Ục bà Phó Năm

HƯƠNG THU 11/09/2016 12:48

Ục bà Phó Năm là một cái ục do… “trời đào” trong mùa lụt khoảng đầu những năm 1990, trở thành cái “ao làng” lắng đọng biết bao hồn quê một thời của làng Ái Mỹ, Đại Lộc. Giờ đây, nó đang bị san lấp để quy hoạch mở rộng đô thị, lấp vùi ký ức của những ai đã từng gắn bó.

Dấu vết Ục bà Phó Năm.
Dấu vết Ục bà Phó Năm.

Vào khoảng năm 1991 - 1992, nhà nước huy động lực lượng làm một con mương để chia nước từ kênh thủy lợi Đại An về cho đồng ruộng khu 8 thị trấn Ái Nghĩa. Con mương này mới đắp đất, nối từ con mương Đại Phước phía đường hẻm hiệu uốn tóc Mỹ Lan đến sông Thủy lợi gần bàu Mặn. Công trình này không rõ vì sao không tiếp tục hoàn thành, nhưng nó lại trở thành đường đi cho người dân ở Nghĩa Nam, Phú Lộc ra trung tâm huyện lỵ hay đi chợ Ái Nghĩa hoặc xem chiếu bóng, cải lương ở sân huyện đội. Như lời dự đoán của ba tôi, bỗng dưng sau đó một năm, cơn lũ đã xoáy toạc con đường đất này để tạo nên một cái ục lớn. Đường kính dễ chừng hơn 50m, độ sâu phải tới 10m. Nó như một cái ao làng không chỉ cho dân tại đây mà còn cho nhiều người ở nơi khác đến dùng.

Cái ục ấy vốn do “trời đào” nên lúc đầu có tên gọi là ục trời đào. Nhưng ở Đại Lộc lại có nhiều cái ục được hình thành và định danh như vậy. Cho nên, cái ục ấy được gọi bằng cái tên mới là ục bà Phó Năm, bởi nằm trên đất truyền đời của gia đình bà, mà trên bản đồ địa chính ghi là Hg.20. Cái tên ục bà Phó Năm trở thành danh xưng chính thức trong dân gian tự đó đến giờ.

Mái đình của làng tôi đã không còn cho đến những thập niên cuối của thế kỷ trước. Hình ảnh cây đa của làng cũng vắng bóng theo khói lửa chiến tranh và thời kỳ hợp tác xã, dù cho tên đất vốn từ lâu được gọi là Cây Da xứ. Chỉ có cây gòn cao vút ở mố cầu Ái Nghĩa như biểu tượng cho tính dương của làng. Nay có thêm ục bà Phó Năm lõm sâu tượng trưng cho tính âm của làng. Cả hai tạo nên sự cân bằng, làm cho làng ổn định lâu nay.

Cái “ao làng” ấy là nơi sinh hoạt chung cho mọi người. Những ai đi làm đồng về thường xuống đó để rửa ráy chân tay cho mát, tiện thể chao luôn cái cuốc cái cào, làm cho mặt nước lăn tăn những lớp sóng nối đuôi chạy ra phía giữa ục. Lúc xẩm tối hay lúc mờ sáng, những mẹ chị gánh từng giỏ rau xuống để rửa sạch đất trước khi mang qua chợ sáng Ái Nghĩa, lẫn trong tiếng cười nói hỏi chuyện râm ran. Người bán rau ở nơi xa cũng thường mang rau đến đây rửa để giảm gánh nặng do ướt nước được một quãng đường. Trong bóng hoàng hôn, những đứa trẻ lười dắt trâu ra bờ sông thì dắt trâu xuống ục này cho uống nước trước khi lùa về chuồng. Tiếng trâu gọi đàn lanh lảnh một miền quê. Do bờ ục dốc thoải nên trâu chỉ đứng 2 chân trước xuống nước và không có con nào tắm mẹp nơi đó, nên cái “ao làng” luôn sạch tự nhiên.

