Ục ịch, ụt ịt với thịt heo

ĐĂNG QUANG 23/12/2019 10:15

Tiếng kêu thương của con heo khi dính đại nạn dịch tả lợn châu Phi, không còn ụt ịt đòi ăn bình thường mà đã khiến con người cũng thiếu thực phẩm chủ yếu để dùng. Cả nước có khoảng 6 triệu con heo mắc dịch phải tiêu hủy, mất đi khoảng 350 nghìn tấn thịt. Còn Quảng Nam, tiêu hủy khoảng 150 nghìn con, mất đi hơn 9 nghìn tấn thịt heo. Nguồn cung hụt trong khi nhu cầu lớn nên giá cả tăng là điều tất yếu.

Giá heo hơi đã lên tới 95 nghìn đồng/kg, tức là một cân heo thịt có giá 180 - 190 nghìn đồng. Như thế mức giá thịt heo đã tăng 15.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại so với đầu tháng 12, và hơn 55.000 - 65.000 đồng/kg so với thời điểm giữa năm. Thậm chí có nơi giá thịt heo cao hơn giá thịt bò. Vì vậy, nỗi lo không phải chỉ là giá cả đắt đỏ của thịt heo mà còn kéo theo tăng giá tiêu dùng của nhiều mặt hàng có sử dụng thịt heo để chế biến. Đáng lo thêm, đã xuất hiện tình trạng “té nước theo mưa”. Nhiều chủ trại, hộ chăn nuôi đang tìm cách “găm hàng”, trước đây thường heo đạt trọng lượng 1 tạ/con thì xuất bán nhưng nay thì ụt ịt giữ lại, thúc cho heo lên 120 - 130kg/con, thậm chí 140kg/con, vừa tăng sản lượng vừa đẩy giá lên khi xuất bán. Việc này khiến chủ trại có lợi nhưng tạo ra tình trạng khan hiếm cục bộ, khó cho bình ổn thị trường chung.

Thiếu thịt thì phải nhập khẩu. Nhưng khi dịch tả lợn châu Phi đã lan ra khoảng 50 quốc gia, nhất là thị trường lớn như Trung Quốc, việc nhập khẩu thịt heo cũng không đơn giản. Ngành chủ quản tỏ ra lúng túng. Theo Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm về nhập khẩu thịt heo. Nhưng phương án nhập khẩu thế nào để hạ nhiệt giá thịt heo vẫn là chuyện chưa có câu trả lời rõ ràng. Bởi, hai ngành công thương và nông nghiệp có quan điểm, đánh giá khác nhau. Bộ NN&PTNT không xác định rõ lượng thịt thiếu hụt, khi thì nói nguồn cung trong nước “còn rất nhiều” và “có thể tái đàn nhanh”; trong khi Bộ Công Thương khẳng định sản lượng thịt thiếu hụt có thể nhiều hơn dự báo nhu cầu 2 tháng tết lên tới 600.000 tấn. Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Điều hành giá của Chính phủ đã phê bình và yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì “chậm báo cáo” khi để tình trạng thiếu hụt thịt heo, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Sự ục ịch chậm chạp không chỉ thể hiện trong cách điều hành để bình ổn thị trường thịt heo, mà còn ở việc chỉ đạo tái đàn heo như thế nào. Đáng lẽ khi tiêu hủy xong heo dịch thì phải tẩy độc môi trường, chỉ đạo kịp thời việc khoanh vùng chăn nuôi an toàn ngay sau đợt dịch để chuẩn bị điều kiện tái đàn thì có lẽ không đến nỗi giờ phải thiếu lượng nhiều thịt heo đến vậy. Thực tế cho đến nay, dù nhu cầu lớn, giá thịt heo tăng kỷ lục nhưng nhiều chủ trại lớn và người chăn nuôi theo mô hình gia hộ vẫn chưa yên tâm để đầu tư tái đàn vì sợ dịch tái phát. Lại có nhiều hộ chăn nuôi còn bị nợ do heo dịch, nay thiếu vốn để đầu tư tái đàn.

Thiếu thịt heo không đến nỗi phải hoang mang quá xá vì có thể dùng tạm nguồn thịt gia súc, gia cầm khác bổ sung. Song, dù thế nào thì ngành chăn nuôi heo vẫn không thể từ bỏ vai trò chủ lực trong việc cung cấp thứ thực phẩm chủ yếu. Hơn nữa, thói quen của người Việt dùng khoảng 70% thịt heo để chế biến thực phẩm hàng ngày, nên ngành chăn nuôi heo cần mau chóng phục hồi.

Bánh tét thịt heo, bánh tráng cuốn thịt heo hay tô mỳ tôm thịt của người Quảng vào tết này cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong số tổng đàn nửa triệu con heo đã hao hụt mất khoảng 30% vì dịch, Quảng Nam cũng cần tính toán việc tái đàn an toàn và hợp lý, để cung ứng cho thị trường đồng thời góp phần bình ổn giá thực phẩm chủ yếu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ục ịch, ụt ịt với thịt heo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO