Đời sống xã hội mấy năm qua đặt ra quá nhiều câu chuyện chưa có tiền lệ trong lịch sử.
Cơn đại dịch mang tầm thế kỷ đã xáo tung, đảo lộn mọi thứ.
Thiên tai ngày càng khốc liệt và bất thường.
Những thử thách đó khiến con đường phát triển của nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có báo chí, phải tái cấu trúc, tìm lối đi, phương thức hoạt động mới.
Với báo chí, khi gặp tình trạng giãn cách xã hội, loại hình báo in/giấy đã khó xoay trở, có tờ đình bản, có tòa soạn phải làm việc từ xa chủ yếu qua mạng, hoạt động xuất bản và phát hành đình trệ. Đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp còn chịu thêm rủi ro khi cần đến hiện trường để thu thập tư liệu và trải nghiệm cuộc sống.
Khi buộc phải “ai ở đâu yên tại đấy”, nhà báo chuyên nghiệp bị bó chân tay nếu không biết nối sợi dây thu thập tin tức qua các “nhà báo công dân”, các cộng tác viên ở khắp vùng, mọi lúc, mọi nơi.
Và như thế, bàn chân quen dù đi trên con đường lạ thì vẫn phải theo dòng chảy cuộc đời. Báo Quảng Nam đã cố tìm cơ hội trong nguy nan, bằng sự kết nối mạng lưới cộng tác cung cấp và xử lý tin tức cùng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, để tồn tại và phát triển.
Báo in tiếp tục duy trì các sản phẩm truyền thống nhưng sắp tới sẽ cơ cấu lại ấn phẩm phù hợp theo xu thế báo chí phân tích, báo chí giải pháp. Báo điện tử nắm bắt vận hội chuyển đổi số và công nghệ, tiến đến xây dựng các tác phẩm đa phương tiện, đa nền tảng, đa loại hình.
Cả hành trình đó, đã, đang và sẽ tiếp tục từ đây cho đến nhiều năm sau, bắt đầu với thực hiện “Đề án phát triển Báo Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Tỉnh ủy phê duyệt.
Điều đặc biệt cần chia sẻ từ những anh em cộng tác và các cơ quan hữu quan là tờ báo - Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam, luôn cần sự tương trợ, tương tri, tương cảm trên con đường phát triển.
Bởi, dù phải đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển trên nền tảng internet và số hóa, nhưng yếu tố con người vẫn là trung tâm. Đội ngũ nhân lực của bản báo cùng anh chị em cộng tác viên luôn là nòng cốt cho quy trình sản xuất tin tức, các ấn phẩm báo chí, cả báo giấy và báo điện tử.
Nhà báo, dù chuyên hay không chuyên, bằng trí óc và trái tim rung động với diễn biến đời sống, từ câu chuyện thời sự hay lắng sâu thân phận con người, mới làm nên tác phẩm báo chí thu hút công chúng quan tâm.
Thử hình dung về cuộc hồi hương dọc dài đất nước, nếu không có cộng tác viên đứng điểm tại đèo Lò Xo vào Quảng Nam, ra Hải Vân,… sẽ không có những ghi chép sống động, những bức ảnh như cứa vào tim người…
Thử lọc lại những bức hình mô tả các vụ sạt lở núi, thấy những “đôi mắt Trà Leng”, hay vết hằn trên gương mặt những người đàn bà ở Phước Kim, Phước Lộc (Phước Sơn), hun hút bao tâm trạng…
Thử coi các video clip hiện trường các vụ sạt trượt bất thần, những cơn lũ quét, lũ ống, nếu không có chiếc điện thoại của “nhà báo công dân” tình cờ quay được, báo chí làm sao có thể có được tin tức “độc quyền”…
Và trong dịch Covid nữa, vùng đất xứ Quảng đã có nhiều phen cách ly phong tỏa, các phóng viên đài địa phương có mặt nơi đó lập tức chuyển tin tức, hình ảnh về cho tòa soạn báo…
Ngoài tin tức thời sự, còn có những buồn vui của vùng đất con người, giá trị văn hóa và nghệ thuật, di sản của cha ông được nhiều cộng tác viên tiếp cận.
Chính nhờ sự tương trợ, tương tri, tương cảm của đội ngũ công tác viên đông đảo mà Báo Quảng Nam thực hiện được nhiệm vụ tuyên truyền cả thời sự và những câu chuyện chiều sâu về văn hóa vùng đất.
Hãy giữ lấy mối tình đó, sự gắn kết đó, để dòng chảy thông tin không ngừng chảy, làm nên “tiếng nói” của tờ báo quê nhà!