Tuồng xưa còn vọng tiếng này…

SONG ANH 25/10/2015 10:19

Không áo xống, mũ mão. Không có giáo gươm nhưng thần thái vẫn uy phong. Ông hát mộc mấy câu trong vở Sơn Hậu, của vai Đổng Kim Lân. Và tôi lặng người… Khí sắc, uy lực như tận thẳm sâu triệu về, không trống chiến, trống chầu, nhưng nghe như ngàn lớp sóng dâng với sức mạnh căm hờn khiến kẻ gian khiếp sợ…

“Xưa có kẻ lo vì việc nước, bỗng nửa đêm mọc lại mặt trời” (Đổng Kim Lân – lớp qua đèo trong vở tuồng Sơn Hậu), ông ca câu này khi tuổi đã kề 70, mà đài từ, nét mặt…vẫn còn vô cùng biểu cảm. Gắn với nghiệp diễn tuồng, như NSND Trần Đình Sanh nói, đã ăn cơm tổ thì phải khổ luyện. “Tuồng mà diễn không tới, thì như một trò hề của trẻ con” - ông nói. Lẽ vậy, nên làm gì, ở phân vai nào trên sân khấu, hay cả khi đã giã từ đèn trống để lui về hậu trường, ông cũng như con tằm rút cả ruột gan, “cháy” đến từng sợi tóc đã rủ nhau trắng phơ. Lớp diễn tuồng thế hệ sau này vẫn nói, NSND Trần Đình Sanh là một cái ngưỡng cho người ta vươn tới, vượt qua.

Vai diễn cuộc đời

NSND Trần Đình Sanh. Ảnh: SONG ANH
NSND Trần Đình Sanh. Ảnh: SONG ANH

Ông kể chuyện nghề, gọn ơ, như kiểu những gần 50 năm nay, buồn đau hay khốn khó, thật ra bây giờ nhìn lại đều thành ngọt lịm. Giọng ca trời phú, đầy uy lực. Ngay cái vóc người cũng chỉ hợp với những vai anh hùng, trí tướng. Chẳng thế mà lúc sinh thời, GS. Hoàng Châu Ký – nhà nghiên cứu lý luận sân khấu đánh giá cao NSND Trần Đình Sanh, với những lĩnh hội tri thức đủ đầy, góp nhặt từ sách vở và các thế hệ đi trước, cộng thêm một tài năng thiên bẩm. “Trần Đình Sanh là một người có thể diễn được vai Kim Lân khá nhất trong toàn quốc. Kim Lân là bậc trí tướng, nhưng cũng có nhiều lúc hoang mang, nên tình cảm diễn biến rất phức tạp. Trong tuồng của ta, ai có thể diễn được Kim Lân, thì có thể diễn được tất cả các vai kép”, cố GS. Hoàng Châu Ký từng chia sẻ. Thần thái uy phong nhưng trong những lúc binh biến cơ nghiệp, Đổng Kim Lân vẫn có những bận u uẩn. Mà cái buồn trong tuồng khác với cải lương, kịch nói. Cái đau trở nên tận cùng, cái buồn trở nên ken đặc, nhưng phải giấu trong những lớp lang cảm xúc. NSND Trần Đình Sanh nói, tuồng kỳ lạ lắm, là sân khấu đấy, nhưng cũng là không gian của cuộc đời. Nó phô bày trần trụi mọi thứ. Hay, dở, xấu, tốt… được phân định rõ ràng. Người đi xem tuồng là xem những chuyện đã xảy ra rồi, đã thuộc rành rẽ cả rồi, nhưng phải xem, để coi cái anh kép, ả đào kia diễn như thế nào. “Có thật không”, lại hỏi… “có thật không”, là cái khán giả tìm, “soi” với mỗi vai diễn trên sân khấu tuồng. Nên người diễn tuồng, tưởng đơn giản, hóa ra lại vô cùng khó. Phải phơi bày những nếm trải, phải đủ sắc sảo và kiêu hãnh, phải vừa vặn với tâm thức thời đại mình, phải đau, phải bi đến độ quỵ ngã, nhưng khi cần thì phải oai, phải bừng bừng uy lực trước vận mệnh của đất nước… Thì vậy, nên sau mỗi lớp diễn, người như nhánh cây khô, sẽ gãy giòn nếu không nặng nghiệp.

NSND Trần Đình Sanh trong vai Thục An Dương Vương (Nhà hát tuổng Nguyễn Hiển Dĩnh, năm 2003). Ảnh: nhân vật cung cấp
NSND Trần Đình Sanh trong vai Thục An Dương Vương (Nhà hát tuổng Nguyễn Hiển Dĩnh, năm 2003). Ảnh: nhân vật cung cấp

Lớp diễn Đổng Kim Lân qua đèo, ông không nhớ mình đã trải qua bao bận khóc cười thật trên sân khấu. Lần đầu tiên đi hia, khoác bộ đồ tướng dành cho họ Đổng, năm ấy ông mới 23 tuổi. Đó cũng là lúc đất nước vừa thống nhất, đoàn tuồng quân khu từ vùng cách mạng chuyển ra vùng giải phóng, và phải đi từ những tiếp nhận đầu tiên, của lớp bình dân chưa được coi nhiều vở hát bộ, tuồng đồ. Vậy mà họ đã yêu quý Đổng Kim Lân, đã sởn gai ốc với sự xuất thần của Trần Đình Sanh. Khi ấy, bậc trí tướng, văn võ toàn tài như Đổng Kim Lân là cứu cánh cho những anh hùng thế kỷ 20, những người trở về từ chiến trận, và chưa kịp “được quen” với những đổi thay của thời cuộc. Bao giằng xé được ông bày ra, tuồng thì cũ, nhưng mối giao cảm giữa quá khứ, hiện tại ẩn trong thông điệp từ nhân vật, thì luôn mới. Ông nói, để lột tả được một Đổng Kim Lân trung thành nhưng hết sức khôn khéo khi giả hàng trong lúc yếu thế, phải chăm chút từng ánh mắt, từng điệu bộ. “Ngay cả chân hia đi thì cách đi cũng biểu hiện tâm trạng: lúc đau đớn, lúc khoan thai kết hợp đồng bộ với tay kiếm, tay roi. Múa trong tuồng không chỉ đẹp mà phải làm sao để người xem cảm nhận được tâm trạng nhân vật” - NSND Trần Đình Sanh chia sẻ. Xử lý tâm trạng nhân vật bằng thoại và ngôn ngữ hình thể, tâm trạng đau đớn của Đổng Kim Lân trước cơn đói của hoàng tử, phải cắt máu tay mình để giữ mạng sống cho bề trên, còn trí óc thì miên man nghĩ đến vận mệnh đất nước, bao nhiêu khối xúc cảm dồn nén trong một vai, và người diễn buộc phải thật khéo léo, tinh tế. Trong đoạn này lời không nhiều nhưng lại đòi hỏi sức lực, kỹ thuật biểu diễn cao… Và những bậc thầy của tuồng đồ miền Trung, khi ấy đã đánh giá xuất sắc về vai Đổng Kim Lân của NSND Trần Đình Sanh. Nhớ lại, nụ cười ông vẫn còn tươi rói. Trước Đổng Kim Lân, vai đầu tiên ông nhận là tướng Trần Bình Trọng. Nhưng sau khi sắm vai Đổng Kim Lân, lúc ấy, những vai trí tướng trong các vở tuồng cổ đều như “đo ni đóng giày” cho Trần Đình Sanh. Từ Trần Bình Trọng, Đổng Kim Lân, Thục An Dương Vương, Trần Thủ Độ, tướng lĩnh Hoàng Phi Hổ… ông đều nhập vai rất mùi. Một kép chánh sang trọng, hùng dũng, ghi dấu sâu đậm trên các sân khấu tuồng những năm thập niên 1980 – 1990, thời vàng son của bộ môn này.

Tiếng xưa còn vọng

Trong cuộc đời làm nghệ thuật, ông nói vẫn còn nợ những người già ở các vùng quê xa xôi của xứ Quảng. Đoàn tuồng của ông chỉ một, hai lần đặt chân đến, họ đốt đuốc băng đồng ngồi mê mẩn coi đoàn diễn. “Nếu không giữ tuồng, thì nợ tổ tiên, nợ khán giả” - ông tâm sự. Trong căn nhà ông dọn về từ khi công tác ở nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, góc nào cũng in dấu hành trình cuộc đời ông - của tuồng. Có góc đặt tủ sách với phần đông nghiên cứu về sân khấu tuồng. Có góc giữ mặt nạ tuồng. Có góc phục trang, hình ảnh… Cứ vậy, ông như sống cùng tuồng ở mọi thời khắc. Hình như, phước phần ông tự chọn lấy cho mình, là phải đa mang với vốn cổ truyền này. Ông có hai người con, ai cũng tài hoa, nhiều chỗ gọi mời làm việc, nhưng vẫn chọn về Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Người làm mỹ thuật, người làm quản lý, theo con đường của cha, như vừa muốn kế trọn phần nghiệp ông đã nặng cả cuộc đời.

Năm 1989, ông  được tín nhiệm giữ vai trò chỉ đạo nghệ thuật tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, sau đó là Giám đốc Nhà hát. Ông vẫn vừa biểu diễn, vừa quản lý. Vẫn lấy cái tinh thần mỗi khi sắm vai tuồng, ấy là làm hết mình. Dù nhiều lần đối diện với cái khoảng trống mênh mông, khi tiếng nói chung giữa quản lý và văn học nghệ thuật không còn, khi tuồng – gần như phải đi tìm khán giả, thì ông vẫn mải mê tìm cách tròn vai, cả vai diễn ở sân khấu lẫn vai cánh chim đầu đàn của nhà hát. Đến giờ, đã về hưu, nghiệp với tuồng vẫn không thôi, ông đi dạy hát tuồng, đi tìm những người trẻ mê tuồng. Nhưng ông cũng nói chua chát: “Đệ tử tầm sư dị. Sư tầm đệ tử nan. Ít người có tâm thức lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với mình”. Coi vậy, dù niềm tin thì tròn lắm, nhưng nỗi buồn vẫn còn đầy. Cũng bởi phần ông quá nhạy với sự thờ ơ; ai trên sân khấu diễn chưa hết mình, ông biết cả. Không nói ra, nhưng buồn. Ông nói, thu nhập với nghề ít quá, nên anh em nhà hát rất yêu tuồng nhưng phải làm thêm nhiều thứ khác. Còn nữa, vì phải đi tìm khán giả, nên đâm ra, cả tác phẩm lẫn người diễn đều trở nên dễ dãi. “Không mong mỏi đến cái cảnh khán giả sẽ xếp hàng đến rạp, dù ít nhiều thế nào thì vẫn có khán giả đấy chứ. Người làm nghệ thuật phải kiên trì, không thể tìm đến khán giả bằng mọi cách, mà phải tìm cách chinh phục khán giả bằng tác phẩm có chất lượng. Dĩ nhiên nghệ thuật không thể làm vừa lòng hết thảy khán giả. Phải xác định rằng đơn vị nghệ thuật tồn tại theo mục tiêu nào, tiêu chí nào. Nếu xác định nghệ thuật tuồng là vốn quý của dân tộc, thuộc hàng quý hiếm, thì phải nghiêm túc giữ đúng chất của bộ môn này” - ông đau đáu.

Đi cùng niềm tin “tiếng xưa vẫn vọng”, là những đúc kết của trải nghiệm, khi ông nói, rằng mạch nguồn của tuồng không bao giờ dứt… Mỗi ngày đượm một chút trong lòng người, vậy cũng đủ để neo lại với đời.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tuồng xưa còn vọng tiếng này…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO