Ứng dụng đèn Led và điện mặt trời trên tàu lưới chụp: Sẽ nhân rộng mô hình

VIỆT NGUYỄN 14/10/2019 10:10

Từ hiệu quả bước đầu, mô hình ứng dụng đèn Led và điện mặt trời trên tàu lưới chụp sẽ được nhân rộng, kỳ vọng tạo bước tiến mới cho nghề cá.

Nghề lưới chụp ngày càng lớn mạnh nên ngư dân cần trang bị đèn Led và điện mặt trời để sản xuất thuận lợi hơn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nghề lưới chụp ngày càng lớn mạnh nên ngư dân cần trang bị đèn Led và điện mặt trời để sản xuất thuận lợi hơn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Hiệu quả

Mới đây, Sở Khoa học - công nghệ nghiệm thu đề tài “Ứng dụng đèn Led và điện mặt trời trên tàu lưới chụp Quảng Nam” do Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam triển khai trên tàu cá QNa-90271 có công suất 810CV của ngư dân Nguyễn Minh Quang (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành). Ông Quang cho biết, trước đây, sử dụng bóng đèn Metal halide có công suất 1.000W để đánh bắt hải sản nên chi phí nhiên liệu cho chuyến biển rất cao, xấp xỉ 100 triệu đồng. Khi được ngành chức năng lắp đặt đèn Led và điện mặt trời trên tàu cá, hiệu quả kinh tế chuyến biển tăng lên nhờ tiết kiệm nhiên liệu.

“Ở chuyến biển mới nhất, chi phí nhiên liệu của tàu giảm gần 50 triệu đồng. Tàu tôi thu được hơn 10 tấn hải sản, chủ yếu là mực ống, mực nang, bán được hơn 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi gần 100 triệu đồng, các bạn biển được chia gần 15 triệu đồng” - ông Quang nói.

Nghề lưới chụp được du nhập vào Quảng Nam vào năm 2008 với 5 tàu khai thác ở tuyến lộng. Đến nay, Quảng Nam có gần 100 tàu lưới chụp sản xuất ở các vùng biển xa bờ. Cùng với các nghề lưới vây và câu mực khơi, lưới chụp đã trở thành nghề chủ lực với sản lượng khai thác mỗi năm lên đến hơn 20 nghìn tấn.

ThS.Võ Văn Long - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam - chủ nhiệm đề tài “Ứng dụng đèn Led và điện mặt trời trên tàu lưới chụp Quảng Nam” cho rằng, nghề lưới chụp sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian đến và đề tài kỳ vọng sẽ tạo cú hích. Qua triển khai đề tài, giá trị kinh tế thu được của tàu cá QNa-90271 cao hơn tàu đối chứng khoảng 76,7 triệu đồng/chuyến biển. Lợi nhuận của tàu thử nghiệm tăng do sản lượng đánh bắt tăng và giảm được chi phí sản xuất từ nhiên liệu chạy máy phát điện. Chi phí chuyến biển của tàu cá QNa-90271 thấp hơn tàu đối chứng khoảng 46 triệu đồng/chuyến.

Theo ngành chức năng, ngư dân khi lựa chọn đèn Led đầu tư sản xuất cần đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật là có dải điện áp rộng (100 - 277V); ánh sáng và công suất không thay đổi khi điện áp lưới thay đổi; tương thích điện từ trường không gây ra hiện tượng nhiễu cho các thiết bị điện tử trên tàu; có cấp bảo vệ (IP) để chống bụi, nước; vỏ đèn bằng hợp kim nhôm hoặc kim loại khác có sử dụng sơn nano làm lớp phủ chống ăn mòn của nước biển; bộ phận giá lắp chắc chắn, đèn không bị rung khi tàu lắc do sóng; tham số của chip Led có tính đồng nhất cao.

“Tàu thử nghiệm trang bị hệ thống đèn Led có vùng sáng chiếu xa từ 100 - 110m, còn hệ thống đèn Metal halide chỉ có 65m, hơn 1,5 lần. Vùng sáng chiếu sâu của hệ thống đèn Led hơn hệ thống đèn Metal halide từ 8 - 18m. Thể tích vùng sáng tác dụng của đèn Led cao hơn đèn Metal halide là cơ sở để sản xuất hiệu quả hơn” - ông Long nói.

Hầu hết các tàu lưới chụp trên địa bàn tỉnh sử dụng máy phát điện được ghép bởi máy phụ với dynamo. Do hoạt động liên tục ngày đêm nên hay xảy ra sự cố mất điện sản xuất trên tàu. Nếu dự trữ điện không tốt, dễ bị thiếu hụt nguồn điện dùng để thắp sáng trên tàu và sử dụng cho các thiết bị hàng hải. Đầu tư hệ thống điện mặt trời trên tàu lưới chụp QNa-90271 đã giải quyết được vấn đề này. Ngoài ra, nguồn điện của hệ thống điện mặt trời trên tàu lưới chụp được nạp vào các bình ắc quy có dung lượng lớn, nạp thường xuyên kể cả trong trường hợp trời âm u, điện áp luôn ổn định, không gây tiếng ồn.

Cần nhân rộng

Trước khi đề tài “Ứng dụng đèn Led và điện mặt trời trên tàu lưới chụp Quảng Nam” được nghiệm thu, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã tổ chức tham quan mô hình thực tế trên tàu QNa-90271-TS để cộng đồng ngư dân và các cán bộ phụ trách thủy sản của huyện Núi Thành và Thăng Bình trao đổi, thảo luận.

Các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia có kinh nghiệm về đèn Led và điện mặt trời đã trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật sử dụng, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng hệ thống đèn Led và điện mặt trời trên tàu lưới chụp. Ngư dân và cán bộ thủy sản 2 huyện Thăng Bình và Núi Thành đều có ý kiến chung là cần nhân rộng mô hình đèn Led và điện mặt trời trên tàu lưới chụp để tiết kiệm nhiên liệu, tăng hiệu quả khai thác. Để thực hiện điều đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để ngư dân mạnh dạn đầu tư.

Sau mô hình sử dụng đèn Led và điện mặt trời trên tàu lưới vây, đến nay Quảng Nam đã có thêm mô hình ứng dụng đèn Led và điện mặt trời trên tàu lưới chụp. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, nhân rộng mô hình là cấp thiết để phát triển nghề cá theo chiều sâu, nhất là trong bối cảnh giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất trên biển ngày một tăng cao. Theo đó, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự án chuyển giao, tập huấn nhân rộng mô hình hệ thống đèn Led và điện mặt trời cho tàu lưới chụp trên địa bàn tỉnh.

“Số tiền khi đầu tư hệ thống đèn Led cao hơn đèn Metal halide xấp xỉ 95 triệu đồng. Trong khi đó, nhiên liệu tiết kiệm sau mỗi năm sản xuất của ngư dân theo nghề lưới chụp từ việc sử dụng đèn Led là hơn 360 triệu đồng. Như vậy, chỉ cần vài chuyến biển sản xuất hiệu quả là ngư dân có thể thu hồi lại vốn đầu tư” - ông Ngô Tấn nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng dụng đèn Led và điện mặt trời trên tàu lưới chụp: Sẽ nhân rộng mô hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO