Tuyển sinh lớp 10 năm học 2017 - 2018: Thay đổi có nâng cao chất lượng?

XUÂN PHÚ 20/06/2017 08:42

Điểm mới trong phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2017 - 2018 là các địa phương miền núi không còn tuyển sinh với chỉ tiêu tròn trĩnh 100%; phải thi tuyển cạnh tranh vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh. Liệu sự thay đổi này có giúp nâng cao chất lượng tuyển sinh như kỳ vọng của ngành GD-ĐT?

  • Tuyển 90% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập
Thi tuyển cạnh tranh sẽ giúp Trường Phổ thông DTNT tỉnh nâng cao chất lượng. Ảnh: X.PHÚ
Thi tuyển cạnh tranh sẽ giúp Trường Phổ thông DTNT tỉnh nâng cao chất lượng. Ảnh: X.PHÚ

Tránh tình trạng “ngồi nhầm lớp”

Những năm trước đây, trong khi các địa phương đồng bằng luôn “đau đầu” trước việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng như nhu cầu học tập của học sinh (HS) thì các huyện miền núi khá “ung dung” trong công tác tuyển sinh. Bởi lẽ, với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả HS miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nguyện vọng học THPT, tỉnh chủ trương 100% HS tốt nghiệp THCS nộp đơn dự tuyển đều nghiễm nhiên được trúng tuyển. Song cách tuyển sinh này đã đem lại không ít bất cập. Nhiều lãnh đạo trường THPT miền núi chia sẻ, một số em vào lớp 10 nhưng khả năng còn khá hạn chế, thậm chí các bài toán cơ bản còn lúng túng. Chính điều này khiến cho chất lượng giáo dục miền núi cũng như tỷ lệ tốt nghiệp THPT nhiều năm trước đây khá thấp. Cạnh đó, đã dẫn đến tình trạng HS THPT miền núi bỏ học nhiều do không theo kịp chương trình, gây lãng phí công sức, tiền của của gia đình và xã hội.

Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào Trường Phổ thông DTNT tỉnh dự thi 2 môn Văn và Toán, thời gian làm bài mỗi môn 120 phút. Ngày thi 4.7, buổi sáng thi môn Văn, buổi chiều thi môn Toán.

Năm nay, phương án tuyển sinh đối với các huyện miền núi cơ bản vẫn được giữ như cũ. Đó là xét tuyển dựa trên kết quả học tập và rèn luyện ở bậc THCS kết hợp với phân vùng tuyển sinh đối với những địa phương có từ 2 trường THPT trở lên. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh đã thay đổi, không còn con số tròn trĩnh 100% như trước mà hạ xuống 90% số HS đã tốt nghiệp THCS nộp hồ sơ dự tuyển. Điều đó có nghĩa, các trường THPT ở các huyện miền núi vẫn phải “đãi gạo trên sàng”, xét tuyển từ cao đến thấp cho đủ chỉ tiêu 90% như các trường THPT ở đồng bằng.

Giải thích vì sao phải kéo chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 ở các huyện miền núi chỉ còn 90%, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Công Thành cho rằng phương án này nhằm nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường THPT, giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời thực hiện theo lộ trình phân luồng đào tạo theo chủ trương của Trung ương và tỉnh. Những em không đủ điều kiện vào học trường THPT có thể đi học nghề hoặc học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường tư thục. Hiệu trưởng một trường THPT miền núi khi đón nhận thông tin này tỏ ra hào hứng và cho rằng chỉ tiêu tuyển sinh 90% vẫn còn cao nhưng đã phần nào giúp cho các trường sàng lọc được những em học quá yếu, không đủ điều kiện vào học lớp 10, tránh tình trạng “ngồi nhầm lớp” như các năm trước đây.

Thi tuyển cạnh tranh

Cùng với các trường THPT miền núi, tuyển sinh lớp 10 vào Trường Phổ thông DTNT tỉnh năm học 2017 - 2018 cũng có một sự thay đổi căn bản. Cụ thể, thay vì xét tuyển (dựa trên kết quả học tập và rèn luyện 4 năm học THCS) và giao chỉ tiêu cho từng huyện dựa trên quy mô HS lớp 9 của địa phương như lâu nay, lần này sẽ tuyển sinh theo phương thức thi tuyển cạnh tranh. Các thí sinh dự thi 2 môn Văn và Toán, được cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế của Bộ GD-ĐT. Đáng chú ý, một sự thay đổi lớn nữa là không phân biệt địa bàn tuyển sinh. Thí sinh trúng tuyển là những thí sinh có điểm từ cao xuống thấp và lấy đủ chỉ tiêu được giao là 167 (159 dân tộc thiểu số, 8 người Kinh), không phân biệt địa phương.

Nhận xét về sự thay đổi này, thầy Trần Minh Hiệu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT tỉnh cho rằng tuyển sinh theo phương án mới chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đầu vào và xa hơn là chất lượng tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số cho miền núi, vùng dân tộc. Em nào học lực tốt hơn, điểm thi cao hơn sẽ có điều kiện thuận lợi hơn khi tham gia tuyển sinh vào trường. Hơn nữa, những năm trước chỉ tiêu xét tuyển được giao cho từng huyện nên có trường hợp một số em điểm xét tuyển thấp hơn vẫn trúng tuyển. Còn năm nay, tất cả đều phải cạnh tranh công bằng ở kỳ thi, em nào điểm cao hơn sẽ có cơ hội vào trường nhiều hơn. Cũng theo thầy Hiệu, nhà trường ủng hộ phương án tuyển sinh này và điều này cũng nằm trong lộ trình xây dựng, nâng cao chất lượng giáo dục theo đề án xây dựng Trường Phổ thông DTNT tỉnh đang trình lên UBND tỉnh và HĐND tỉnh.

Bỏ xét tuyển, thay vào đó là thi tuyển cạnh tranh rõ ràng sẽ là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, có ý kiến bày tỏ băn khoăn thi tuyển cạnh tranh mà không tính đến phương án cơ cấu vùng miền sẽ phá vỡ định hướng chiến lược đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho miền núi vốn lâu nay Trường Phổ thông DTNT tỉnh đảm nhận. Cụ thể, với cách tuyển sinh này, nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng có huyện có khá nhiều HS theo học, còn có huyện rất ít vì tương quan học lực của các dân tộc thiểu số ở các địa phương là khác nhau. Theo đề án nâng cao chất lượng Trường Phổ thông DTNT tỉnh được Sở GD-ĐT xây dựng trình UBND tỉnh, 50% chỉ tiêu phân bổ cho từng huyện còn 50% chỉ tiêu chung cho toàn tỉnh. Thậm chí, theo thông tin chúng tôi nắm được, tại một hội thảo do Sở GD-ĐT và Trường Phổ thông DTNT tỉnh tổ chức, các địa phương miền núi đề xuất 70% chỉ tiêu phân bổ cho huyện còn 30% chỉ tiêu cho toàn tỉnh nhằm đảm bảo hài hòa cơ cấu nguồn đào tạo cán bộ cho từng huyện.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tuyển sinh lớp 10 năm học 2017 - 2018: Thay đổi có nâng cao chất lượng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO