Tuyết liên

VŨ ĐỨC SAO BIỂN 24/06/2018 14:35

1. Quyển thứ hai bộ tiểu thuyết Thư kiếm ân cừu lục của Kim Dung do Tam Liên thư điếm (Bắc Kinh) tái bản năm 1998 kể lại câu chuyện hoa tuyết liên trên núi Thiên Sơn. Hồi 13 của tập này có tên “Ngát thơm sa mạc tuyết liên hương”. Câu chuyện như thế này:

Trần Gia Lạc là người đứng đầu của Hồng Hoa hội, một tổ chức của người Hán yêu nước chống lại nhà Thanh dưới thời vua Càn Long. Hồng Hoa hội đã giúp cho Hoắc Thanh Đồng - cô gái thủ lĩnh của tộc người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) đoạt lại bộ kinh Khả lan quý báu của bộ tộc mình. Một đám hào sĩ giang hồ do Càn Long thuê quyết giết Hoắc Thanh Đồng để trả thù.

Tuyết liên trên núi tuyết.
Tuyết liên trên núi tuyết.

Lúc bấy giờ, tộc người Duy Ngô Nhĩ cư trú ở nam và bắc dãy núi Thiên Sơn, tên nước của họ là Hồi Hột; còn gọi là Hồi Hồi hay Hồi Cương. Trần Gia Lạc cỡi con ngựa ngày đi ngàn dặm quyết vượt biên giới tây bắc của Trung Quốc qua Hồi Cương báo tin cho Hoắc Thanh Đồng để cô đề phòng.

Trời mùa đông, tuyết rơi khắp sa mạc Hồi Cương, đọng lại trên những ngọn cao của núi Thiên Sơn. Đang khi người ngựa đều mỏi mệt thì Trần Gia Lạc tìm ra được một khe nước trong vắt. Đi ngược dòng khe, chàng trai gặp một cô gái trẻ người Duy Ngô Nhĩ mặc một bộ đồ trắng đẹp tuyệt vời, thân thể tỏa ra mùi thơm tự nhiên, đang chăn dê. Kim Dung viết: “Cô gái trong sáng như hạt minh châu”. Họ làm quen với nhau. Cô gái nghe Trần Gia Lạc muốn đi tìm Hoắc Thanh Đồng bèn gửi bầy dê cho bạn bè chăm sóc, dẫn anh đi.

Họ đi qua Thiên Sơn. Giữa chiều tuyết rơi, bỗng nhiên họ thấy một cảnh tuyệt đẹp: “Trên vách đá dựng đứng, có hai đóa hoa kỳ lạ nở lớn bằng cái bát, cánh hoa màu xanh biếc. Màu tuyết trắng, màu hoa xanh lại thêm ánh chiều tà rọi vào, diễm lệ sang trọng khác thường”. Cô gái bảo Trần Gia Lạc thử ngửi mùi hương. Mùi hương hoa cực kỳ ngọt dịu. Cô gái bảo đó là hoa tuyết liên sa mạc, rất hiếm gặp.

Hai cánh hoa lại mọc trên đỉnh núi cao mấy chục trượng. Người Hồi Cương coi việc nhìn thấy đóa hoa tuyết liên là hạnh phúc trên đời. Cô gái cứ nhìn mãi hai đóa hoa dường như không muốn rời đi. Sau cùng, cô nói: “Hôm nay chúng ta may mắn được nhìn hoa tuyết liên, được ngửi mùi hương của nó là có phúc lắm rồi”.

Trần Gia Lạc lần đầu nhìn thấy hoa tuyết liên, biết cô gái rất thích hai đóa hoa này. Núi cao, tuyết trơn trợt nhưng chàng trai vẫn muốn hái hoa tặng cô gái. Anh vận khinh công leo lên, quăng dây buộc giữ thân mình và hái được cả hai đóa hoa. Nhận được hai đóa hoa quý giá, cô thiếu nữ cảm động rơi nước mắt. Kim Dung viết: “Thiếu nữ nằm rạp xuống đất, thành khẩn cầu xin. Chỉ có mùi hương hoa âm thầm bay tỏa”. Cầu xin xong, cô đưa lại cho Trần Gia Lạc một đóa: “Đóa hoa này là của huynh”.

Hóa ra, cô gái đó là đệ nhất mỹ nhân của bộ tộc Duy Ngô Nhĩ - người mà vua Càn Long sai tướng sĩ sang đánh Hồi Cương để bắt cho được cô đưa về làm thứ phi. Tên thật của cô là Kha Tư Lệ (Kasri), còn được gọi là Hương Hương công chúa, em ruột của đại công chúa Hoắc Thanh Đồng.

2. Đó là chuyện trong tiểu thuyết; còn đây là chuyện thật của đời tôi. Ngày 9.5.2008, trên đường từ cơ quan về nhà, tôi đột ngột bị lên cơn tai biến mạch máu não, ngã xuống giữa đường. Vào bệnh viện cấp cứu, được các bác sĩ tận tình cứu chữa, tôi vẫn nằm thiêm thiếp hai tuần, nửa người bên trái rũ liệt. Tôi nghĩ  từ nay mình sẽ phải ngồi mãi trên chiếc xe lăn và sẽ không còn xông pha làm báo được nữa nên đâm ra tuyệt vọng vô cùng.

Vậy rồi, một phép lạ xảy ra. Một người bạn vừa đi công tác nước ngoài về, tặng tôi sáu đóa hoa khô, bảo đó là tuyết liên núi Thiên Sơn. Chị mua tuyết liên này tại Urumqi, thủ phủ của vùng tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (Uyghur Sinkiang. Chị dặn vợ tôi mỗi ngày lấy một đóa, cắt ra và sắc khoảng hai tiếng đồng hồ, cho tôi ăn cả xác và uống cả nước. Hoa rất thơm, nước cũng thơm ngào ngạt. Vậy là từ đó, thuốc tây tôi vẫn uống, tuyết liên tôi cứ ăn. Cái đó kêu bằng là Đông Tây y phối hợp nhịp nhàng, nhưng phải giấu kín đối với các bác sĩ!

Các cô y tá, điều dưỡng thấy tôi ăn cơm thường có một “tô canh” to, hỏi tôi ăn gì; tôi trả lời đó là canh... dưa cải chua. Mà quả thật, tuyết liên nấu canh rất giống cải chua, món rất quen thuộc đối với bà con Quảng Nam mình. Tôi ăn được ba bông tuyết liên thì có chuyển biến; ngón tay cái và ngón chân cái của bên trái đã cử động được. Tôi ăn hết sáu bông, tay chân bên trái hoạt động càng tốt hơn. Tôi ra hành lang tập đi, còn bảo con mang laptop vào để làm việc trở lại. Nói nào ngay, tay trái và chân trái vẫn còn yếu, nhưng cái đầu còn suy nghĩ được là đã thành công rồi.

Tháng 5.2018, tôi làm lễ kỷ niệm... 10 năm tai biến mạch máu não. Người bạn tôi lại mới vừa đi công tác nước ngoài về, mua tặng cho tôi hai bông tuyết liên. Mười năm trước khi còn nằm bệnh viện, tôi sợ các bác sĩ rầy rà nên không dám xem kỹ loại hoa huyền thoại này; bây giờ tôi mới có thời gian xem kỹ.

Đúng như Kim Dung miêu tả, cánh hoa tuyết liên dù đã hong khô hơn sáu tháng vẫn còn giữ được màu xanh dịu dàng của ngọc lục bảo. Nhụy hoa giữa lòng hoa có màu tím rất dễ thương. Hoa có mùi thơm ngọt ngào thật dễ chịu. Ấy là người ta đã hong cho hoa khô sáu tháng qua; nếu ở trong trạng thái tươi nguyên, có lẽ hoa còn thơm nữa. Nhà tôi lấy hoa khô làm sạch rồi cắt ra hầm với thịt giò heo, lớn nhỏ mỗi người ăn một miếng cho biết. Món canh Thiên Sơn tuyết liên giò heo này thật thơm ngon, nước có vị đắng nhẹ.

Tôi tìm đọc lại các tư liệu về tuyết liên, hiểu được đây là một vị thuốc quý hiếm của y học phương Đông. Nó quý hiếm vì chỉ có trên núi Thiên Sơn, kéo dài qua núi Himalaya trong tiết trọng đông, việc tìm ra và thu hái rất khó. Chuyện từ tiểu thuyết mà trở thành có thật trong đời mình thì kể cũng là điều hy hữu. Trước khi ngủ, tôi thường đọc sách, cứ thích đọc đi đọc lại đoạn Trần Gia Lạc leo lên đỉnh núi hái hoa tuyết liên tặng Kha Tư Lệ. Trần Gia Lạc thua tôi hai cái: Không bị tai biến mạch máu não và không được ăn canh tuyết liên! Ngược lại, Trần Gia Lạc hơn tôi hai cái: Được thưởng thức mùi hương tuyết liên tươi và được gặp Kha Tư Lệ. So qua sánh lại, coi như huề!

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tuyết liên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO