nửa mở khiến cho khuôn mặt có vẻ nhu mì. Mặc khác, một khía rạch nhẹ nhàng nằm vào chỗ mi dưới, còn mí trên hầu như biến mất, đây là chi tiết khá hiếm trong các tượng vũ công của Chăm!
Đây đều là những kiệt tác Trà Kiệu lưu lạc xứ người trong quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp.