Ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng tại Cù Lao Chàm: Mở ra cơ hội phục hồi

HOÀNG LIÊN 01/12/2017 10:01

Sau thành quả bước đầu, đề tài “Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm có sự tham gia của cộng đồng” do kỹ sư Lê Vĩnh Thuận - Phó Giám đốc Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm chủ trì tiếp tục được thực hiện, mở ra cơ hội lớn trong công tác nuôi cấy, phục hồi rạn san hô tại Cù Lao Chàm nói riêng, vùng ven biển có rạn san hô nói chung.

Vườn ươm san hô có sự tham gia của cộng đồng. Ảnh: Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cung cấp.
Vườn ươm san hô có sự tham gia của cộng đồng. Ảnh: Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cung cấp.

Cơ hội tái tạo

Kỹ sư Lê Vĩnh Thuận và cộng sự cho rằng, vùng rạn san hô Cù Lao Chàm đang bị đe dọa ở mức cao và rất cao. Đó là mối đe dọa từ yếu tố ngọt hóa môi trường nước ven biển; rác thải và chất thải trong đất liền; hiện tượng lắng đọng trầm tích từ việc thi công công trình trên đảo và ven biển; sự phát triển du lịch thiếu kiểm soát; hoạt động khai thác thủy sản quá mức và mang tính hủy diệt… Chưa kể, san hô còn đối diện với nguy cơ bị sao biển gai, rong biển xâm lấn. “Cần triển khai mạnh các giải pháp hạn chế sự tác động lên san hô, cùng với đó triển khai các biện pháp khai thác đối tượng ăn rong như cầu gai, sao biển gai, giảm lượng rong biển, đảm bảo độ phủ san hô” - kỹ sư Lê Vĩnh Thuận nói. Sự suy thoái của rạn san hô còn biểu hiện rõ là một số đối tượng quý hiếm như ốc đụn, trai ngọc môi vàng và môi đen, tôm hùm, trai tai tượng xuất hiện quá khiêm tốn ở vùng rạn; ngay cả cá mú, hồng, cá hè số lượng còn ít, kích thước tương đối nhỏ. Qua khảo sát hiện trạng của các vùng san hô, nhóm nghiên cứu chọn vùng rạn san hô Bãi Bìm và Bãi Xếp, Hục Đá Bàn - Hục Nhàn làm khu vực cho giống; khu vực Bãi Bấc và Bãi Tra - Bãi Hương được chọn làm khu vực phục hồi; Bãi Nần, Bãi Bò - Bãi Bắc được chọn làm khu vực xây dựng vườn ươm san hô cho giống phục hồi.

Qua 2 năm, nhóm nghiên cứu đã cắt, tách cá thể san hô từ các vùng rạn được chọn ở vùng cho giống di chuyển đến khu vực chọn làm vườn ươm để ươm, ghép trong các ống nhựa polymer là giá thể được cố định xuống nền đáy bằng cọc sắt. Tại hai vườn ươm này, tổng số tập đoàn san hô được ươm tạo là 585 tập đoàn, chiếm đa số dạng san hô bàn và dạng san hô cành. Vùng san hô phục hồi có diện tích 4.000m2, trong đó, Bãi Bấc gồm 1.432 tập đoàn, Bãi Tra 2.783 tập đoàn phục hồi. Tỷ lệ phục hồi của san hô được đánh giá, căn cứ vào sự hồi phục của san hô dựa trên các yếu tố: sự ổn định của các loài san hô hiện diện, sự gia tăng về nguồn lợi động vật biển ở vùng hồi phục. Theo đó, san hô vùng Bãi Bấc và Bãi Tra phục hồi ở mức tương đối song tăng trưởng chậm vì cũng do phần nào ảnh hưởng bởi nguồn nước ngọt của thôn Bãi Hương, lượng trầm tích lớn bởi các công trình xây dựng trên đảo. Riêng khu vực vườn ươm, san hô hồi phục khá tốt và có chỉ số tăng trưởng ổn định.

Nhân rộng  vùng phục hồi

Theo số liệu nghiên cứu của đề tài, san hô tại Cù Lao Chàm đa dạng, phong phú với khoảng 282 loài thuộc 23 họ và 79 giống nằm trong danh mục. Trong đó, san hô tạo rạn gồm 265 loài thuộc 17 họ và 66 giống. Họ san hô có số lượng nhiều nhất là Acroporiidae (san hô dạng bàn) chiếm 72 loài, họ Faviidae (san hô não) 65 loài, họ Poritidae (san hô khối) 30 loài. Giống có số lượng loài nhiều nhất là Acropora (dạng nhánh, cành) với 41 loài, tiếp theo là Montipora (dạng nửa khối, dạng phiến và dạng lá phẳng) 27 loài.

Kỹ sư Lê Vĩnh Thuận và cộng sự đã đề xuất TP. Hội An và UBND xã đảo Tân Hiệp trao quyền sử dụng vùng san hô phục hồi cho cộng đồng ngư dân. Theo đó, tổ cộng đồng phục hồi và bảo vệ san hô được trao quyền sử dụng vùng phục hồi san hô tại Bãi Bắc (2ha). Tổ tuần tra thuộc Tiểu khu Đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương được trao quản lý, sử dụng khu vực Bãi Tra (2ha). Kỹ sư Lê Vĩnh Thuận kiến nghị, cần có sự liên kết giữa 4 nhà, gồm nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp và cộng đồng, tạo cơ sở đưa mô hình phát huy hiệu quả trong thực tiễn và bền vững, tương tự mô hình cộng đồng quản lý, bảo tồn biển và bảo tồn cua Đá. “Có thể ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng để xây dựng các mô hình ươm cấy san hô được đầu tư có quy mô hơn và chuyển giao cho cộng đồng ngư dân khai thác dịch vụ du lịch (xem san hô bằng tàu, thúng đáy kính và kết hợp giải trí trên vùng rạn san hô ươm cấy) và phải xác định ngư dân chính là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ loại hình này” - kỹ sư Lê Vĩnh Thuận đề xuất.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An thông tin: “Việc ươm giống, nuôi cấy trên vùng san hô đã chết cho thấy kết quả tốt, sự hồi sinh của san hô thấy rõ. Những nghiên cứu, ứng dụng này đặt cơ sở nền móng cho những nghiên cứu, ứng dụng về sau nên thành phố giao nhiệm vụ Ban quản lý Bảo tồn biển tiếp tục theo dõi sức khỏe của hệ sinh thái san hô, cập nhật thông tin, dữ liệu thường xuyên để công tác bảo tồn được thuận lợi. Hội An cũng xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, chứ không chỉ dừng lại ở đây. Năm 2018, thành phố chỉ đạo Ban quản lý Bảo tồn biển đưa nhiệm vụ này vào dự toán kinh phí, phải tiếp tục ươm, nuôi cấy, nhân rộng vùng phục hồi san hô” - ông Hùng nói. Còn Th.S Lê Xuân Thái, cố vấn khoa học cho Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, năm 2017 đã lặn xuống kiểm tra kết quả triển khai tại vườn ươm và sự phát triển của san hô vùng phục hồi. Ông Thái chia sẻ: “Thành công này mở ra hướng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong cấy ghép, phục hồi san hô tại vùng bảo tồn biển Cù Lao Chàm và các vùng biển có rạn san hô cả nước. Mô hình có thể nhân rộng, chuyển giao công nghệ, giúp doanh nghiệp tiếp cận, đầu tư, mở rộng vùng bảo tồn, phục hồi phục vụ phát triển du lịch sinh thái bền vững”.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng tại Cù Lao Chàm: Mở ra cơ hội phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO