Ứ đọng lúa giống hàng hóa ở xã Bình Tú (Huyện Thăng Bình): Hợp đồng lỏng lẻo

VĂN SỰ - GIANG BIÊN 03/06/2016 08:13

Sau mỗi mùa gặt, người nông dân thường phải bán lúa để lấy tiền chi trả các khoản nợ về phân bón, thuốc trừ sâu, công thu hoạch và tái đầu tư sản xuất. Thế nhưng, tại xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, nhiều hộ nông dân đang gặp khó khăn vì lượng lớn giống lúa hàng hóa liên kết sản xuất với Công ty CP Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh miền Trung của vụ đông xuân vừa qua vẫn còn ứ đọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là giữa doanh nghiệp và nhà nông không tìm được “tiếng nói chung” trong việc áp giá thu mua sản phẩm…

Hợp đồng ký kết có ghi rõ: Giá thanh toán dựa trên giá bán lương thực Xi23 của địa phương tại thời điểm giao nộp sản phẩm. Cho rằng doanh nghiệp áp giá thu mua thấp, nhiều hộ dân vẫn chưa đồng ý bán lúa giống. Ảnh: S.B
Hợp đồng ký kết có ghi rõ: Giá thanh toán dựa trên giá bán lương thực Xi23 của địa phương tại thời điểm giao nộp sản phẩm. Cho rằng doanh nghiệp áp giá thu mua thấp, nhiều hộ dân vẫn chưa đồng ý bán lúa giống. Ảnh: S.B

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 7.12.2015 Ban Nông nghiệp xã Bình Tú và Công ty CP Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh miền Trung (có trụ sở tại Cụm công nghiệp Trảng Nhật 2, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn) ký kết hợp đồng số 18/HĐSX/MT/2015 về việc hợp tác sản xuất lúa giống hàng hóa. Theo đó, 2 đơn vị phối hợp tổ chức cho gần 60 hộ dân ở thôn Tú Cẩm và Phước Cẩm sản xuất 8ha lúa giống OM 4900 cấp nguyên chủng, 5ha giống lúa VN121 cấp xác nhận trên các cánh đồng mẫu. Hợp đồng ghi rõ: Ban Nông nghiệp xã Bình Tú phải chọn vùng sản xuất tập trung theo yêu cầu của Công ty CP Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh miền Trung; cung cấp danh sách và trực tiếp mời các hộ dân tham gia khóa tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất do nhân viên kỹ thuật của công ty hướng dẫn; thường xuyên đôn đốc và yêu cầu nông dân phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật; kiểm tra, hướng dẫn khâu thu hoạch và lấy mẫu để kiểm nghiệm chất lượng hạt giống trước khi giao nộp sản phẩm cho doanh nghiệp… Về phía Công ty CP Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh miền Trung có trách nhiệm thu mua toàn bộ lúa giống đã kiểm tra đạt tiêu chuẩn. Theo đó, việc thu mua sản phẩm được áp dụng theo phương thức: cứ 1kg lúa giống OM 4900 cấp nguyên chủng bằng 1,3kg lúa lương thực và 1kg lúa giống VN121 cấp xác nhận bằng 1,25kg lúa lương thực. Giá thanh toán dựa trên giá lúa lương thực Xi23 của địa phương tại thời điểm giao sản phẩm...

Ông Nguyễn Văn Ngân, ở tổ 16 thôn Tú Cẩm (xã Bình Tú) cho biết, vụ đông xuân 2015 - 2016 gia đình ông tham gia mô hình liên kết và sản xuất 10 sào lúa giống OM 4900. Cuối vụ, ông Ngân thu được tổng sản lượng 2,8 tấn hạt giống. Sau khi phơi phóng, ông Ngân cho toàn bộ lượng lúa giống OM 4900 vào các bao tải lớn và chờ Công ty CP Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh miền Trung đến thu mua. Thế nhưng, khi chuẩn bị tiến hành thu mua sản phẩm, phía công ty đưa ra mức giá thấp hơn giá thị trường như đã thỏa thuận nên ông Ngân không chấp nhận. Theo ông Ngân, lúa lương thực Xi23 ở địa phương có giá dao động 6.500 - 7.200 đồng/kg nhưng công ty chỉ áp giá 6.300 đồng/kg. Ông Ngân nói: “Sản xuất lúa giống rất vất vả. Mọi quy trình đều phải tuân thủ theo hướng dẫn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật phía công ty. Khi thu hoạch xong, phải phơi nhiều nắng và tuyệt đối không được để lẫn lộn với các loại giống lúa khác. Không chỉ vậy, phơi lúa giống xong phải đem khử lẫn, nếu công ty kiểm tra đạt họ mới thu mua. Nông dân làm cực khổ là vậy nhưng khi công ty thu mua lại áp giá thấp nên nông dân chúng tôi không thể chấp nhận”. Cách nhà ông Ngân không xa, bà Phan Thị Trưng cũng đang rầu lòng bởi cái sự liên kết sản xuất này. Bà Trưng than phiền: “Đông xuân vừa qua gia đình tôi làm hơn 1ha lúa giống OM 4900. Do Công ty CP Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh miền Trung áp giá thu mua thấp hơn giá thị trường nên bây giờ toàn bộ lượng hạt giống gia đình tôi sản xuất ra vẫn chưa xuất bán. Lúa giống chưa bán nên không có tiền, trong khi đó các đại lý phân bón, thuốc trừ sâu và những chủ máy làm đất, thu hoạch liên tục tới nhà đòi nợ. Đúng là tiến thoái lưỡng nan”.

Trao đổi với chúng tôi vào trưa ngày 2.6, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó ban Nông nghiệp xã Bình Tú cho biết, với 13ha đất sản xuất, vụ đông xuân vừa qua gần 60 hộ dân ở 2 thôn Tú Cẩm, Phước Cẩm làm ra khoảng 70 tấn lúa giống OM 4900 cấp nguyên chủng và VN121 cấp xác nhận. Hiện nay, toàn bộ lượng hạt giống này vẫn đang tồn đọng ở nhà dân vì giữa doanh nghiệp với nông dân không tìm được “tiếng nói chung” trong việc áp giá thu mua sản phẩm. Ông Quyền nói: “Việc Công ty CP Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh miền Trung thu mua sản phẩm theo hướng tính lúa lương thực Xi23 với mức giá 6.300 đồng/kg là quá thấp. Bởi, hiện giờ trên thị trường lúa lương thực Xi23 hạt tròn có giá 6.500 - 6.900 đồng/kg và lúa lương thực Xi23 hạt dài có giá 6.900 - 7.200 đồng/kg”. Theo lời ông Quyền, trước tình hình này, Ban Nông nghiệp xã Bình Tú đã mời đại diện công ty đến làm việc để cùng nhau giải quyết vướng mắc nhưng không thấy ai tới. Ông Quyền liên lạc qua điện thoại thì người của công ty nói vẫn giữ nguyên mức giá thu mua họ đã đưa ra trước đó. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Đình Yến - Chủ tịch UBND xã Bình Tú cho hay, sau nhiều lần mời làm việc nhưng Công ty CP Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh miền Trung vắng mặt nên UBND xã đã báo cáo sự việc lên UBND huyện Thăng Bình. Theo ông Yến, trong trường hợp không còn cách giải quyết, các bên liên quan sẽ phải đưa nhau ra tòa.

Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Quảng Nam vào đầu giờ chiều hôm qua 2.6, ông Trần Vinh Quang - Giám đốc Chi nhánh miền Trung của Công ty CP Giống cây trồng miền Nam cho biết, giá thu mua sản phẩm mà công ty đưa ra là hợp lý, được áp dụng cho toàn bộ các địa phương thuộc khu vực Quảng Nam. Ông Quang nói: “Vừa rồi nông dân thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào của huyện Thăng Bình cũng đã đồng ý bán toàn bộ 45 tấn giống lúa cho công ty chúng tôi với cách tính 6.300 đồng/kg lúa lương thực Xi23. Nếu người dân ở xã Bình Tú chấp nhận giá bán như trên, công ty sẽ tiến hành thu mua hết sản phẩm”.

Nông dân nói doanh nghiệp áp giá quá thấp, còn doanh nghiệp lại bảo mức giá họ đưa ra là hợp lý. Xem ra, nếu hai bên vẫn không tìm được “tiếng nói chung” trong vấn đề này, câu chuyện liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa vẫn chưa có hồi kết. Và, trong tương lai, liệu cái bắt tay hợp tác giữa nhà nông ở xã Bình Tú và nhà doanh nghiệp sẽ còn chặt như xưa?

VĂN SỰ - GIANG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứ đọng lúa giống hàng hóa ở xã Bình Tú (Huyện Thăng Bình): Hợp đồng lỏng lẻo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO