Ứng dụng internet vạn vật để quản lý sâm Ngọc Linh

HOÀNG LIÊN 17/10/2016 17:56

(QNO) - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và internet của vạn vật (Internet of thing - IoT) để quản lý sâm Ngọc Linh từ lúc trồng tới thu hoạch, đó là đề nghị của ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My tại lễ đón nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ mới đây.

Việc ứng dụng internet vạn vật theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển cây sâm Ngọc Linh là xu hướng. Ảnh: Hoàng Liên
Việc ứng dụng internet vạn vật theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển cây sâm Ngọc Linh là xu hướng trong tương lai. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Ông Hồ Quang Bửu đề xuất Bộ KH&CN cần có hướng hỗ trợ các địa phương ứng dụng CNTT, mạng internet vào khâu quản lý quy trình sinh trưởng, khâu bảo vệ an ninh tại các vùng sâm. Xu hướng này được xem là tương lai của nền nông nghiệp thông minh và nông nghiệp sạch.

Ứng dụng CNTT và internet của vạn vật là ứng dụng thông minh từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và internet vào khâu giám sát, quản lý quy trình sinh trưởng, khâu bảo vệ an ninh tại các vườn sâm. Hệ thống thiết bị cảm biến, đo đạc công nghệ cao kết nối với nhau, tích hợp các công nghệ tiên tiến giúp thu thập dữ liệu, kết nối với hạ tầng thông tin để truy xuất dữ liệu, phân tích và đưa ra quyết định tối ưu hóa lượng nước, phân bón, dinh dưỡng, tự động hóa khâu trồng trọt, quản lý. Qua đó giúp người trồng dễ dàng theo dõi được quy trình sinh trưởng của cây, dễ quản lý, chăm sóc và nâng cao được giá trị kinh tế. Việc truy xuất nguồn gốc điện tử cũng giúp minh bạch, công khai hồ sơ của cây sâm, giúp sản phẩm vươn ra được thị trường quốc tế, tăng sức cạnh tranh, vốn được nhiều nước tiên tiến áp dụng.

“Nông nghiệp ở nước ta vốn là lĩnh vực ít được áp dụng công nghệ cao. Để phát triển sản xuất và hội nhập, đòi hỏi phải áp dụng công nghệ mới. IoT là công nghệ vốn phù hợp với đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh” - ông Bửu nói.

Không dừng lại ở đó, IoT còn giúp theo dõi dịch bệnh, tăng cường đảm bảo an ninh cho các khu vực canh tác và hỗ trợ phân phối sản phẩm. Nhất là vấn đề về an ninh ở vùng sâm có thời kỳ đáng báo động, tình trạng mất cắp, trộm sâm vẫn còn diễn ra…

Cây sâm Ngọc Linh trên đỉnh Ngọc Linh, Nam Trà My. Ảnh: Hoàng Liên
Cây sâm Ngọc Linh trên đỉnh Ngọc Linh, Nam Trà My. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Được biết, hàng chục năm qua, Quảng Nam đã tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào nhân giống, sản xuất, di thực cây sâm. Sở KH&CN từng chủ trì đề tài nghiên cứu về cây sâm nuôi cấy mô song cây sâm mô vẫn còn là bài toán hóc búa, cây con không sống sót sau khi ra môi trường thực tế. Sở KH&CN đang trình Bộ KH&CN dự án ứng dụng công nghệ để sản xuất các sản phẩm từ sâm như thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ nguồn hỗ trợ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia nhưng chưa có kết quả.

Ngoài ra, giai đoạn 2014-2018, Bộ KH&CN triển khai dự án đầu tư 567 tỷ đồng nhằm xây dựng sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia; xây dựng trung tâm nghiên cứu quốc gia về sâm Ngọc Linh, nhà máy chế biến sâm; tạo vườn giống gốc với quy mô 20ha; xây dựng quy trình công nghệ nhân giống, trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, chế biến và xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh…

Tại lễ trao giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đề nghị tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My cần lưu tâm tới việc bảo vệ, duy trì hệ sinh thái tự nhiên gắn với cây sâm; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp về công nghệ trong việc trồng và chế biến sản phẩm từ sâm Ngọc Linh…

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng dụng internet vạn vật để quản lý sâm Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO