(QNO) - Gia tăng ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ tiên tiến giúp giảm chi phí sản xuất, tăng mạnh sản lượng cà phê tại Brazil và Việt Nam - hai nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.
Đến mùa thu hoạch, nông dân Julio Rinco ở bang Sao Paulo (Brazil) điều khiển chiếc máy tự động gặt hái cà phê trong trang trại của ông. Ứng dụng này mang lại nhiều lợi ích cho nông dân như Rinco, đặc biệt là cắt giảm chi phí sản xuất so với các phương pháp truyền thống vốn sử dụng nhiều nhân công.
Hãng tin Reuters số ra ngày 22.8 cho hay, việc ứng dụng ngày càng nhiều cơ giới hóa và các công nghệ mới giúp Brazil và Việt Nam tăng mạnh năng xuất, vượt xa các “đối thủ” như Colombia, Trung Mỹ và châu Phi.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, sự sụt giảm giá cà phê toàn cầu trong những tháng gần đây, xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua, kéo theo sự xoay chuyển lớn trên thị trường sản xuất. Ở đó, chỉ những nhà sản xuất hiệu quả nhất sẽ phát triển mạnh. Ngược lại, một số nơi đã chuyển sang cây trồng thay thế, hoặc từ bỏ hoàn toàn trang trại trồng cà phê.
Jeff Brazil Sachs - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tại Đại học Columbia nói, Brazil và Việt Nam tăng năng suất cà phê ổn định, nhiều nước khác thì không. Hai nước này hiện sản xuất hơn một nửa sản lượng cà phê của thế giới.
Ở Colombia và Trung Mỹ, cà phê thường được trồng trên các sườn đồi nơi việc cơ giới hóa gặp khó khăn hơn trong khi thu hoạch thủ công khiến chi phí sản xuất cao. Còn khu vực châu Phi chủ yếu là các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, không có vốn hay tiếp cận được nguồn vốn cần thiết để đầu tư các kỹ thuật, công nghệ mới.
Rinco cho biết ông mua máy thu hoạch cà phê với giá khoảng 600.000 Real Brazil (khoảng 3,61 tỷ đồng), giúp giảm 40 - 60% chi phí sản xuất truyền thống. Ông sẽ trả phí đầu tư máy móc này cho một công ty vật tư nông nghiệp địa phương bằng sản lượng cà phê thay vì tiền, trong 4 năm. Đây là hình thức đầu tư phổ biến trong nông nghiệp Brazil.
Doanh nhân Alexandre Gobbi và hai đối tác quyết định tham gia trồng cà phê ở Brazil từ 4 năm trước, với ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất, bao gồm hệ thống tưới nhỏ giọt với trí thông minh nhân tạo. “Công nghệ này đọc được mức độ ẩm, cho tôi biết khi nào cần thêm nước và phân bón, với liều lượng thích hợp” - Alexandre Gobbi nói.
Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc thống kê, trong vòng một thập kỷ qua, sản lượng cà phê trung bình ở Brazil tăng hơn 40% lên khoảng 1,5 tấn mỗi héc ta. Việt Nam cũng chứng kiến sản lượng cà phê tăng khoảng 18% lên khoảng 2,5 tấn. Trong khi Colombia tăng khoảng 12%, khoảng 1 tấn mỗi héc ta, Trung Mỹ lại giảm khoảng 3% xuống còn 0,6 tấn.
Theo Reuters, hạt cà phê Arabica cung cấp một hương vị mượt mà và ngọt ngào hơn, chiếm gần 2/3 của cà phê thế giới. Cà phê Robusta đắng hơn, đậm hơn với phần lớn trong số đó là nguồn cung đến từ Việt Nam.
Thái Anh Tuấn - người quản lý một trong 3 nhà kho cho Simexco (Việt Nam) - nơi xuất khẩu hơn 80.000 tấn Robusta mỗi năm cũng ghi nhận sự gia tăng ổn định của xuất khẩu cà phê Việt Nam trong những năm gần đây, song hành với việc tăng kỹ thuật canh tác đổi mới, bao gồm trồng xen kẽ các loại cây trồng khác nhau và sử dụng công nghệ mới trong tưới tiêu và canh tác.
Ksor Tung - một người trồng cà phê với trang trại rộng 10ha tại tỉnh Đắk Lắk (thủ phủ cà phê của Việt Nam) cho biết, trồng xen cà phê với cây sầu riêng giúp bảo vệ cây trồng tốt hơn, khỏi ánh nắng mặt trời trực tiếp và sâu bệnh, tạo thêm thu nhập.