Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở (PTDTNT-THCS) huyện Tây Giang vừa tổ chức hội thi “Tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình và nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết năm học 2017 - 2018”.
Tác phẩm kịch “Đòi vợ” của lớp 8/2. Ảnh: Đ.HIỆP |
Đây là một trong những hoạt động nhằm tuyên truyền cho học sinh hiểu về Luật hôn nhân và gia đình, những hệ lụy của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Năm mươi thí sinh tham gia hội thi. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, các đội chơi đã mang đến cho khán giả những màn tranh tài sôi nổi và hấp dẫn qua phần thi văn nghệ và tiểu phẩm. Mỗi tiểu phẩm do các “vai diễn nhí” thể hiện đã giúp cho các em học sinh nhận thức rõ hơn về nguyên nhân cũng như những hậu quả của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Tiêu biểu như tác phẩm Đòi vợ (lớp 8/2), Lời ru buồn (lớp 7/2), Chuyện nhà lá diêu bông (lớp 7/1), Con chưa mười tám (lớp 8/1)... Mỗi tác phẩm được dàn dựng công phu và được tập dượt nhiều lần. Dù không phải là diễn viên chuyên nghiệp nhưng các em diễn rất nhập vai, xen lẫn sự hồn nhiên là chút hài hước đã tạo cho hội thi thành công ngoài mong đợi. Những thông điệp, những kiến thức cơ bản về hôn nhân gia đình được gửi gắm qua từng vở kịch, làm cho người xem dễ hiểu, dễ nhớ và nhớ lâu.
Em Bling Thị Phương (lớp 8/2) tâm sự, qua hội thi, em học được nhiều điều lắm, như nam, nữ bao nhiêu tuổi mới được kết hôn, hay những hệ lụy từ việc lấy vợ, lấy chồng sớm, những bệnh tật do hôn nhân cận huyết thống gây ra... “Em ở tận thôn Ka Tiết (xã Dang). Trước đây, ở thôn em có nhiều anh chị kết hôn sớm lắm. Rồi họ bỏ học vì lo con cái, cuộc sống rất vất vả. Qua hội thi và thực tiễn cuộc sống, em quyết tâm học thật giỏi để có kiến thức, có nghề nghiệp, tự lo được cho bản thân thì em mới lập gia đình” - Phương thật thà cho biết. Ban tổ chức hội thi đã lồng ghép thêm nội dung “thi có thưởng” tìm hiểu về Luật hôn nhân và gia đình, vì thế học sinh của trường sôi nổi tham gia trả lời các câu hỏi về các tình huống liên quan như quy định tuổi kết hôn, thế nào là tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra những hệ lụy gì. Qua đó, các em bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề nêu ra. Sau mỗi câu trả lời, nếu đúng, các em được nhận quà và sau mỗi câu hỏi đều có đáp án và được các thầy cô giải thích thêm để các em hiểu rõ. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho lớp 7/1, giải nhì lớp 8/2. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao các giải phụ, giải khuyến khích.
Thầy giáo Trần Văn Sĩ - Hiệu phó Trường PTDTNT-THCS huyện Tây Giang cho biết, hội thi thực sự là dịp để các em học sinh trang bị thêm kiến thức và hiểu biết đúng đắn về nguyên nhân và hậu quả của việc kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống. Nạn tảo hôn là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến việc học tập, vui chơi, sức khỏe và hạnh phúc gia đình của một bộ phận trẻ vị thành niên, làm suy thoái giống nòi, trẻ sinh ra có tỷ lệ dị dạng cao hoặc mắc các bệnh di truyền nghiêm trọng. Hàng năm, nhà trường đã mời các ngành y tế, dân số... đến tuyên truyền về hôn nhân, sức khỏe sinh sản, giới tính cho học sinh. Hội thi tìm hiểu Luật hôn nhân và gia đình và nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết là cách truyền thông hiệu quả mà nhà trường áp dụng. Chính các em nói, chính các em diễn, chính các em tuyên truyền đôi khi lại có tác dụng dễ nhớ, dễ hiểu không nhàm chán và có tính thuyết phục cao.
Tham dự hội thi và trực tiếp tuyên truyền Luật hôn nhân và gia đình cho học sinh nơi đây, ông Hồ Thanh Tân - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh đánh giá cao hội thi: “Việc tuyên truyền vận động ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực ở các huyện miền núi Quảng Nam. Việc làm này đã góp phần làm giảm nhanh tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; giảm tỷ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật; đẩy lùi và ngăn chặn nạo phá thai không an toàn trong vị thành niên”.
ĐÌNH HIỆP