(QNO) - Theo ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT&TT Quảng Nam, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của các dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh luôn đạt mức cao, đặc biệt là dịch vụ thông tin di động. Song, tỷ lệ sử dụng chung cơ sở hạ tầng, bao gồm cột ăng ten và nhà trạm (trạm BTS) giữa các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh còn thấp, chỉ đạt khoảng 31%.
Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp chỉ đạt 31%. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai các công nghệ khác nhau trên cùng một hạ tầng; đa phần doanh nghiệp đều triển khai mạng 3G trên cùng hạ tầng với 2G, nhằm tận dụng các lợi thế có sẵn như nhà trạm, truyền dẫn, tiết kiệm đất đai, chi phí đầu tư.
Toàn tỉnh có 1.465 trạm thu phát sóng (trạm BTS) với bán kính phục vụ bình quân 1,5km/vị trí cột. Mạng thông tin di động trên địa bàn chủ yếu là công nghệ 2G và 3G, riêng công nghệ 3G đã được các doanh nghiệp triển khai rộng khắp. Song, tỷ lệ sử dụng chung cơ sở hạ tầng, bao gồm cột ăng ten và nhà trạm (trạm BTS) giữa các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn chưa nhiều, chỉ có khoảng 448 vị trí sử dụng chung giữa các đơn vị, trong khi con số cột ăng ten trên thực tế là 1.465 cột, chiếm tỷ lệ 31,8%. Tỷ lệ này đạt 22% khi phân theo đơn vị hành chính. Con số trạm BTS còn khả năng dùng chung ở các địa phương theo thống kê là 897 trạm, chiếm tỷ lệ 61%. Các địa phương Nam Giang, Đông Giang, Quế Sơn, Nam Trà My, Hiệp Đức… có tỷ lệ trạm BTS còn khả năng dùng chung rất cao, từ 70-80%. Ở những khu vực đồng bằng có tỷ lệ dân cư phân bố đông đúc như Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành… có tỷ lệ trạm BTS còn khả năng dùng chung trên 60%.
Theo Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (Viện Chiến lược Thông tin & truyền thông là đơn vị tư vấn), phấn đấu đạt tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột ăng ten trạm thu phát sóng thông tin di động toàn tỉnh đạt từ 40-45%, trong đó tỷ lệ dùng chung hạ tầng cột treo cáp đạt trên 75%.
Theo dự báo của Viện Chiến lược Thông tin & truyền thông, trước tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đến năm 2020, Quảng Nam có khoảng 2.329 vị trí trạm với bán kính phục vụ bình quân là 1,19 km/vị trí, trong đó sẽ phát triển 865 vị trí trạm mới. Trong số trạm xây mới này, số trạm dùng riêng của các doanh nghiệp viễn thông là 475 và số trạm dùng chung là 389 vị trí trạm. Ngược lại, nếu không quy hoạch, triển khai sử dụng chung hạ tầng, giai đoạn 2015-2020, tổng nhu cầu lắp đặt trạm mới của các doanh nghiệp sẽ là 1.253 vị trí trạm.
HOÀNG LIÊN