Ứ đọng rác thải sinh hoạt

TRẦN HỮU 02/08/2018 06:02

Tình trạng rác thải sinh hoạt ứ đọng nằm rải rác dọc các trục đường chính không chỉ gây phản cảm mà còn ô nhiễm môi trường khu vực dân cư chung quanh.

Bãi chứa rác thải khủng tự phát ven đường ĐT610 qua xã Quế Trung, Nông Sơn. Ảnh: T.HỮU
Bãi chứa rác thải khủng tự phát ven đường ĐT610 qua xã Quế Trung, Nông Sơn. Ảnh: T.HỮU

Bãi rác dọc đường

Nằm dọc tuyến ven biển 129 qua địa phận xã Bình Minh (Thăng Bình) gần với khu du lịch vui chơi giải trí Vinpearl là bãi tập kết rác thải sinh hoạt khổng lồ và “phế phẩm” từ các công trình xây dựng. Nhiều tháng nay, bãi rác này tự phát mọc lên, mà theo người dân địa phương phần lớn rác thải xây dựng đều do các nhà thầu, đơn vị thi công các công trình ven biển lén lút đổ ra.

Tương tự, nằm sát đường ĐT610 qua xã Quế Trung (Nông Sơn), bãi chứa rác thải lộ thiên tồn tại gần đây, gây bức xúc cho người dân. Để giải quyết lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày, năm 2008, UBND huyện Nông Sơn đã chọn một vị trí nằm sâu trong rừng, cách xa khu dân cư tại thôn Trung Phước 2 (xã Quế Trung) làm bãi rác tạm. Tuy nhiên, qua 10 năm sử dụng, bãi rác này đặt trong tình trạng quá tải nên bất đắc dĩ rác thải phải công khai tập kết ven đường ĐT610. Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Lê Ngọc Trung cho hay, do bãi rác cũ không hoạt động nữa vì quá tải nên mới phát sinh ứ đọng rác với khối lượng lớn ven đường. Chính quyền đang rốt ráo chỉ đạo khẩn trương thi công hạng mục chứa và xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp, dự kiến vài tuần nữa sẽ vận hành, giải quyết dứt điểm ô nhiễm.

Theo người dân sống ven đường ĐT610 (thuộc xã Quế Trung), mỗi khi có gió lớn, mùi hôi bay vào tận khu dân cư. Còn hễ trời mưa, hiện tượng nước rỉ từ bãi rác chảy xuống khu vực trũng thấp, đất đai canh tác. Bức xúc của người dân địa phương là tiến độ xây dựng công trình bãi chứa và xử lý rác thải quá chậm. Tìm hiểu thì được biết, công trình khu xử lý chất thải rắn trung tâm huyện Nông Sơn được khởi công xây dựng từ đầu năm 2015 và dự kiến đưa vào sử dụng năm nay. Theo thiết kế, khu xử lý rác thải áp dụng phương pháp chôn lấp với thời hạn 30 năm; vị trí nằm tại thôn Trung Viên, xã Quế Trung và cách khu dân cư khoảng 700m. Công trình do UBND huyện Nông Sơn làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng là 5 tỷ đồng.     

Lỗi quy hoạch

Đóng cửa bãi rác quá tải
Bãi chứa rác thải xã Đại Hiệp (Đại Lộc) có diện tích hơn 11ha, sử dụng tạm từ năm 2001, giải quyết hầu hết lượng rác thải từ các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn. Sở TN&MT thông tin, hiện 2 hộc chứa rác rộng 4,2ha của bãi rác này đã quá tải. Cụ thể, hộc rác số 1 có diện tích hơn 2,1ha đã đầy và đóng cửa hoạt động; bãi rác số 2 đang xử lý rác thải và sắp đầy.

Những năm trước đây, để giải quyết nhu cầu bức bách rác thải, nhiều nơi sốt sắng xây dựng công trình chôn lấp, lò đốt tạm nhưng lại nằm sát khu dân cư, không theo một quy hoạch nào. Như ở Bắc Trà My, từ đầu năm 2016, chính quyền địa phương đã cho xây lò đốt thủ công tại thôn 3, xã Trà Tân. Ban đầu các hộ đều tự giác chấp hành tốt việc đem rác bỏ trực tiếp vào lò đốt. Tuy nhiên, gần đây người dân lại không đồng tình ủng hộ sự tồn tại của lò đốt này vì họ cho rằng nằm trong khoảng cách khu dân cư 100m. Tương tự, hơn 5 năm trước, một nhà chứa rác thải được xây dựng trong phạm vi của khu phố chợ Tiên Kỳ (Tiên Phước). Công trình nhằm xử lý lượng rác thải từ các tiểu thương buôn bán trong chợ, nhưng người dân sinh sống chung quanh cũng mang rác đến tập kết. Cử tri địa phương nhiều lần đề xuất di chuyển nhà rác ra xa thị trấn.

Lỗi quy hoạch bãi chứa rác thải thường thấy ở nhiều địa phương. Ngoài hạn chế về nguồn lực đầu tư, nhiều địa phương miền núi chưa chú trọng chuyện bảo vệ môi trường. Vì vậy, dễ nhận thấy thực trạng chung là quy hoạch bãi rác xuất hiện sau các hoạt động phát triển kinh tế. Nhiều dự án dù có nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư hệ thống lò đốt tại chỗ, bãi chứa rác nhưng dân không đồng thuận cũng xuất phát từ lỗi quy hoạch không đảm bảo các quy định của pháp luật. Đơn cử, dự án lò đốt rác Tam Hải (Núi Thành) hay dự án lò đốt rác sinh hoạt tại xã Quế Cường (Quế Sơn) nhiều năm không thể khởi công. Quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh đã lạc hậu. Vì vậy, năm nay, Sở TN&MT lấy ý kiến của nhiều ngành để điều chỉnh lại quy hoạch chất thải rắn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Tuyết Hạnh, tỉnh sẽ điều chỉnh quy hoạch theo hướng lựa chọn hình thức thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý các loại chất thải rắn thích hợp, đạt hiệu quả về môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công khai minh bạch về thông tin quy hoạch cho người dân. Đồng thời giao cho cấp huyện chủ động thu hút các nhà đầu tư xử lý rác thải để giải quyết lượng rác thải phát sinh trên địa bàn. Tại buổi làm việc mới đây với Sở TN&MT xoay quanh việc tháo gỡ bất cập về thực trạng các bãi rác hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý, đến lúc cần có quy hoạch rác thải riêng cho từng địa phương, đảm bảo tính vĩ mô, phù hợp với quy hoạch chung theo từng giai đoạn.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứ đọng rác thải sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO