Không chỉ cung cấp kiến thức bổ ích liên quan đến Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản pháp luật liên quan, nhiều băn khoăn của ngư dân đã được lực lượng Cảnh sát đường thủy lắng nghe, giải thích cặn kẽ. Gỡ được những khúc mắc trong dân, nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật là kết quả đáng ghi nhận sau rất nhiều buổi tuyên truyền được triển khai.
Tuyên truyền trọng điểm
Ngoài số lượng phương tiện khai thác, đánh bắt thủy hải sản lớn nhất toàn tỉnh, Núi Thành còn có cảng Chu Lai, cảng biển phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn đường thủy luôn được chú trọng.
Nhằm tăng cường nhận thức, cung cấp kiến thức pháp luật liên quan đến Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản pháp luật có liên quan, trong tháng 3, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh đã phối hợp với Công an huyện Núi Thành tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân các xã có lượng phương tiện đường thủy nhiều như Tam Hải, Tam Quang, Tam Giang, Tam Tiến.
Đây là các địa phương có nhiều tuyến sông, biển, người dân hành nghề sông nước, đánh bắt hải sản, dùng ghe thuyền vận chuyển hàng hóa… khá lớn. Việc quản lý phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, xảy ra tai nạn.
Phòng Cảnh sát đường thủy đã chủ động liên hệ, phối hợp với công an địa phương, các nghiệp đoàn, mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đến để tuyên truyền.
Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng - báo cáo viên Phòng Cảnh sát đường thủy cho hay, tại các buổi tuyên truyền, đơn vị tập trung phổ biến nhiều nội dung liên quan đến Luật Giao thông đường thủy nội địa, trong đó chú trọng các hành vi, thói quen của người dân trong quá trình di chuyển, sử dụng phương tiện giao thông thủy nội địa, là nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp ảnh hưởng đến an toàn giao thông thủy nội địa.
Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm cũng được người dân quan tâm, là yếu tố tác động mạnh đến nhận thức, ý thức của họ khi điều khiển phương tiện cũng như tổ chức các hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đường thủy.
Gỡ những khúc mắc
Ông Võ Tấu (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) chia sẻ, nhiều người dân sống ở địa phương hành nghề rớ đáy trên sông, gần luồng ra vào của các tàu chở hàng hóa cập cảng Chu Lai bị ảnh hưởng mỗi khi tàu di chuyển. Sóng lớn tạo ra do tàu hàng di chuyển làm hư hại rớ của dân, tác động đến các ghe thuyền đang hoạt động trên sông khiến người dân bức xúc.
Một số chủ tàu cũng phản ánh về việc dàn đèn của tàu đánh bắt hải sản bị rung lắc, vỡ bóng đèn do sóng của tàu hàng tạo ra khi di chuyển. Ngư dân còn băn khoăn về việc ai sẽ chịu trách nhiệm cho thiệt hại này, quy định về tốc độ di chuyển của tàu hàng cũng như những tác động đến phương tiện khác có được quy định trong luật?
Nhiều câu hỏi rất thực tế, như ngư dân có được uống rượu bia khi đang đánh bắt thủy hải sản, đơn vị nào có quyền xử lý hành vi dùng xung điện đánh bắt cá… cũng được người dân nêu ra với cán bộ tuyên truyền.
Bên cạnh giải thích cặn kẽ những quy định về luật, Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng cũng trả lời cụ thể những trường hợp người dân hiểu chưa đúng, chưa kỹ về quy định khi điều khiển phương tiện thủy nội địa lưu thông, hành vi vi phạm khi cắm rớ lấn vào luồng quy định, sử dụng rượu bia khi đang điều khiển ghe thuyền đánh bắt thủy hải sản...
“Sau khi giải thích cặn kẽ về các quy định, lý giải những trường hợp đúng - sai cụ thể theo từng kiến nghị của bà con, rất nhiều người thay vì bức xúc, đòi hỏi bồi thường đã hiểu đúng, hiểu rõ về các hành vi của mình, thậm chí tự nhắc nhở người thân tránh những vi phạm thường mắc phải. Chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn nhiều áo phao, phao cứu sinh để tặng người dân sau mỗi buổi tuyên truyền” - Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng chia sẻ.
Theo ông Phạm Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Tam Giang, buổi tuyên truyền tác động tích cực vào nhận thức của người dân. “Chúng tôi rất mong những hoạt động này được duy trì, nhân rộng, vừa cung cấp kiến thức cho nhân dân, vừa đồng hành với chính quyền giải quyết những bức xúc của bà con trên cơ sở quy định của pháp luật” - ông Châu nói.