Vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, trong tiết trời se lạnh giao mùa, ở vùng ven biển Quảng Nam cá chuồn thường quy tụ nhiều loại. Người đi chợ tha hồ lựa chọn vài con chuồn cồ về nướng chấm nước mắm chua cay, cá chuồn gành về chiên nén thơm lừng… Đặc biệt, cá chuồn xanh giá rẻ hơn, lại không khô như cá chuồn cồ mà mềm, bùi và có vị ngọt nên thường được chọn để làm nhưn bún đổi vị cho cả nhà.
Bún cá chuồn hấp dẫn người ăn hay không là phụ thuộc vào nước nhưn. Để nấu được nồi nước nhưn cá chuồn không quá khó, tuy nhiên cần phải tỉ mỉ và biết phối hợp hài hòa giữa các nguyên liệu với nhau. Những con cá chuồn xanh dài chỉ khoảng 20cm còn tươi nguyên, mang về làm thật sạch, để ráo nước, xắt từng lát vừa ăn. Tiếp sau là khâu ướp cá. Bí quyết của các bà, các chị nội trợ là nêm nếm muối vừa miệng và cho thêm phần nén, hành giã nhỏ. Đặc biệt, tiêu ở đây phải là tiêu sọ để khi thưởng thức, người ăn mới cảm nhận được vị cay nồng đầy kích thích nơi đầu lưỡi. Các nguyên liệu nấu kèm như măng chua, đậu bắp, cà chua, thơm, một ít giá... được rửa sạch và thái nhỏ. Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành tím, cho cá đã ướp vào xào sơ qua. Khi thịt cá săn lại, cho tiếp cà chua, thơm vào đảo đều tay. Để lửa nhỏ trong khoảng vài phút cho thịt cá ngấm gia vị, sau đó cho nước đun sôi vào. Khi nồi cá sôi bùng lên, thả các loại nguyên liệu còn lại vào nồi.
Bún cá chuồn ăn nóng mới ngon. Lấy bún cho vào tô to, lượng vừa ăn theo ý thích, cho vài ba lát cá lên, thêm măng, đậu bắp, cà chua… rồi chan nước ngập bún. Cứ thế xì xụp húp, thi thoảng cắn phụp một miếng ớt xanh cho nóng người. Ăn bún cá chuồn đúng điệu phải có thêm rau muống chẻ, bắp chuối cùng với các loại rau thơm như húng, quế.
Bún cá chuồn tuy chưa xuất hiện nhiều ở những gánh hàng rong, quán ăn ven đường hay tại các nhà hàng nhưng lại hiện diện trong nhiều gia đình xứ Quảng. Tô bún nghi ngút khói, điểm màu đỏ của cà chua, màu trắng muốt của từng lát cá cùng với vị ngọt ngào thanh nhẹ được thay thế cho những bữa cơm nhiều đạm thường ngày.
THANH LY