Có năm, sau mùa lụt, trong ục lưu lại mấy nhánh ấu. Thế mà chỉ vài tháng sau, ken kín cả mặt ục. Đứng trên bờ cao nhìn xuống như đáy chảo màu xanh-lẫn-vàng của lá ấu, trông như một tấm thảm đặc biệt. Trong cái nắng hè, người bộ hành đi ngang qua thường đi chậm lại để nhìn màu dịu mát của thảm lá và màu vàng chanh của những bông ấu tươi sắc dưới trời xanh. Vào độ cuối hè, những đứa nhỏ trong làng cầm cây sào có gắn cái móc làm bằng tăm xe đạp xuống ục để hái củ ấu… Mùa lụt tiếp theo cuốn trôi tất cả một ục ấu. Sau đó chẳng thấy một nhánh nào nữa, mặc dù loài ấu có củ rụng đọng xuống bùn sẽ tiếp nối vụ mùa sau, để cho sự đời “thương nhau trái ấu cũng tròn” không phải mãi mãi là thật.

Ục bà Phó Năm lõm trũng giữa cánh đồng, mỗi mùa lụt qua đi, các loại cá “tụ” lại nhiều vô kể. Có điều cá ở đó rất khó đánh bắt do địa thế của ục, khó thả lưới hay cất vó (tủ), thêm nữa, cảm giác hình như chúng rất… khôn. Ngay cả thả câu mà cá cũng chẳng chịu đớp mồi, bởi lòng ục đã dồi dào thức ăn. Sau này, nhiều người đến châm điện. Thấy vậy, nội tôi cho người đốn tre để cả nhánh thả xuống làm chườm, nhằm ngăn chặn sự “phá hoại” từ việc châm điện.

Cuối xuân, mặt nước rút xuống, lộ ra những thoải dốc trống, người trong làng ra xí phần để lấy đất trồng rau, thường là rau muống và rau dền mười. Khi rau bén rễ lên đều, nhìn vào như một lòng chảo màu xanh trông thật mát mắt. Lại gần nhìn kỹ như những ruộng bậc thang tí tí. Rau muống trồng ở đó là rau muống cạn nhưng có hơi nước thường xuyên, nên có vị ngọt khác biệt. Dùng nó để cuốn bánh tráng cá nục ăn vào buổi lỡ trong những ngày hè thật là… hết sảy. Rau trồng ở đó ăn ngon, nên đôi lúc cũng xảy ra cảnh cãi cọ tranh giành “đất canh tác” hoặc hái trộm rau bị phát hiện. Nhưng rồi chín bỏ làm mười, bởi tất cả đều là người trong làng trong tộc.

Những năm nắng khô, ục bà Phó Năm cho thấy hết sự hữu ích. Trạm bơm Đại Phước chỉ dùng để tưới cho ruộng lúa khu 7, khu 8. Ruộng màu thì sử dụng nước của giếng máy khoan nhưng vẫn không tiện lợi. Nên 3 - 4 máy bơm đặt cắm dưới lòng ục, chạy máy liên tục từ sáng đến chiều. Suốt cả mùa vụ nhưng vẫn không hết nước. Người trong làng cho rằng đáy ục có mạch nước ngầm ăn ra sông cách đó khoảng vài trăm mét. Có người định hút cạn nước để bắt cá nhưng cũng phải bỏ giữa chừng.

Mỗi mùa lụt, khi bơi ghe đi ngang qua đó, nhìn những dòng nước xoáy ngay trên vị trí ục xen lẫn tiếng nước kêu “ọc ọc” mà cảm thấy sợ Hà bá Thủy tề. Cơn lụt rút đi, để lại mặt “hồ” loang loáng mênh mông. Suốt cả mùa mưa lụt, ục bà Phó Năm dâng đầy nước chia cắt đường đi, mọi người phải đi vòng trên cánh đồng cao phía trên. Được cái tiện cho những ai mang rau rửa để đem chợ bán là chỉ đứng trên bờ mà không phải đi sâu xuống lòng ục như vào mùa nắng.

Những ngày này, nhìn thấy nhiều thành phố lụt ngập nước mưa, tôi tự hỏi sao người ta không quy hoạch ục bà Phó Năm làm cái hồ sinh thái trong đô thị, tham chi vài cái lô nền. Mùa nắng nóng, nó mang hơi nước mát lành, là nguồn nước để tưới cây xanh đường phố, công viên. Mùa mưa, nó là nơi thu chứa nước, giúp cho tránh khỏi ngập phố ngập đường. Mai này, chắc có lẽ, mỗi lần nhìn những công trình vươn cao trên cái nền đất vốn là cái ục cũ lõm trũng ấy, trong tôi đảo lộn cao-thấp sự đời.

HƯƠNG THU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ục bà Phó Năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO