Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

HOÀNG LIÊN 24/11/2016 08:45

Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc tạo giống cây con sạch bệnh, xử lý môi trường, tạo phân bón, thuốc sinh học bảo vệ cây trồng… là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết hiện nay.

Nhiều khó khăn

Trên địa bàn tỉnh, một số nơi đã manh nha mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Hội An (rau hữu cơ  thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh; làng rau an toàn Trà Quế); tại Thăng Bình (làng rau sạch Hưng Mỹ); Nông Sơn với mô hình cây ăn quả sạch bệnh… Tại nhiều địa phương, mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh chức năng từ chế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng được nông dân hưởng ứng tích cực. Thế nhưng, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ trên diện rộng vẫn là bài toán khó. Hiện nay, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đến mức báo động; ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học tràn lan; tình trạng sử dụng chất cấm và thuốc kháng sinh trong chăn nuôi… Đề cập vấn đề này, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Đã tới lúc làm ngược lại, tức nền nông nghiệp không còn phải chạy theo thành tích nữa mà cần hướng tới sản xuất an toàn, hữu cơ, chấn chỉnh việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật tràn lan. Quy trình sản xuất trồng trọt lẫn chăn nuôi đều phải hướng tới an toàn thực phẩm, giảm thiểu tác động tới môi trường. Đó là định hướng chung của tỉnh”.

Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống nấm tại Quảng Nam. Ảnh: H.Liên
Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống nấm tại Quảng Nam. Ảnh: H.Liên

Theo ông Lê Muộn, bên cạnh đổi mới phương thức sản xuất thì nền nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp sinh thái cũng đối diện với áp lực hết sức lớn. Đó là sự bế tắc về đầu ra của sản phẩm, trong đó có lúa hữu cơ, dưa hấu VietGap, rau VietGap…  Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ở cấp vĩ mô trong quản lý ngành nông nghiệp, cần phải sửa lại một số tiêu chí ràng buộc, khắt khe. Ví như, đối với chứng nhận VietGap, có thể tìm một cách quản lý khác, trong sản xuất hàng loạt, nông dân chỉ cần hướng tới sản xuất rau quả an toàn, còn cái nào xuất khẩu đòi chứng nhận thì sẽ làm theo quy trình chặt chẽ. Việc này sẽ giảm sự rườm rà, cứng nhắc và áp lực cho nhà nông. Bên cạnh đó, khó khăn về giống là cũng là rào cản trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Quảng Nam có 30 loại giống nông - lâm nghiệp nhưng việc quản lý, kiểm soát chất lượng gần như bị thả nổi hay thiếu hụt nguồn giống chuẩn, giống sạch bệnh.

Phát triển công nghệ sinh học

Theo bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, giai đoạn tới, nền khoa học công nghệ tỉnh ưu tiên sử dụng các giống thích ứng với biến đổi khí hậu như: chịu hạn, chịu mặn, chịu rét, chịu ngập..; làm chủ công nghệ sản xuất giống một số đối tượng vật nuôi chính như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển..; lai tạo, sản xuất giống cây trồng sạch bệnh, chất lượng cao; nhân giống các loại nấm ăn, nấm dược liệu, đáp ứng sản xuất nấm thương phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Đề án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh (đầu tư tại Tam Kỳ), trên cơ sở hợp tác với chính phủ Israel về phát triển công nghệ sinh học, tập trung vào phát triển các giống cây rau quả sạch bệnh, các giống hoa, tạo lan tỏa ra các khu vực lân cận với chuỗi giá trị sản phẩm từ nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ… cũng là mục tiêu của chiến lược đề ra về một nền nông nghiệp sinh thái.

Ông Phan Văn Phu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng & thông tin khoa học công nghệ cho biết, thời gian qua, trung tâm định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiếp cận, làm chủ một số công nghệ sinh học và đã sản xuất thành công các chế phẩm. Cụ thể, chế phẩm vi sinh FPP Tamic để sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng, thâm canh cây trồng, cải tạo độ phì nhiêu cho đất; chế phẩm Trichoderma phòng trừ bệnh hại cây trồng; chế phẩm vi sinh khử mùi hôi trong chăn nuôi (dạng bột, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải thủy sản); sản xuất phân bón lá thủy phân từ trùn quế; tạo chế phẩm trị nấm rễ, nấm Mycorrhyza thâm canh cây trồng… Bên cạnh đó, trung tâm cũng phối hợp với các địa phương triển khai khảo nghiệm hàng loạt mô hình sản xuất rau, hoa, các giống hoa màu, bón phân vi sinh cho cây lúa nước ở miền núi bước đầu đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về sản xuất an toàn… “Việc sản xuất giống cây ăn quả nuôi cấy mô, cây dược liệu giúp kiểm tra được bệnh từ bên ngoài, hạn chế tình trạng nhiễm sâu bệnh, tạo nguồn giống cung ứng hàng loạt, mà cơ bản là thay đổi bản chất của giống. Tùy lượng đặt hàng, mỗi năm năng lực cung ứng giống của trung tâm khoảng 10.000 cây giống để cung cấp cho các mô hình trên địa bàn tỉnh” - ông Phu chia sẻ.


Về giống nấm, trung tâm luôn chủ động sản xuất một số giống (giống cấp 1): linh chi, nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, trân châu, đang phổ cập ứng dụng 4 trong số 5 giống này thông qua các mô hình trình diễn, các lớp tập huấn kỹ thuật cho nhà nông. “Một số mô hình giống nấm triển khai ở thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), xã Bình Tú (Thăng Bình), xã Tam Dân (Phú Ninh), xã Bình Lâm (Hiệp Đức), Điện Nam Bắc (Điện Bàn)… qua đánh giá khá hiệu quả. Đây là sản phẩm từ dự án, đề tài khoa học, nông dân thực hiện mô hình được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Ngoài ra, trung tâm còn cung ứng cho các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp theo dạng đầu tư cuốn chiếu, sản xuất giống cung ứng theo đơn đặt hàng” - ông Phu nói.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO