Tuyển sinh lớp 10, công bằng cho học sinh!

TRƯỜNG ĐỒNG 02/10/2023 04:55

Những ngày qua các bậc phụ huynh rôm rả bàn chuyện Sở GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo phương án tổ chức tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 bằng hình thức thi tuyển. Phụ huynh xôn xao bởi điều này được mong chờ bấy lâu nay.

Nhiều phụ huynh nói, chưa biết sẽ triển khai như thế nào (vì dự thảo chỉ được lấy ý kiến của Phòng GD-ĐT và các trường THPT!), nhưng chỉ cần thi tuyển là đã yên tâm thở phào nhẹ nhõm.

Trước đây, khi Quảng Nam là một trong số rất ít địa phương tiên phong chọn phương thức xét tuyển vào lớp 10 công lập (không chuyên) được xem là bước đột phá, với kỳ vọng giúp giảm áp lực cho học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng, tiết kiệm cho các gia đình và xã hội.

Còn nhớ nhiều năm trước khi các cháu tôi thi vào lớp 10, cả nhà phải lo ngày lo đêm; đến các buổi thi phụ huynh vật vạ ngồi chờ trước cổng trường vừa mệt, vừa lo… Vậy nên, phương án xét tuyển vào lớp 10 lúc bấy giờ được nhiều người ủng hộ.

Quả thật, phương án xét tuyển vào lớp 10 thay vì thi tuyển, ngay trong năm đầu tiên áp dụng đã thể hiện rõ tính ưu việt khi không chỉ giảm áp lực học tập cho học sinh mà các bậc phụ huynh còn thả được gánh nặng lo âu; đồng thời tiết kiệm tiền bạc, thời gian, kể cả công sức cho ngành giáo dục… Tuy nhiên, dần theo thời gian, từ phương thức này bắt đầu nảy sinh những vấn đề không hay, theo nhận xét của nhiều người.

Để đủ điều kiện xét tuyển vào lớp 10, ngay từ lớp 6 có phụ huynh đã bắt đầu lo “làm đẹp” học bạ cho con em mình, dẫn đến những băn khoăn về tình trạng chạy điểm, chạy hạnh kiểm; học sinh đi học thêm để “được” điểm cao, phụ huynh “o bế” giáo viên…

Đó là chưa nói đến chuyện mỗi giáo viên có cách đánh giá học sinh khác nhau, và không loại trừ trường hợp “nâng điểm” do thương học sinh, nên không thể tránh khỏi việc có độ vênh nhất định khi áp dụng học bạ để xét tuyển. Dẫn đến, từ một phương án ưu việt, hình thức xét tuyển vào lớp 10 dần trở thành bất hợp lý và thiếu sự công bằng đối với những học sinh thực sự có năng lực.

Điều này càng đáng quan tâm, khi Quảng Nam đang thực hiện phân luồng học sinh sau THCS với chỉ 80% số học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 (số còn lại được định hướng theo học giáo dục nghề nghiệp) và tỷ lệ này giảm dần từng năm.

Từ thực tế mỗi trường THCS có phương thức đánh giá khác nhau nên tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức thi tuyển là cách làm khách quan! Học sinh phấn đấu học tập tốt, thật sự có năng lực sẽ vượt qua được kỳ thi để vào trường THPT mình lựa chọn.

Dầu vậy, cũng cần nhìn nhận lại câu chuyện thi tuyển sinh lớp 10 trước đây từng gây áp lực khá lớn cho học sinh và phụ huynh. Do đó, nên chăng khi chọn phương thức chức thi tuyển vào lớp 10 để phù hợp xu thế thì cũng cần giảm tải chương trình giáo dục. Như hiện nay các cháu mới bước vào lớp 6 đã oằn vai với chương trình học.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tuyển sinh vào lớp 10 có 3 phương thức: Thi tuyển, xét tuyển, vừa thi vừa xét tuyển. Phương thức nào cũng có mặt tích cực khi hướng đến mục tiêu giảm áp lực cho học sinh, gia đình, xã hội; và đương nhiên mỗi phương thức không thể tránh khỏi một vài hạn chế nhất định.

Chỉ có điều, cần lựa chọn phương án sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, như về cơ sở vật chất, số lượng học sinh, đội ngũ giáo viên…, để giảm tối đa các hạn chế.

Và với Quảng Nam, thi tuyển là lựa chọn thích hợp hiện nay, nhận được sự ủng hộ cao từ các Phòng GD-ĐT và trường THPT trên địa bàn tỉnh, kể cả trong dư luận phụ huynh.

Suy cho cùng, dù tuyển sinh theo phương án nào, vấn đề quan trọng là cách thức triển khai phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, hiệu quả và công bằng cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tuyển sinh lớp 10, công bằng cho học sinh!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO