(QNO) - Trước các hiện tượng can nhiễu sóng tần số vô tuyến điện (TSVTĐ), việc cung cấp đến ngư dân những thông tin, dịch vụ hỗ trợ trên biển, cách thức sử dụng các dải tần hợp lý là mục tiêu Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng, Trung tâm TSVTĐ khu vực III và Sở TT&TT Quảng Nam hướng tới tại đợt tập huấn về TSVTĐ mới đây, tại Thăng Bình.
Cấp phép sử dụng tần số
Tình trạng can nhiễu sóng VTĐ thỉnh thoảng vẫn hay xảy ra cả trên đất liền lẫn trên biển, gây khó cho công tác quản lý, kiểm soát của lực lượng chức năng. Năm 2015, đoàn thanh tra của Sở TT&TT Quảng Nam đã xử lý không ít trường hợp cá nhân, đơn vị tại Quảng Nam phát sai tần số hay sử dụng thiết bị gây can nhiễu.
Mới đây, tại Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, người dân tỏ ra bất bình trước hiện tượng can nhiễu sóng, chèn sóng tiếng Trung tại các loa phát thanh cơ sở... Còn trên biển, theo một đại diện của Trung tâm TSVTĐ khu vực III, hiện tượng can nhiễu sóng VTĐ thỉnh thoảng vẫn diễn ra, nguyên nhân là do các tàu cá hoạt động trên biển sử dụng thiết bị phát sóng VTĐ trôi nổi nguồn gốc, xuất xứ Trung Quốc; nhiều tàu còn phát sai tần số khiến việc kiểm soát, xử lý của các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. Đã có không ít trường hợp nhiều tàu cùng phát chung một tần số khi liên lạc với đất liền, với các trạm duyên hải gây nghẽn mạng, khiến công tác hỗ trợ thông tin, cứu hộ cứu nạn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thông tin việc xử lý vi phạm về lĩnh vực TSVTĐ trên biển vẫn chưa được cơ quan chức năng nào công bố.
Buổi tập huấn về tần số vô tuyến điện cho ngư dân diễn ra tại Thăng Bình. Ảnh: Hoàng Liên |
Để công tác quản lý, kiểm soát TSVTĐ đi vào nề nếp, hiệu quả, theo quy định hiện hành, tất cả cá nhân, tập thể sử dụng tần số, thiết bị phát sóng VTĐ phải được cấp giấy phép. Cụ thể, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và TSVTĐ quy định: Đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng tần số, thiết bị phát sóng VTĐ có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 150w không có giấy phép thì mức phạt đối với hành vi vi phạm ở khoản này từ 2-5 triệu đồng. Như vậy, các tàu cá hoạt động trên biển theo quy định phải được cấp giấy phép sử dụng tần số, thiết bị phát sóng VTĐ thì mới đủ cơ sở để hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử phạt vẫn còn hạn chế, đa phần các vụ việc vi phạm phát hiện được chỉ dừng lại ở nhắc nhở. “Quan trọng là nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định về TSVTĐ trong ngư dân là chính” - ông Nguyễn Phú Hà - Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm TSVTĐ khu vực III nói.
Ông Nguyễn Phú Hà thông tin, đến đầu 7.2016, Trung tâm Tần số VTĐ Khu vực III đã cấp 60 giấy phép sử dụng tần số, thiết bị phát sóng VTĐ cho các tàu cá tại khu vực Quảng Nam. Trong khi đó, Quảng Nam có hàng trăm tàu cá hoạt động trên biển không sử dụng tần số hoặc có thể là hai tàu dùng chung một tần số. Việc nhiều tàu sử dụng chung tần số sẽ gây nghẽn mạng thông tin liên lạc, công tác cứu hộ cứu nạn sẽ bị gián đoạn, chậm trễ. Để nâng cao nhận thức của ngư dân về TSVTĐ, Trung tâm TSVTĐ khu vực III đã ký kết quy chế phối hợp với Sở TT&TT Quảng Nam về quản lý, kiểm soát, tập huấn về TSVTĐ cho ngư dân. “Theo Quyết định 48 của Chính phủ, bên cạnh hỗ trợ vốn vay, ngư dân còn được hưởng lợi từ chương trình viễn thông công ích, chuyển đổi hệ thống hoạt động đánh bắt từ gần ra xa, còn được sử dụng tần số miễn phí. Tuy nhiên, tần số là tài nguyên quý hiếm của quốc gia nên việc sử dụng phải tiết kiệm, hiệu quả. Các tàu cá phải đăng ký để được cấp giấy phép sử dụng tần số, không có giấy phép là sai quy định, bị xử phạt. Việc phát sai tần số bên cạnh gây can nhiễu, gây ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, sẽ bị xử lý. Ngoài ra, nếu phát sai tần số, ngư dân cũng sẽ không được hỗ trợ, nắm bắt thông tin kịp thời khi có sự cố xảy ra trên biển” - ông Hà nhấn mạnh.
Sắp tới đây, đối với những trường hợp tàu cá hoạt động trên biển vi phạm vì không có giấy phép sử dụng tần số, thiết bị VTĐ, Trung tâm TSVTĐ khu vực III sẽ phối hợp với ngành chức năng và lực lượng biên phòng để xử lý. Được biết, song hành với việc cấp giấy phép về tần số, mỗi tàu cá cũng sẽ được cấp mã số để sử dụng tần số đó. Theo quy định của pháp luật thì tất cả các tàu cá có trang bị thiết bị phát sóng vô tuyến điện sử dụng băng tần HF liên lạc tầm xa (phổ biến là các loại máy ICOM và thiết bị Vertex Standart VX-17000) đều phải đăng ký xin cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện. Các thiết bị phát sóng vô tuyến điện liên lạc tầm gần đặt trên phương tiện nghề cá hoạt động ở băng tần C (từ 26,96 MHz đến 27,41 MHz, như các loại máy Super star, Galaxy… ) thuộc loại thiết bị vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện và không phải xin giấy phép tần số VTĐ. Tất cả tàu thuyền đánh bắt xa bờ lắp máy có công suất 90 sức ngựa trở lên, phải lắp máy thông tin liên lạc tầm xa và phải liên lạc hai chiều với đất liền.
Dịch vụ an toàn cho ngư dân
Những rủi ro, tai họa xảy ra trên biển rất lớn, nhất là tình trạng “nóng” về tranh chấp ngư trường, chủ quyền biển đảo hiện nay. Từ năm 2015 đến hết tháng 5.2016, Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải của cả nước đã tiếp nhận các thông tin cấp cứu, khẩn cấp trên biển, qua đó trợ giúp 352 tàu cá gặp nạn, bao gồm cháy nổ, đâm va, hỏng máy thả trôi, cần trợ giúp y tế, người rơi xuống biển, liên quan tới 2.301 ngư dân. Trong đó, Đài TTDH Đà Nẵng trợ giúp 917 ngư dân. Từ năm 2015 đến hết tháng 5.2016, Hệ thống Đài TTDH đã kết nối thông tin cho tàu bị nạn đang hoạt động trên biển tới các trung tâm cấp cứu y tế, qua đó trợ giúp cho 86 tàu cá... Tuy nhiên, việc cứu hộ cứu nạn có lúc, có nơi còn chưa kịp thời do đối diện với những khó khăn, vướng mắc, trong đó một phần là từ thiết bị, hệ thống thông tin liên lạc mà các tàu trang bị để liên lạc với đất liền, các đài duyên hải, các trung tâm tìm kiếm cứu nạn. Một trong những bất cập hiện nay là tình trạng tàu cá sử dụng thiết bị VTĐ trôi nổi, có nguồn gốc, xuất xứ Trung Quốc vẫn phổ biến, gây khó khăn cho vùng nhận dạng trên biển cho phía cơ quan chức năng Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó trưởng Đồn Biên phòng Bình Minh (Thăng Bình) chia sẻ, tình trạng ngư dân đánh bắt trên biển sử dụng sai về tần số vẫn diễn ra, gây nhiễu thông tin, khó khăn cho việc nhận dạng thông tin liên lạc trên biển. Đã có không ít trường hợp tàu Việt Nam nhưng sử dụng thiết bị VTĐ của Trung Quốc nên khi có việc khẩn cấp, hệ thống nhận dạng lại nhận dạng đó là tàu Trung Quốc. "Chúng tôi sẽ phối hợp tuyên truyền, phát tờ rơi để ngư dân hiểu hơn về vùng nhận dạng thông tin trên biển. Đồn Biên phòng Bình Minh sẽ thống kê số phương tiện, kiểm tra phương tiện thuộc hãng gì để dễ nắm bắt, quản lý, hình thành vùng nhận dạng" - ông Hiệp nói.
Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch xã Bình Minh chia sẻ: Việc khai thác, đánh bắt xa bờ của ngư dân đang đối diện với nhiều thách thức lớn. Nhiều tàu ra khơi không nắm được thông tin về vùng nhận dạng, không nắm được tần số các đài TTDH nên khó khăn về việc liên lạc với đất liền, với các trung tâm cứu hộ cứu nạn trên biển. Nhiều tàu nhắn tin về các trung tâm không được, vì vậy cần tạo điều kiện để ngư dân liên lạc tốt hơn với vùng bờ. Để hỗ trợ ngư dân, địa phương sẽ tích cực vận động ngư dân tiếp cận với các thiết bị VTĐ hiện đại, an toàn trên biển. Bên cạnh đó, cũng sẽ vận động, tuyên truyền ngư dân không mua thiết bị định dạng, thiết bị TSVTĐ trôi nổi hay của Trung Quốc để tạo sự an toàn thông tin liên lạc trên biển. "Tuy nhiên, rủi ro trên biển cũng lớn, có những trường hợp tàu Trung Quốc gây hấn với tàu ngư dân, áp sát tàu ngư dân, tắt hết các thiết bị VTĐ trên tàu khiến ngư dân không thể liên lạc được với bờ đã từng xảy ra..." - ông Bảy nói.
Theo khuyến cáo từ Đài Duyên hải Đà Nẵng, việc trang bị hệ thống thông tin liên lạc VTĐ trên biển nhằm giúp tàu cá dễ liên lạc với người thân trên đất liền qua Đài thông tin duyên hải hoặc đài bờ tàu cá. Vì vậy, khi đi biển, các tàu cần trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin liên lạc như Icom IC- 710, IC-718, VHF,… cũng như luôn bảo đảm các thiết bị được hoạt động tốt để liên lạc khi cần hỗ trợ. Với những tàu cá được trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại sẽ giúp việc liên lạc với bờ, các đài duyên hải, với lực lượng chức năng được thuận tiện, thông suốt. Tại buổi tập huấn mới đây tại Thăng Bình, các đơn vị chức năng khuyến cáo, tàu cá cần trang bị phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp (phao EPIRB) - thiết bị giúp phát tín hiệu cấp cứu khi tàu bị chìm, giúp cho công tác tìm kiếm cứu nạn diễn ra nhanh chóng và kịp thời. Tàu cá cũng cần trang bị hệ thống nhận dạng AIS (nhận dạng tự động hàng hải). Hệ thống này giúp trao đổi thông tin giữa tàu với tàu, giữa tàu với bờ qua dải tần số VHF. Mã số nhận dạng được cài đặt trên các thiết bị VTĐ trang bị trên tàu thuyền, phương tiện vận tải. Với những tàu được lắp thiết bị nhận dạng AIS (một số địa phương ngư dân còn gọi là thiết bị định vị hoặc định vị tích hợp hải đồ), hệ thống có chức năng cảnh báo các tình huống nguy hiểm xung quanh, phòng tránh đâm va hiệu quả cũng như giúp truy tìm thủ phạm gây tai nạn cho tàu cũng dễ dàng hơn.
Khó khăn là giữa các tàu cá của ngư dân, việc tiếp cận các dịch vụ an toàn thông tin, an toàn hàng hải trên biển có những chênh lệch nhất định. Với nhiều ngư dân trên biển khai thác ở vùng lộng lẫn vùng khơi, để năng suất đánh bắt đạt hiệu quả và có điều kiện được hỗ trợ thông tin, ứng cứu kịp thời khi sự cố xảy ra, các tàu này thường trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị. Ví như tàu của ông Trần Công Tú, xã Bình Minh có công suất 450 CV hiện được trang bị máy ICOM, máy dò ngang, hệ thống định vị thông tin liên lạc (GPS), VHF... "Việc đầu tư các thiết bị hiện đại cho tàu giúp chúng tôi an toàn vươn khơi bám biển" - ông Tú nói. Tuy nhiên, với tàu có công suất nhỏ, khai thác từ vùng lộng và gần bờ thì do năng suất hoạt động yếu, hiệu quả đánh bắt không cao, khó có điều kiện để sắm đầy đủ các phương tiện. Ví như, tàu của ông Đặng Lân, thôn Tân An, xã Bình Minh. Ông Lân cho biết: "Tàu chúng tôi chỉ sắm hệ thống định vị, bộ đàm, khai thác gần bờ thì có sóng nên chúng tôi liên lạc với bờ chủ yếu bằng điện thoại, khi không liên lạc được bằng sóng điện thoại thì sử dụng bộ đàm. Các thiết bị hàng hải kinh phí quá lớn, máy dò ngang vài trăm triệu đồng, chúng tôi không đủ điều kiện tiếp cận, chỉ những tàu lớn mới sắm nổi" - ông Lân nói.
Trước những diễn biến phức tạp trên biển, ngư dân đối diện với nhiều áp lực khi vươn khơi, thiết nghĩ cần sự hỗ trợ rất lớn từ nhà nước trong việc hỗ trợ ngư dân mua sắm các thiết bị hiện đại trang bị cho tàu cá.
HOÀNG LIÊN