Ứng dụng các đề tài KH&CN phục vụ đời sống đạt thấp

HOÀNG LIÊN 19/07/2016 10:49

(QNO) - Đó là nhận xét của Ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh, khóa IX khi đánh giá về mức độ ứng dụng trực tiếp của các đề tài/dự án KH&CN vào sản xuất và đời sống qua thực tiễn 10 năm thực hiện Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh.

Hệ thống sơ chế rau VietGAP tại Bàu Tròn.
Hệ thống sơ chế rau VietGAP tại Bàu Tròn.

Tại kỳ họp này, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN cho biết, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 58 về “Chiến lược phát triển khoa học & công nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, tầm nhìn 2020”, Quảng Nam triển khai thực hiện 135 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (117 đề tài, 15 công trình và 3 nhiệm vụ bảo tồn quỹ gen), gần 190 đề tài cấp huyện, bám sát 9 Chương trình KH&CN cấp tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn 2020. Ngoài ra, tỉnh còn được Bộ KH&CN hỗ trợ thực hiện 17 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục vụ phát triển nông thôn miền núi, phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực quốc gia, các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh ở địa phương và 3 nhiệm vụ hợp tác với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam...

Thực hiện “Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Quảng Nam phấn đấu nâng tỷ lệ đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế thông qua TFP ở mức 30% năm 2020, đạt 35% vào năm 2025; tốc độ đổi mới công nghê, thiết bị của tỉnh phấn đấu đạt khoảng 20%/năm. Tăng tỷ lệ các nhiệm vụ KH&CN ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, y dược, khoa học nông nghiệp chiếm 60% tổng số nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Đến năm 2025, 100% sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, sẽ xây dựng được 2 sản phẩm quốc gia; từ 3-5 sản phẩm chủ lực ứng dụng KH&CN thành chuỗi giá trị gia nhập với thị trường trong nước và xuất khẩu...

Cũng theo ông Tích, việc ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống giai đoạn 2006-2015 có những kết quả bước đầu, nhiều mô hình từng bước được nhân rộng. Công tác đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học được quan tâm, vượt chỉ tiêu đề ra. Các tổ chức nghiên cứu khoa học - phát triển đã từng bước trưởng thành. Hoạt động quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ được chú trọng, dần đi vào chiều sâu, số lượng đăng ký quyền sở hữu công nghiệp ngày càng tăng...

Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, 10 năm thực hiện Nghị quyết 58, nhìn chung, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Cụ thể, tỷ trọng đề tài được công nhận phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống còn thấp, đạt 45,92%, tính thực tiễn của các đề tài chưa cao; chưa có cơ chế cụ thể hỗ trợ tài chính, bộ máy, con người triển khai ứng dụng đề tài. Về tài chính, chi ngân sách cho KH&CN của tỉnh còn thấp, chỉ chiếm 0,14%-0,2% tổng chi ngân sách (quy định là 2%). Nguồn nhân lực trực tiếp nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN vẫn còn thiếu; lực lượng cán bộ chuyên trách về KH&CN ở cấp huyện còn thiếu. Cơ chế xét duyệt, nghiệm thu, công nhận đề tài còn chậm đổi mới. Việc đăng ký bảo hộ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh chỉ mới đạt 50% chỉ tiêu nghị quyết đề ra...

Góp ý về “Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, ông Nguyễn Đức cho rằng, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra quá lớn, vì vậy cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm, có tính lan tỏa, khả thi, tránh dàn trải, chạy theo số lượng đề tài. Cần chú trọng các đề tài nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ngành nông nghiệp, công nghiệp, đảm bảo phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp và sản xuất, đời sống của nhân dân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Diệu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh góp ý, nhiệm vụ KH&CN thời gian tới nên tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm như: đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng; nghiên cứu đào tạo (nên chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, ví như bảo tồn nguồn gen quý, nông nghiệp công nghệ cao); xây dựng tiềm lực KH&CN mạnh theo hướng thúc đẩy nghiên cứu ở các tổ chức R&D (nghiên cứu & phát triển)...

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng dụng các đề tài KH&CN phục vụ đời sống đạt thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO