Áp dụng kỹ thuật chế biến thức ăn cho trâu bò bằng phương pháp ủ chua cây bắp và các loại phụ phẩm nông nghiệp phục vụ chăn nuôi thâm canh, hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn thức ăn vào mùa mưa lũ là giải pháp thiết thực cho ngành chăn nuôi.
Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) vừa tổ chức nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây bắp và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua cung cấp cho chăn nuôi trâu bò của người dân miền núi” do Trung tâm KH&CN Quảng Nam chủ trì, cử nhân Bùi Thị Như Thủy chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu ngô chuyển giao ứng dụng công nghệ.
Dự án chuyển giao và tiếp nhận chuyển giao quy trình sản xuất hạt giống bắp lai F1, xây dựng mô hình sản xuất hạt giống bắp lai F1 và mô hình sản xuất bắp thương phẩm làm thức ăn xanh cho gia súc. Dự án đã triển khai mô hình trồng bắp tại 20 hộ ở 4 địa phương và cây bắp sau khi thu hoạch trái, phần thân cây được sơ chế, sử dụng chế phẩm vi sinh vật để cấy ủ chua làm thức ăn cho trâu bò.
Dự án còn xây dựng quy trình chăn nuôi trâu bò sinh sản bổ sung thức ăn bắp ủ chua; đầu tư thiết bị, máy móc sản xuất chế phẩm ủ chua vi sinh vật cấy phục vụ ủ chua thức ăn cho trâu bò với công suất 1.000kg chế phẩm/năm.
Dự án cũng xây dựng mô hình chăn nuôi trâu, bò thịt tại 10 cơ sở để đánh giá thực tiễn. Dự án tạo ra 15 tấn hạt giống bắp lai F1 HQ2000, tạo ra 2.000 tấn sinh khối xanh phục vụ ủ chua, 1.000kg chế phẩm ủ chua vi sinh vật cấy chứa vi sinh vật lên men lactic đồng hình, bảo quản tại nhiệt độ 200C...
ThS. Nguyễn Văn Thương (cán bộ Trung tâm KH&CN Quảng Nam) chia sẻ, dự án mang lại hiệu quả về mặt kinh tế như tạo dinh dưỡng khi ủ chua cây bắp đúng cách chỉ mất 10% so với 30% khi phơi khô bình thường.
Một số chất trong cây bắp và phụ phẩm nông nghiệp khi ủ chua sẽ mềm hơn, dễ tiêu hóa. Ủ chua cây bắp sẽ giải quyết tình trạng thiếu thức ăn xanh của trâu bò trong vụ đông và mùa mưa. Trung tâm đã làm chủ công nghệ, chủ động sản xuất hạt giống bắp lai F1 HQ2000 và chế phẩm ủ chua vi sinh vật để cung ứng cho người dân phục vụ ủ chua thức ăn cho gia súc.
Ông Huỳnh Tấn Nghiệp - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức cho rằng, sử dụng công thức ủ chua bắp và phụ phẩm nông nghiệp phục vụ chăn nuôi là rất thiết thực. Ban chủ nhiệm đề tài cần có hướng đề xuất nhân rộng mô hình, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật rộng rãi đến các địa phương để người dân được hưởng lợi nhiều hơn.
Một hộ dân ở xã Đại Sơn (Đại Lộc) cho biết, khi tham gia mô hình, hộ chăn nuôi được hỗ trợ con bò giống, tập huấn kỹ thuật ủ chua thức ăn tạo nguồn thức ăn dinh dưỡng, hỗ trợ giống bắp để gieo trồng. Đàn bò ăn thức ăn ủ chua không thấy có dấu hiệu đau bụng, không bị tiêu chảy, ít xảy ra dịch bệnh. Nhiều hộ tham gia mô hình kiến nghị cần nhân rộng dự án.