Tuyên truyền ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài

HỒNG ANH 22/12/2021 15:19

(QNO) - Thời gian qua, Bộ đội biên phòng Quảng Nam cùng các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác quản lý, tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), qua đó đã hạn chế số tàu cá trên địa bàn tỉnh vi phạm các quy định liên quan đến IUU.

Ngư dân Ri gọi Icom thông báo về hướng di chuyển của con tàu.Ảnh: HỒNG ANH
Ngư dân Ngô Ri gọi Icom thông báo hướng di chuyển của con tàu.Ảnh: HỒNG ANH

Mỗi chuyến xuất bến ra khơi, cùng với việc chuẩn bị nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ, ngư dân Ngô Ri (59 tuổi, trú xã Tam Hải, huyện Núi Thành) là chủ tàu QNa-91559 TS, công suất 722 CV còn kiểm tra lại các thiết bị giám sát hành trình.

Ông Ri cho biết, trước đây nghề đánh bắt hải sản trên biển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của ông cha từ xưa truyền lại, chứ chưa biết về các quy định đánh bắt hải sản trên biển. Mỗi chuyến ra khơi, ông và nhiều ngư dân khác chỉ biết làm sao cho thuyền đầy khoang tôm, cá. Việc đánh bắt hải sản trước đây không cần khai báo và không theo quy định như bây giờ. Hễ vùng biển nào có nhiều tôm, cá là ngư dân dừng lại đánh bắt chứ không chú ý đến các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp.

“Từ khi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà tuyên truyền, vận động, ký cam kết, mỗi chuyến biển, tôi và nhiều ngư dân khác đã ý thức hơn, tuân thủ các quy định về pháp luật khi đánh bắt trên biển. Ngoài ra, tàu cá tôi được trang thiết bị giám sát hành trình để xác định vị trí, tọa độ tàu đang đánh bắt trên biển, qua đó có thể nhận biết được vùng biển của Việt Nam để không vi phạm qua vùng biển nước ngoài” - ngư dân Ngô Ri cho biết.

Còn với ngư dân Trần Hải Âu (31 tuổi, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành), chủ tàu cá QNa-91639 TS, công suất 720 CV cho hay: “Để chấp hành tốt việc không vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài, tôi đã đầu tư mua một máy định vị 14 triệu đồng, có chức năng xác định vị trí hành trình di chuyển, cũng như tọa độ tàu cá đang hoạt động đánh bắt hải sản. Nhờ có chiếc máy này, tôi biết được vùng biển nào thuộc chủ quyền của nước mình mà không vi phạm vùng biển của nước bạn. Ngoài ra, máy định vị còn thông báo các tàu bè hoạt động đánh bắt gần đó để tránh va chạm với nhau vào ban đêm và độ sâu của mực nước biển để khỏi đâm vào đá ngầm”.

Cũng theo ngư dân Âu, sau khi tàu cá của anh cũng như tàu cá khác đánh bắt cá trên biển trở về cảng cá Kỳ Hà (xã Tam Quang) thì phải trình báo với Đồn Biên phòng cảng Kỳ Hà. Sau đó, lực lượng chức năng xác định vị trí đánh bắt hải sản, lịch trình di chuyển của con tàu để xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản được khai thác theo quy định pháp luật.

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Ảnh: HỒNG ANH
Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Kỳ Hà tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Ảnh: HỒNG ANH

Quảng Nam hiện có hơn 3.000 tàu cá (trong đó có 685 tàu cá đánh bắt xa bờ), từ đầu năm đến nay, các trạm kiểm soát biên phòng làm thủ tục xuất, nhập cho 19.416 lượt tàu cá/121.555 lượt lao động ra vào làm ăn trên biển. Qua kiểm tra, đa số ngư dân chấp hành nghiêm Nghị định số 71/2015 ngày 3.9.2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Để ngư dân chấp hành nghiêm các quy định khi ra vào làm ăn đánh bắt trên biển, cũng như không vi phạm vùng biển nước ngoài, từ nhiều năm nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cũng như các đơn vị biên phòng tuyến biển đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Chi cục Thủy sản Quảng Nam thường xuyên nắm bắt số lượng tàu thuyền ra vào cửa biển, tăng cường công tác tuyên truyền trên loa phát thanh, phát tờ rơi, tổ chức nhiều lớp tập huấn để ngư dân nâng cao nhận thức, khai thác đánh bắt thủy sản đảm bảo quy định của pháp luật.  

Trung tá Nguyễn Bá Tố - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, cho biết: “Do đặc thù hoạt động khai thác thủy sản xa bờ phải ở trên biển dài ngày nên địa phương đều lựa chọn thời điểm khi các chủ tàu và thuyền viên đã vào bờ thì mới tổ chức tuyên truyền. Chúng tôi cũng thường xuyên đến từng nhà ngư dân để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, vận động tuyên truyền họ không khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Với phương châm “mưa dầm, thấm sâu”, công tác tuyên truyền thực hiện thường xuyên liên tục nên thời gian qua ý thức của ngư dân cũng được nâng lên đáng kể, ngư dân giờ nắm rõ các chế tài xử phạt nặng đối với những trường hợp vi phạm nên tuân thủ nghiêm theo quy định”.

Với sự vào cuộc của bộ đội biên phòng tỉnh, sự phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến các quy định của Luật Thủy sản, Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành, đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân cố tình đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, phấn đấu cùng với cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam, góp phần xây dựng nghề cá của tỉnh Quảng Nam phát triển bền vững có trách nhiệm, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tuyên truyền ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO