Nguồn nước dưới đất ở một số khu vực ven biển đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nhưng người dân vẫn phải sử dụng. Trong khi đó, ở một số nơi, công tác quản lý khai thác, sử dụng nước dưới đất bộc lộ bất cập.
Chủ yếu sử dụng nước ngầm
Báo cáo quan trắc môi trường năm 2018 của Sở TN&MT cho thấy, nguồn nước dưới đất vùng ven biển chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm ở quy mô lớn. Tuy vậy, thông số coliform, amoni, Mn... thường xuyên vượt giới hạn ở một số giếng nước của người dân. Quan trắc giếng nước hộ ông Nguyễn Bá Lời (xã Duy Hải, Duy Xuyên), ngành chức năng nhận thấy thường xuyên bị ô nhiễm thông số coliform, amoni, Mn. Đây là vùng ven biển có hoạt động liên quan đến nuôi trồng thủy sản, là nguyên nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nước dưới đất. Còn nguồn nước dưới đất được quan trắc tại các đô thị hoặc ven đô có chất lượng chưa đạt quy chuẩn ở một vài thông số. Trong đó, các giếng tại xã Đại Cường (Đại Lộc), thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) và phường An Sơn (Tam Kỳ) có chất lượng nước xấu hơn, tần suất và số lượng thông số vượt quy chuẩn nhiều hơn so với các giếng tại các đô thị như Hội An, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình và Núi Thành.
Tại TP.Hội An, nhiều khu vực đất cát, người dân vẫn thường sử dụng giếng khoan; doanh nghiệp bơm nước ngầm để sử dụng. Theo Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An, hiện chỉ có 65% hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đăng ký đấu nối sử dụng nước thủy cục của Xí nghiệp Cấp thoát nước. Điển hình tại phường Cẩm An chỉ khoảng 5% hộ đăng ký sử dụng nước thủy cục. Như vậy, 95% hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn phường khai thác nước ngầm sử dụng. Tại các xã Tam Phú, Tam Thăng, Tam Thanh (Tam Kỳ), nhiều năm nay, mạng lưới đường ống dẫn nước sạch của Xí nghiệp Cấp nước Tam Kỳ thuộc Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam được đầu tư vùng nông thôn, nhưng thời điểm này, theo thống kê người dân chỉ mới sử dụng hệ thống nước máy dưới 50%. Dọc ven biển kéo dài từ Hội An đến Điện Bàn, nhiều khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú còn thói quen sử dụng nước ngầm.
Cần kiểm soát chặt chẽ nguồn nước
Đến tháng 4.2019, tại 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển của tỉnh đã có 45 đơn vị, tổ chức được Bộ TN&MT, UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, với tổng lưu lượng nước khai thác 18.373m3/ngày đêm. Trong đó, khu vực ven biển có 14 đơn vị được cấp giấy phép, với tổng lượng nước khai thác 11.503m3/ngày đêm. Tại thị xã Điện Bàn, Bộ TN&MT cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm cho Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Quảng Nam – Đà Nẵng với công suất 5.000m3/ngày đêm, Chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam tại miền Trung công suất 2.016m3/ngày đêm, Công ty TNHH Nhà máy bia Heiniken Việt Nam – Quảng Nam 1.476 m3/ngày đêm, Công ty CP Sân gôn Indochia Hội An 1.000m3/ngày đêm, Công ty TNHH Indochina Resort 906m3/ngày đêm.
Hiện nay, Sở TN&MT đang tiếp tục hoàn hiện nhiệm vụ khoanh định vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Để hạn chế tình trạng xâm nhập mặn và bảo vệ nước dưới mặt đất, UBND tỉnh đã chỉ đạo các khu vực ven biển TP.Hội An, vùng đông của thị xã Điện Bàn, huyện Thăng Bình và TP.Tam Kỳ, khu vực trung tâm huyện Núi Thành và Khu công nghiệp Bắc Chu Lai cần hạn chế tối đa việc tham mưu cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất. Riêng đối với TP.Hội An, UBND tỉnh đã ngưng cấp giấy phép khai thác nước ngầm và ngưng gia hạn giấy phép khai thác nước ngầm cho doanh nghiệp khai thác nước ngầm trên địa bàn.
Nói về khó khăn trong công tác quản lý khai thác, sử dụng nước dưới đất, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Thọ cho rằng, việc lập, phê duyệt, công bố quy hoạch tài nguyên nước và điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện. Trong khi đó, Bộ TN&MT chưa ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về các thông số của thiết bị giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các yêu cầu đối với việc truyền dữ liệu giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước từ các công trình khai thác về hệ thống thiết bị thu nhận, quản lý dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và của tỉnh.
Một số khu vực ven biển chưa đầu tư hệ thống nước sạch tập trung. “Chúng tôi đề xuất bổ sung các điểm quan trắc nước dưới đất tại các khu vực ven biển để theo dõi, giám sát diễn biến mực nước, chất lượng nước, động thái nước dưới đất và dự báo về tình hình cạn kiệt, suy giảm nguồn nước dưới đất. Cạnh đó, hạn chế tối đa việc tham mưu cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất những khu vực vùng ven biển TP.Hội An, phía đông thị xã Điện Bàn, phía đông huyện Thăng Bình và TP.Tam Kỳ và Khu công nghiệp Bắc Chu Lai” - ông Thọ nói.