Việc ứng dụng khoa học và công nghệ để sản xuất giống và xây dựng mô hình nuôi trồng nấm linh chi, nấm vân chi và nấm bào ngư là hướng đi mới tại Hợp tác xã Nấm công nghệ cao miền Trung (Tam Kỳ).
Sở Khoa học và công nghệ đang hoàn thiện thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ hợp tác xã triển khai dự án nhân giống 3 chủng loại nấm, xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ nấm thương phẩm từ nguồn lực theo cơ chế Nghị quyết 02/2019 của HĐND tỉnh.
Làm chủ khâu nhân giống
Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) để sản xuất giống và xây dựng mô hình nuôi trồng nấm linh chi, nấm vân chi và bào ngư tại Hợp tác xã (HTX) Nấm công nghệ cao miền Trung” vừa được Hội đồng thẩm định của tỉnh thông qua.
Dự án nằm trong khuôn khổ “Dự án chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và xây dựng nông thôn mới” theo Nghị quyết 02/2019 của HĐND tỉnh (Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH&CN tại Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025).
HTX Nấm công nghệ cao miền Trung chủ trì dự án, thời gian hoạt động từ tháng 6.2021 - 5.2023 với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng, do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nấm, Viện Di truyền nông nghiệp chuyển giao công nghệ.
“Đây là công nghệ mới đối với Quảng Nam và miền Trung. HTX Nấm công nghệ cao miền Trung và Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nấm cần xác định, đây là dự án ứng dụng KH&CN, hai bên cần rà soát lại 3 quy trình nhân giống, 3 quy trình trồng nấm với 3 chủng nấm nói trên.
Quan trọng là dự án phải áp dụng công nghệ mới, giống mới vào sản xuất, phải chứng minh được tính tiên tiến của quy trình công nghệ, tính mới mẻ của dự án, có gì khác so với các mô hình đã thực hiện trước đó.
Sản phẩm và phương thức sản xuất, mô hình liên kết theo chuỗi, từ sản xuất giống ra sản xuất nấm đại trà, cần làm rõ. HTX cần xác định và giới hạn lại nhu cầu cần được chuyển giao công nghệ, chuẩn bị nguồn nhân lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, sơ chế và bảo quản, phát triển thị trường, đảm bảo tính thiết thực của dự án”.
(ThS. Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN)
Theo ông Huỳnh Văn Phong - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nấm công nghệ cao miền Trung, dự án hướng tới tiếp nhận và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống nấm, xây dựng nhà xưởng phục vụ nhân giống, nhà xử lý nguyên liệu và lắp đặt thiết bị rộng 100m2, phòng cấy giống cấp 1, 2, 3 rộng 20m2, nhà nuôi giống nấm nhiệt độ thường và nhiệt độ đông lạnh rộng 50m2, nhà ươm bịch, nuôi sợi các loại nấm rộng 650m2. Mục tiêu là phải tạo ra 50 lít giống nấm cấp 1, cùng 1.000 lít giống nấm cấp 2 và 10 tấn giống cấp 3.
Ông Phong cho biết, dự án xây dựng mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng hàng hóa, xây dựng quy trình chế biến và bảo quản nấm; xây dựng lán trại nuôi trồng nấm tập trung có diện tích khoảng 2.000m2, hỗ trợ xây dựng 3 lán trại trồng nấm vệ tinh quy mô 15 tấn nguyên liệu/hộ/năm.
Xây dựng nhà phục vụ chế biến và bảo quản nấm, tổ chức mua sắm, lắp đặt trang thiết bị phục vụ sản xuất nấm theo quy mô công nghiệp. Sản phẩm từ dự án là tạo ra 1,2 tấn nấm linh chi khô thương phẩm, gần 1 tấn nấm khô vân chi, 14 tấn nấm bào ngư tươi và 10 tấn nấm giống các loại. Đào tạo 2 cán bộ kỹ thuật lành nghề của HTX, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 15 lao động chuyên nghiệp và 100 lao động gián tiếp từ dự án.
Nhiều vấn đề cần quan tâm
Theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, đây là dự án thiết thực, việc ứng dụng công nghệ để nhân giống, nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu là rất cần thiết tại Quảng Nam.
ThS. Nguyễn Đình Vương - Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Nam nhận xét, trong 3 quy trình nhân giống thì quy trình nhân giống nấm vân chi rất mới.
Trong bối cảnh công tác phân lập giống nấm chưa đảm bảo, nhu cầu nguồn giống phục vụ nuôi trồng còn hạn chế, chưa có đơn vị quản lý giống nấm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ thì dự án góp phần giải quyết thực trạng đó.
Dự án cần chú trọng đến công nghệ chế biến, bảo quản lẫn xử lý phế thải cũng như cần làm rõ hiệu quả sản xuất giống, nuôi trồng nấm ở quy mô nông hộ, phát triển với quy mô công nghiệp theo chuỗi giá trị.
ThS. Hà Thị Ánh Tuyết (công tác tại Sở KH&CN) cho rằng, với đà sản xuất theo quy mô công nghiệp, khâu bảo quản nấm rất cần thiết. Bởi lẽ, thị trường ở Quảng Nam và vùng lân cận không phải thời điểm nào sản phẩm nấm cũng tiêu thụ mạnh, nếu không có cách thức bảo quản hoặc sơ chế, sấy khô, ở một số thời điểm nếu quá tải sẽ gây thua lỗ cho đơn vị. Đối với sản phẩm nấm dược liệu cần phải có phương án cụ thể trong khâu tiêu thụ và chuyển giao công nghệ cho người dân. Nếu có kênh tiêu thụ giống nấm thì hiệu quả dự án mang lại rất lớn.
Còn theo ThS. Nguyễn Thị Bích Hằng (công tác tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng), dự án góp phần làm tăng sản lượng, chất lượng sản xuất giống nấm. Song, cần làm rõ về việc ứng dụng phụ phẩm nông nghiệp vào trồng nấm.
Chuyển giao công nghệ cần chú trọng đến khâu phòng bệnh cho nấm, làm sao để nâng cao năng suất, làm rõ các giống nấm có phù hợp với đặc thù khí hậu của tỉnh không... Quan trọng hơn, hậu dự án, HTX có làm chủ được công nghệ hay phải nhập giống từ Viện Di truyền là điều cần làm rõ...