Tuyên truyền pháp luật cho ngư dân: Cần đi vào chiều sâu

VIỆT QUANG 21/08/2017 08:48

Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân Quảng Nam năm 2017 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng chủ trì vừa qua đã tập trung phân tích các tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để ngăn chặn tình trạng ngư dân bị bắt giữ khi sản xuất trên các vùng biển không thuộc chủ quyền của nước ta.

Các ngành chức năng của tỉnh thăm hỏi, động viên kết hợp tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Q.VIỆT
Các ngành chức năng của tỉnh thăm hỏi, động viên kết hợp tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Q.VIỆT

Chưa hiệu quả

Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật cho ngư dân được triển khai tương đối rộng khắp. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn hạn chế, chưa thực sự đi vào chiều sâu. Nguyên do là hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trên địa bàn huyện và giữa huyện với tỉnh còn chưa chặt chẽ. “Huyện Núi Thành sẽ đổi mới phương pháp tuyên truyền pháp luật cho ngư dân trong thời gian tới, ngắn gọn, súc tích, thu hút sự quan tâm của người dân. Chúng tôi sẽ thường xuyên đánh giá hiệu quả tuyên truyền thông qua phiếu điều tra, khảo sát, qua đó đánh giá tỷ lệ tăng hay giảm của hành vi vi phạm pháp luật trong ngư dân” - ông An nói.

Quảng Nam có 12 ngư dân từng bị nước ngoài bắt giữ

Từ đầu năm 2016 đến nay, Quảng Nam đã có 12 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ do khai thác hải sản trái phép trên các vùng biển thuộc chủ quyền của các nước Indonesia, Malaysia, Australia, Solomon khi đi “bạn” trên các tàu cá của các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi. Tại hội nghị, ngư dân Huỳnh Tấn Duy (thôn Lộc Đông, xã Tam Tiến, Núi Thành) cho biết, ngày 5.4.2016, anh và một số ngư dân trên địa bàn xã Tam Tiến đi lao động cho tàu câu mực của ngư dân tỉnh Bình Định thì bị bắt khi khai thác hải sản trên vùng biển Malaysia. Trong quá trình giam giữ, ngành chức năng của Malaysia đã đòi tiền chuộc, bắt lao động khổ sai, đánh đập khi lấy lời khai. Đến tháng 9.2016, nhờ can thiệp của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia ngư dân mới được trở về nước.

Đại tá Võ Văn Kính - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết, hiện nay nước ta chưa hoàn thành việc phân định ranh giới với các nước ở một số vùng biển, chưa ký quy chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động nghề cá. Ngư dân bị bắt là do một số thuyền trưởng không am hiểu luật pháp, không xác định được vùng biển không thuộc chủ quyền của Việt Nam nên đã đưa tàu đến sản xuất trái phép. Do lợi nhuận về kinh tế nên một số ngư dân bất chấp pháp luật, khai thác hải sản trên vùng biển nước ngoài. Thượng tá Nguyễn Xuân Bách - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho rằng, lực lượng quản lý biển các nước trong khu vực tăng cường tuần tra kiểm soát, bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân hoạt động ở vùng biển tranh chấp, chồng lấn để khẳng định chủ quyền. Đặc biệt, 2 ngư trường truyền thống là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày càng bị thu hẹp do Trung Quốc tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, xua đuổi, ngăn cản, đập phá, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam.

Đề xuất các giải pháp

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng - Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Việt Nam nhận định, thời gian tới, tình hình vùng biển đảo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền, lãnh hải Việt Nam, ngăn cản ngư dân hoạt động ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân còn hạn chế. Bởi vậy, Quảng Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Các huyện, thị xã, thành phố có hoạt động nghề cá cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng trong ngư dân, vận động ngư dân chấp hành các quy định của pháp luật, không xâm phạm vùng biển các nước khác để đánh bắt hải sản. Các địa phương ven biển cần quản lý chặt chẽ tàu cá, nếu không may ngư dân bị nước ngoài bắt giữ thì chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để bảo vệ ngư dân, tìm cách đưa ngư dân về nước. Các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc vận động ngư dân thành lập mới và duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ đoàn kết sản xuất trên biển nhằm hỗ trợ và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Vùng 3 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 2, lực lượng kiểm ngư tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các tàu cá và ngư dân của ta vi phạm vùng biển các nước...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng giao Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các lực lượng vũ trang trong tỉnh triển khai tốt đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” giai đoạn 2017 - 2021. Các cơ quan, địa phương của tỉnh cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng ngư dân. “Các cơ quan trung ương cần tham mưu Chính phủ tổ chức đàm phán với các nước có vùng biển chồng lấn để sớm phân định cụ thể, có thỏa thuận hợp tác khai thác hải sản. Nhà nước cũng cần quyết liệt hơn trong bảo hộ công dân khi ngư dân và tàu cá của ta bị các nước bắt giữ ngoài khu vực Biển Đông” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tuyên truyền pháp luật cho ngư dân: Cần đi vào chiều sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO