Tương trợ ứng phó sự cố trên biển

NGUYỄN QUANG VIỆT 08/09/2016 08:49

Sản xuất trên biển đã cho thấy phẩm chất tốt đẹp của ngư dân Quảng Nam là đoàn kết, sẵn sàng tương trợ, giúp nhau vượt qua những rủi ro để sản xuất hiệu quả hơn.

Đồng lòng, gắn bó

Xã Duy Vinh là địa bàn trọng điểm nghề cá của huyện Duy Xuyên. Để phòng chống rủi ro, giảm thiểu tai nạn trên biển, địa phương đã tập trung tuyên truyền ngư dân đoàn kết, tương thân, tương trợ trong sản xuất. Ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, hằng năm, cứ gần đến mùa mưa bão là địa phương tập hợp tất cả ngư dân trên địa bàn, nghe họ trao đổi tâm tư, nguyện vọng và bàn các phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi sản xuất trên biển, đặc biệt là các vùng biển xa. Đến thời điểm này, hoạt động của 5 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển của địa phương đã đi vào nền nếp, là chỗ dựa vững chắc của ngư dân.

Trong đó, tùy theo từng nghề sản xuất riêng lẻ, mỗi tổ, đội đoàn kết có phương án riêng phòng chống thiên tai. Trong quản lý nghề cá, địa phương luôn bố trí đội ngũ cán bộ túc trực tại trạm bờ để nhận thông tin tàu cá hoạt động trên biển báo về, qua đó có cách thích ứng, đối phó phù hợp. “Chúng tôi tuyên truyền ngư dân luôn mở máy bộ đàm khi hoạt động trên biển để kết nối chặt chẽ với trạm bờ bố trí tại UBND xã cũng như Đồn Biên phòng 260 (phường Cửa Đại, TP.Hội An). Hễ khi có tình huống bất thường là phối hợp giải quyết. Nhờ chủ động ứng phó với các tình huống bất trắc nên hầu như tàu cá, ngư dân đều an toàn trong các mùa biển động đã qua” - ông Sành nói.

Đội lưới quét C10 Duy Vinh đoàn kết bám biển, mới đây đã cứu nạn thành công, giúp 2 tàu cá của TP.Đà Nẵng vượt qua sự cố. Ảnh: N.Q.V
Đội lưới quét C10 Duy Vinh đoàn kết bám biển, mới đây đã cứu nạn thành công, giúp 2 tàu cá của TP.Đà Nẵng vượt qua sự cố. Ảnh: N.Q.V

Đánh bắt hải sản trên biển, ngư dân phải thường xuyên đối mặt với bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, thiên tai bất thường. Thời gian qua, các địa phương ven biển của tỉnh đã tích tực tuyên truyền ngư dân tham gia các mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để chủ động ứng phó. Xã Tam Quang (Núi Thành) đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản Quảng Nam, UBND huyện Núi Thành và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà vận động ngư dân thành lập được 18 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 110 tàu cá có công suất trên 90CV tham gia. Ông Nguyễn Hữu Định, cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Quang cho biết, qua các tổ, đội đoàn kết, ngư dân phối hợp, giúp nhau vượt qua rủi ro trên biển, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với sự cố, tạo niềm tin vững chắc trong quá trình đánh bắt hải sản xa bờ.

Mô hình này thành lập trên các tiêu chí là cùng địa phương, cùng dòng họ, cùng nghề, cùng ngư trường sản xuất. Với mô hình này, ngư dân kết nối liên lạc trong cùng tổ, đội đoàn kết cũng như giữa các tổ, đội đoàn kết với nhau, chủ động ứng cứu khi gặp sự cố. “Với phương châm 4 tại chỗ, ngư dân tự giúp đỡ, ứng cứu lẫn nhau rất hiệu quả trong thời gian qua. Sự đồng lòng đó tạo nên niềm tin tưởng, yên tâm khi ngư dân vẫn bám biển trong mỗi mùa mưa bão” - ông Định nói.

Hiệu quả trong thực tế

Do đặc thù nghề nghiệp, trong mỗi mùa mưa bão, công tác phòng chống lụt bão, chủ động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển được các ngư dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt coi trọng. Các ngư dân cho biết, khi ra khơi họ luôn bật các thiết bị liên lạc để sẵn sàng liên hệ với các đài duyên hải ở khu vực Trung Bộ và các đồn biên phòng hay trạm bờ đặt tại các địa phương cũng như Chi cục Thủy sản Quảng Nam. Điều này đem lại lợi ích kép, ngư dân luôn kịp thời nhận được các thông tin bất thường của thời tiết và chủ động ứng phó; ngành chức năng thì nắm được số lượng tàu cá, ngư dân đang hoạt động trên biển trong điều kiện gió bão hoành hành để hướng dẫn các phương án đối phó phù hợp. Trước khi ra khơi, cán bộ biên phòng và các tổ trưởng, đội trưởng của các tổ, đội đoàn kết kiểm tra xem mỗi tàu cá đã đủ các thiết bị hàng hải hay chưa rồi mới xuất bến nên sự liên lạc 2 chiều từ biển về bờ và ngược lại đảm bảo thông suốt, chủ động ứng phó với thiên tai.

Đến thời điểm này, một số sự cố diễn ra trên biển đã được các ngư dân Quảng Nam đồng lòng tương trợ, giải cứu lẫn nhau, rất đáng hoan nghênh. Mới đây, tàu cá QNa-90334 của ông Phạm Quyến (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) bị chết máy trong điều kiện dông gió phức tạp đã được tàu cá QNa-91009 của ngư dân Phạm Quốc và tàu QNa-91135 của ngư dân Phạm Cương (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) bỏ chuyến biển, lai dắt về bờ an toàn. Một số tàu cá trong đội lưới quét C10 Duy Vinh cũng đã không ngần ngại bỏ chuyến biển để phối hợp lẫn nhau cứu nạn thành công 2 tàu cá thuộc phường Thọ Quang (TP.Đà Nẵng) bị sự cố trên biển. Nhiều đơn vị tàu cá khác của ngư dân Quảng Nam cũng sẵn sàng ứng phó, cứu hộ các tàu cá trên biển theo sự điều động của các ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn thuộc tỉnh và huyện quản lý.

Ông Trần Quang Kiến - Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết, khi sản xuất trên các vùng biển xa của Tổ quốc, trước hết và trực tiếp vẫn là các ngư dân giúp đỡ, cứu hộ, cứu nạn lẫn nhau. Tính cộng đồng tương trợ bám biển của ngư dân trên địa bàn tỉnh luôn được phát huy. Điều này đem lại nhiều giá trị, giải quyết được một số bất cập trong nghề khai thác hải sản. Cụ thể, tránh giành giật lao động giữa các chủ tàu cá, cùng hỗ trợ nhau tìm lưới khi mất, cung cấp thông tin cho nhau về ngư trường nguồn lợi, thị trường giá cả... Ngoài ra, do có tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nên ngư dân thường xuyên thông báo cho nhau về tình hình an ninh trật tự trên biển, không buôn bán hàng cấm, hàng lậu. Ngư dân cũng tương trợ, giúp nhau kết nối, phát hiện các tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, tránh sự cố đáng tiếc, đồng thời thông báo kịp thời, giúp lực lượng biên phòng, cảnh sát biển xử lý, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tương trợ ứng phó sự cố trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO