Sau nhiều năm học sinh chuyên môn Sử - Địa chung một lớp, nhiều khả năng từ năm học 2023 - 2024 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Thánh Tông sẽ tách thành hai lớp chuyên Sử và chuyên Địa riêng với số lượng tuyển sinh tăng lên 35 em/lớp.
Vai trò đầu tàu
Năm học đầu tiên 2002 - 2003 chỉ có 5 lớp chuyên gồm Toán, Văn, Lý, Hóa, Tiếng Anh, đến năm học 2005 - 2006 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm mới mở thêm 2 lớp chuyên nữa là Sinh, Tin học và mãi đến năm học 2011 - 2012 lớp chuyên Sử - Địa mới ra đời. Điều đáng nói thêm, trong khi các môn chuyên khác tuyển sinh 35 học sinh (HS) thì môn Sử chỉ có 18 và môn Địa 17 em.
Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông ra đời muộn hơn (năm 2012) cũng đi theo mô hình tương tự như chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, gồm 7 lớp chuyên riêng và một lớp chuyên ghép Sử - Địa.
Dù “sinh sau” với số lượng tuyển sinh ít nhưng thầy và trò lớp chuyên Sử - Địa lại thành công nhiều hơn các lớp chuyên khác khi thường xuyên mang về niềm vui cho trường, cho tỉnh tại các kỳ thi HS giỏi quốc gia, đặc biệt môn Sử trở thành “đầu tàu” trong phong trào HS giỏi.
Kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021, trong tổng số 32 giải cả tỉnh thì riêng hai môn Sử - Địa chiếm đến 8 giải (Sử 4, Địa 4).
Năm học 2021 - 2022, môn Sử vươn lên dẫn đầu trong số 9 môn chuyên với 6 giải gồm 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 3 giải Khuyến khích (tổng số cả tỉnh có 34 giải, gồm 4 Nhì, 10 Ba, 20 Khuyến khích).
Năm học 2022 - 2023, một lần nữa môn Sử nằm trong nhóm các môn gặt hái được nhiều giải thưởng nhất với 6 giải, còn môn Địa 3 giải với chất lượng cao (2/6 giải Nhì của tỉnh).
Nói về kết quả của môn Sử tại các kỳ thi HS giỏi quốc gia, thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, thầy và trò môn Sử gần như năm nào cũng lập thành tích xuất sắc thuộc hàng cao nhất trong các môn. Nhiều em học giỏi môn Sử, nhưng các môn khác cũng rất tốt và trúng tuyển vào đại học, đạt học bổng du học.
“Điều đặc biệt hơn là đến nay Sử là môn chuyên duy nhất toàn sử dụng “cây nhà lá vườn” trong công tác bồi dưỡng HS giỏi là các thầy, cô giáo của trường nhưng với khả năng, sự đam mê học hỏi, nghiên cứu đã giúp học trò đội tuyển Sử gặt hái thành công” - thầy Chương chia sẻ.
Tăng chỉ tiêu tuyển sinh
Với kết quả cao trong nhiều năm liền nên theo quy chế thi HS giỏi quốc gia của Bộ GD-ĐT, thay vì mỗi môn đăng ký dự thi tối đa 6 HS, môn Sử và môn Địa (cùng với môn Sinh), đội tuyển HS giỏi Quảng Nam được đăng ký dự thi 8 em mỗi môn.
Số lượng HS ít hơn nhưng danh sách đội tuyển dự thi quốc gia lại nhiều hơn là một nghịch lý thú vị, cho thấy đã đến lúc cần tăng số lượng HS hai môn này cho tương xứng với thành tích.
Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin, ngành đã xin chủ trương và sẽ trình UBND tỉnh phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024 theo hướng môn chuyên Sử và Địa sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh, mỗi môn 35 HS bằng với số lượng các lớp chuyên khác và lớp chuyên Sử - Địa tách thành 2 lớp riêng.
“Số lượng 35 em mỗi lớp chuyên Sử, chuyên Địa là đúng theo quy chế tổ chức, hoạt động của trường chuyên và việc tách lớp sẽ tạo thuận lợi và đạt hiệu quả cao trong quá trình quản lý, tổ chức dạy học” - ông Tường nói.
Thầy Phan Văn Chương cho rằng, những năm qua, số lượng HS đăng ký thi tuyển vào lớp chuyên Sử - Địa khá đông. Do đó, nếu được tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho HS có nguyện vọng vào học các môn Sử, Địa tại hai trường THPT chuyên của tỉnh.
Đồng thời, hai lớp chuyên Sử và chuyên Địa riêng cũng sẽ giúp nhà trường thuận lợi hơn trong công tác quản lý, tổ chức các hoạt động chuyên môn, bồi dưỡng HS giỏi.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Thành Khoa - nguyên Tổ trưởng Tổ Sử - Địa Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng đó là niềm vui nếu môn Sử được tuyển 35 HS như các lớp chuyên khác.
“Tại các kỳ thi HS giỏi quốc gia nhiều năm qua cho thấy, Sử là môn có chất lượng giải cao và sự ổn định nhất. Hơn nữa, môn Sử hiện nay là môn học bắt buộc và có ý nghĩa rất lớn. Vì vậy, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh môn Sử là điều rất tốt” - thầy Khoa chia sẻ.