Ứng dụng công nghệ bảo tồn đa dạng sinh học

HOÀNG LIÊN 07/09/2023 13:08

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông minh đa dạng sinh học, tạo nền tảng bảo vệ, giám sát đa dạng sinh học hệ thực vật các khu rừng đặc dụng của Quảng Nam là hướng đi cấp thiết, bền vững.

Quang cảnh hội thảo bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Nam. Ảnh: H.LIÊN
Quang cảnh hội thảo bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Nam. Ảnh: H.LIÊN

Bảo tồn đa dạng sinh học

PGS-TS.Phạm Thị Kim Thoa (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, Quảng Nam có diện tích rừng tự nhiên lớn thứ hai cả nước (449.558ha) với đa dạng sinh học, bao gồm 1.129 loài thực vật bậc cao, 50 loài thú lớn, 270 loài chim, 22 loài dơi, có voọc chà vá, sao la.

Tỉnh cũng có Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Khu bảo tồn sao la, Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Giang và Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (nay là Vườn quốc gia Sông Thanh).

Trong đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có 831 loài thực vật, 507 chi, 144 họ, 38 loài trong Sách đỏ Việt Nam, có những loài quý như trầm hương, pơ mu, lát hoa. Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đang bảo vệ 7 cá thể voi cuối cùng của loài voi châu Á. Khu bảo tồn sao la có 9 loài thực vật có trong Sách đỏ thế giới, 50 loài thực vật có trong Sách đỏ Việt Nam...

Cũng theo PGS-TS.Phạm Thị Kim Thoa, trong khuôn khổ đề tài khoa học “Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông minh đa dạng sinh học hệ thực vật các khu rừng đặc dụng tỉnh Quảng Nam”, nhóm nghiên cứu xác định được danh lục thành phần, giá trị các loài thực vật khu hệ thực vật; kế thừa, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quan hệ đa dạng sinh học khu hệ thực vật; xây dựng được bộ tiêu bản ảnh các loài thực vật khu hệ; xây dựng được bản đồ phân bố thực vật khu hệ thực vật.

“Thành quả đề tài là xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học khu hệ thực vật, xây dựng bộ bản đồ (bản đồ sinh cảnh loài, phân bố cá thể các loài thực vật, phân bố các loài thực vật đặc hữu, nguy cấp và quý hiếm) có giá trị.

Bản thảo sách (hình ảnh đẹp, rõ nét, đầy đủ thông tin, bố cục khoa học, hợp lý) với 450 loài. Ứng dụng công nghệ thông tin (web serve quản lý đa dạng sinh học, web cient tra cứu đa dạng sinh học, ứng dụng tra cứu đa dạng sinh học trên nền tảng android, ứng dụng tra cứu đa dạng sinh học trên nền tảng iOS)” - bà Thoa cho biết.

Giàu tính thiết thực

Ông Mai Văn Dưỡng - Giám đốc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi cho rằng, Quảng Nam có nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học. Vì vậy, cần nghiên cứu, đối sánh thêm cũng như cập nhật đầy đủ các thông tin đã có về khu bảo tồn.

Ngoài hơn 700 loài mới công bố, ban chủ nhiệm đề tài cần cập nhật thêm thông tin, dữ liệu đã có cũng như bổ sung thêm thông tin về tình trạng của loài, mức nguy cấp hay cực kỳ nguy cấp...

Về phần mềm, tài khoản, tích hợp quản lý chung của tỉnh, dễ cập nhật, quản lý điều hành, song cần phân quyền truy cập cho hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu nhằm bảo vệ thông tin một số loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng để tránh bị xâm hại.

Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh, phần mềm cung cấp thông tin, hình ảnh các loài cơ bản, một số loài hiển thị rất nhiều hình ảnh, tuy nhiên một số loài hình ảnh chưa tốt, việc nhận dạng còn khó.

Hệ thống phần mềm cần hiển thị những loài cụ thể, tình trạng loài, có nằm trong sách đỏ hay không, có nằm trong danh mục quản lý động vật quý hiếm nhằm hỗ trợ công tác điều tra, nghiên cứu khoa học.

Song, việc cho biết vị trí cụ thể của động thực vật phân bố cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro nên cần phân vùng, phân quyền truy cập. Ví dụ, lan kim tuyến rất quý hiếm, đang được bảo vệ nghiêm ngặt, cần lồng ghép nhiệm vụ tuyên truyền đến người dân về ý thức bảo vệ, cấm khai thác, không cho biết vị trí cụ thể địa bàn phân bố lan kim tuyến để tránh loài thực vật quý hiếm bị xâm hại.

Ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Khu bảo tồn sao la cho rằng: “Chúng ta đang bảo vệ những cái gì đang có và trên thực tế, lỗ hổng vì thiếu cơ sở dữ liệu là rất lớn, gây khó cho công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

Hiện, chỉ mới làm cơ sở dữ liệu về thực vật, còn động vật, côn trùng, các đối tượng này cần tiếp tục triển khai. Nhiều loài vẫn chưa đưa vào đầy đủ trong danh lục nên cần gấp rút bổ sung”...

PGS-TS.Nguyễn Đình Lâm - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách Đà Nẵng cho rằng, nghiên cứu góp phần giải quyết vấn đề cấp thiết của địa phương trên cơ sở kết hợp giữa công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo với quản lý tài nguyên và môi trường, làm tiền đề cho xây dựng hệ thống quản lý thông minh, bảo tồn, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học. Song cần bổ sung thông tin, dữ liệu có sẵn bên cạnh dữ liệu mới nghiên cứu để hoàn thiện, phục vụ công tác quản lý của các cơ quan, đơn vị, ban quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng dụng công nghệ bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO