Ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống và trồng thử nghiệm một số cây dược liệu giá trị

HOÀNG LIÊN 15/08/2018 02:01

(QNO) - Ngày 14.8, Sở KH&CN nghiệm thu đề tài “Điều tra hiện trạng, ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống và trồng thử nghiệm một số cây dược liệu có giá trị tại Quảng Nam”. Đề tài được thực hiện từ tháng 10.2015 đến 6.2018, do PGS-TS. Bùi Văn Lệ chủ nhiệm, Công ty CP Khoa học công nghệ nông nghiệp Anh Đào (TP.Hồ Chí Minh) chủ trì.

Quang cảnh nghiệm thu đề tài. H.L
Quang cảnh nghiệm thu đề tài. Ảnh: H.L

Đề tài thực hiện các nội dung chính: điều tra, đánh giá hiện trạng cây dược liệu có giá trị tại Quảng Nam để đưa vào danh sách nhân giống và bảo tồn; nhân giống vô tính một số loài cây dược liệu có giá trị để phát triển trồng trên địa bàn tỉnh; lập 69 loài cây dược liệu cần đưa vào danh sách bảo tồn và trồng tại cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học thuộc Trung tâm Ứng dụng và thông tin KH&CN Quảng Nam; chọn 5 loài cây có giá trị cần nhân giống (đương quy, đảng sâm, hà thủ ô, ngũ gia bì, giảo cổ lam 5 lá) và tiến hành nhân giống ở giai đoạn khử trùng, vô mẫu, tạo mô sẹo hay phôi, tái sinh, nhân nhanh cụm chồi, ra rễ và huấn luyện cây con ngoài vườn ươm để hoàn thiện quy trình nhân giống 5 loài cây dược liệu có giá trị này.

Đề tài cũng đào tạo được 5 cán bộ nắm vững kỹ thuật nuôi cấy và nắm quy trình kỹ thuật nhân giống 5 loài dược liệu. Phía Công ty CP Khoa học công nghệ nông nghiệp Anh Đào cũng đã bàn giao 69 loài cây dược liệu và trồng lưu giữ tại 2 vườn, qua theo dõi cây sống khỏe, tăng trưởng tốt. Đề tài cũng xây dựng quy trình trồng khảo nghiệm 10.000 cây dược liệu nuôi cấy mô cho các hộ nông dân (8 hộ) và 2 đơn vị trồng ngoài tự nhiên…

Theo khảo sát của Viện Dược liệu, Quảng Nam hiện có 832 loài cây dược liệu thuộc 593 chi, 190 họ thực vật, trong đó phần lớn là những loài dược liệu mọc tự nhiên. Đặc biệt, một số loài khác quý hiếm như chè dây, ngũ vị tử, mật nhân, bạc hà… có diện tích phân bố lớn ở Tây Giang, Nam Trà My, Đông Giang… Tại các huyện Tiên Phước, Nông Sơn, Hiệp Đức, Phú Ninh, Đại Lộc có các loài: đinh lăng, cà gai leo, xạ đen, nghệ… song diện tích nhỏ, manh mún.

Qua khảo sát, nhu cầu sử dụng dược liệu của Quảng Nam khá lớn với mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền từ tỉnh tới xã, tỷ lệ bệnh nhân được khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền chiếm đến 21%. Thống kê tại Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh, các đơn vị khám chữa bệnh trong tỉnh cho thấy, số dược liệu dùng chữa bệnh mỗi năm gần 100 tấn. Do chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ, việc khai thác diễn ra ồ ạt, công tác quy hoạch chưa được chú trọng nên nguồn dược liệu tự nhiên gần như bị cạn kiệt, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng…

Theo PGS-TS. Bùi Văn Lệ, đề tài nhằm điều tra, đánh giá hiện trạng, tiềm năng cây dược liệu có giá trị tại Quảng Nam; triển khai nhân giống in vitro 4 loài cây dược liệu đương quy, đảng sâm, giảo cổ lam, hà thủ ô và giâm hom 1 loài cây dược liệu (ngũ gia bì gai); huấn luyện cây con nuôi cấy mô tại vườn ươm; xây dựng quy trình trồng và chăm sóc 5 loài cây dược liệu ngoài tự nhiên… Phương pháp nhân giống in vitro là phương pháp ưu việt, mở ra một hướng đi mới trong việc tạo ra nguồn giống cây sạch bệnh, rút ngắn thời gian sản xuất, tạo ra được số lượng lớn cây giống đồng nhất, sạch bệnh... Trong khi phương pháp nhân giống truyền thống (giâm hom, chiết, trồng bằng hạt) gặp nhiều hạn chế như hệ số nhân giống thấp, thời gian kéo dài, tỷ lệ sâu bệnh hại cao… thì kỹ thuật nhân giống in vitro là phương pháp ưu việt trong việc tạo ra cây giống sạch bệnh, có sức kháng bệnh cao, có thể sản xuất giống nhanh, độ đồng đều cao với quy mô lớn một cách dễ dàng…

“Muốn có nguồn dược liệu để làm thuốc, phải trồng quy mô lớn. So với phương pháp truyền thống thì phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật tạo nên hiệu quả to lớn trong sản xuất nông lâm nghiệp, góp phần tạo nguồn vật liệu dùng để chuyển gen, nhân nuôi sinh khối tế bào, protein tái tổ hợp và ứng dụng nhiều mục đích khác. Phương pháp này cũng giúp kiểm soát được dịch bệnh cây trồng, kiểm soát được chất lượng giống thông qua kiểm soát kiểu gen của giống trong khâu sản xuất, kiểm soát được toàn bộ kế hoạch từ khâu nhân giống cho tới khâu thu hoạch, tạo được sự đồng nhất về giống, đồng nhất về sản phẩm cuối” - PGS.TS. Bùi Văn Lệ nói.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống và trồng thử nghiệm một số cây dược liệu giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO