Để đẩy mạnh tỷ lệ đô thị hóa hiện còn thấp so với bình quân của cả nước, Quảng Nam đang tập trung cho đầu tư phát triển đô thị, đồng thời không sao nhãng việc nâng cao chất lượng đô thị hiện hữu.
Trung tâm phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn).ảnh: C.TÚ |
Đầu tư số lượng
Trong một cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ Xây dựng về thực thi nhiệm vụ quản lý đầu tư phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, UBND tỉnh đã cung cấp những con số đáng suy ngẫm về thực trạng chỉ tiêu đô thị hóa. Theo số liệu đánh giá năm 2013, tỷ lệ đô thị hóa (được tính bằng tỷ lệ dân số đô thị trên tổng dân số) của Quảng Nam mới đạt 19,2%, thấp hơn so với bình quân của toàn quốc là 32,19% và thấp hơn so với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là 36,94%. Tốc độ đô thị hóa (tính bằng tốc độ tăng trưởng dân số đô thị) chỉ mới nằm ở con số 1,62%, thấp hơn so với bình quân trên cả nước là 3,26% và thấp hơn so với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là 3,1%... Qua phân tích cho thấy, dân số đô thị của tỉnh chủ yếu phân bố nơi đô thị vùng đông với 244,36 nghìn người (chiếm 87,3%), tại vùng tây chỉ có khoảng 35,49 nghìn người (chiếm 12,7%). Cho nên, tỷ lệ đất xây dựng đô thị thuộc vùng đông chiếm áp đảo với 81%, còn vùng tây là 12%. Sau ngày chia tách tỉnh năm 1997, hệ thống đô thị Quảng Nam đã được định vị ban đầu 14 đô thị, nhưng mãi đến nay mới tịnh tiến lên con số 15 (thêm thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh). Chính quyền tỉnh thừa nhận, quy mô đô thị địa phương tỏ ra khiêm tốn so với những đô thị khác của Việt Nam. Ngoại trừ TP.Hội An là đô thị đặc thù, các đô thị khác chủ yếu đảm nhận chức năng trung tâm hành chính - chính trị.
Nhưng, nếu đơn thuần “chạy” theo con số, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn Quảng Nam trong tương lai gần cũng sẽ tạo sự bứt phá về quy mô tăng trưởng. Trưởng phòng Quản lý quy hoạch (Sở Xây dựng) - ông Ngô Ngọc Hùng cho rằng, tỷ lệ đô thị hóa ngoài tăng thực thụ theo kinh tế - xã hội của tỉnh, thì chúng ta có thể thúc đẩy bằng cách tăng số lượng và mở rộng đô thị. Ông Hùng diễn giải, xã Hương An (Quế Sơn) đang được thẩm định để xét công nhận đạt chuẩn đô thị loại V và mọi chuyện sẽ ngã ngũ vào tháng 6 năm nay. Hay như lâu nay, ở các huyện miền núi phía tây gồm Tây Giang, Nông Sơn và Nam Trà My “trắng” đô thị loại V. Không xa nữa thôi, những trung tâm hành chính Tơ Viêng, Trung Phước và Tắc Pỏ sẽ chính thức gắn tên… thị trấn. Quy hoạch đến năm 2020, Quảng Nam phấn đấu có khoảng 20 đô thị. Vậy trong vòng chưa đầy 5 năm tới, “ứng cử viên” tiềm năng nào chiếm lĩnh hạn mức dự kiến cuối cùng thuộc hệ thống đô thị tỉnh nhà? Khá bất ngờ, ngoài Tân An, huyện miền núi Hiệp Đức sẽ tiếp tục đầu tư cho Việt An đủ tiêu chuẩn đô thị loại V. “Chúng ta tăng thêm được 5 đô thị, lẽ tất yếu tốc độ tăng trưởng dân số đô thị và tỷ lệ dân số đô thị sẽ thay đổi đáng kể. Do vậy, tốc độ đô thị hóa và tỷ lệ đô thị hóa đi lên là điều hiển nhiên” - ông Hùng quả quyết.
Nâng chất lượng
Dự kiến năm 2020, dân số đô thị của tỉnh sẽ có khoảng 502 nghìn người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 32,35%. Bên cạnh “sinh” số lượng đô thị, muốn vươn tới mục tiêu đặt ra, Quảng Nam đang tính toán nâng tầm chất lượng đô thị hiện hữu thật sự bền vững, tạo đà tăng tốc nhằm đáp ứng tiêu chí có thể mở rộng quy mô hơn. Theo đó, trong năm nay, Quảng Nam sẽ hoàn thành đề án công nhận đô thị Núi Thành đạt tiêu chuẩn loại IV, rồi triển khai ngay việc chuẩn bị “cơ cấu” đô thị loại III. “Về bản chất, Núi Thành đã đảm bảo đạt chuẩn đô thị loại III. Ngành đang xin chủ trương UBND tỉnh làm hồ sơ, tiến hành các bước tiếp theo để địa phương này được công nhận đạt chuẩn loại III chứ không phải chờ đến cuối năm 2020” - ông Ngô Ngọc Hùng cho hay. Tại khu vực phía bắc, cuộc “chạy đua” nâng cấp đô thị diễn ra không kém phần hấp dẫn. Khát vọng mà tỉnh và địa phương phấn đấu thực hiện là phải nâng chuẩn thành công những đô thị trung tâm hiện hữu. Mà ở đó, các thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), Nam Phước (Duy Xuyên) và Hà Lam (Thăng Bình) đáp ứng tiêu chí đô thị loại IV, TP.Hội An phải được công nhận đô thị loại II. Tại 2 huyện miền núi là Phước Sơn và Nam Giang, thị trấn Khâm Đức và thị trấn Thạnh Mỹ “thay da đổi thịt” từng ngày, hứa hẹn cán đích đô thị loại IV vào năm 2020.
Trong định hướng phát triển mạng lưới đô thị vạch sẵn, các cụm đô thị vùng đông sẽ tiến bước trên cơ sở phát triển chuỗi các đô thị dọc tuyến quốc lộ 1, gắn với các đô thị vùng ven biển và Khu kinh tế mở Chu Lai. Khu vực này đang đặc biệt sôi động khi mà cầu Cửa Đại đã kết nối thông suốt đôi bờ Thu Bồn, dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An bắt đầu triển khai xúc tiến đầu tư. Hay như ngày 1.3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã ký quyết định phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng công trình cầu km0+317 trên tuyến đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Dự án có vốn đầu tư gần 420 tỷ đồng, thuộc địa phận TP.Hội An khi hoàn thành sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống đường bộ ven biển quốc gia, kết nối đường ven biển Đà Nẵng - Hội An với cầu Cửa Đại và đường cứu hộ, cứu nạn (đường ven biển Việt Nam) phục vụ việc đi lại, thu hút đầu tư, thúc đẩy vùng đông vươn mình. Các hành lang đô thị hóa kết nối đông - tây, các đô thị trung tâm vùng tây cũng sẽ đẩy mạnh phát triển.
Trong quy hoạch, Quảng Nam coi trọng mở rộng không gian đô thị để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, từng bước nâng chất lượng cuộc sống, kiểm soát môi trường, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Quảng Nam còn đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ pháp lý để hoàn thành hồ sơ nâng cấp đô thị theo Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh được duyệt trong thời gian tới; giới thiệu, hỗ trợ tiếp cận các dự án mục tiêu về cải thiện môi trường đô thị, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh… Quảng Nam phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 20 đô thị. Năm 2030 sẽ là 28 đô thị, trong đó có 8 đô thị hình thành mới, gồm: Chà Vàl (Nam Giang), Sông Vàng (Đông Giang), A Xan (Tây Giang), Kiểm Lâm, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Minh (Thăng Bình), Vĩnh Phước - Lâm Tây (Đại Lộc), Phước Hiệp (Phước Sơn).
Và mọi thứ vẫn còn nằm ở phía xa!
CÔNG TÚ