Ứng dụng Khoa học – công nghệ: Kết quả từ thực tiễn

HOÀNG LIÊN 13/02/2014 10:30

Nhờ chú trọng đầu tư về nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị… và tạo cơ chế thông thoáng trong lĩnh vực ứng dụng, chuyển giao Khoa học - Công nghệ (KH-CN), nhiều thành quả nghiên cứu khoa học đã đi vào thực tế đời sống.

Bước chuyển mới

Gần đây, lĩnh vực ứng dụng, chuyển giao KH-CN tại Quảng Nam có chuyển biến tích cực, rõ nét là mảng ứng dụng, chuyển giao KH-CN cấp huyện/thành phố. Giai đoạn 2012-2013, nhiều kết quả từ thực tế được ứng dụng đã cho những tia hy vọng mới trong lĩnh vực này. Cụ thể, năm 2013, có 22 đề tài, dự án cấp bộ, tỉnh, huyện đã được xây dựng, đăng ký, chờ thẩm định kinh phí, triển khai thực hiện. Trong đó có 4 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp tỉnh, 1 đề tài cấp cơ sở và 16 đề tài cấp huyện. Nhiều đề tài/dự án đã được nghiệm thu và đánh giá cao. Ví như đề tài “Ứng dụng công nghệ biogas để xử lý chất thải tại các khu chăn nuôi tập trung của tỉnh Quảng Nam”. Mục tiêu đề tài là tận dụng chất phế thải trong chăn nuôi để sản xuất điện năng, tiết kiệm chi phí, nguồn năng lượng cho sinh hoạt và sản xuất. Cùng với đó, công nghệ biogas được tuyên truyền, phổ biến đến người dân. Hay như nghiên cứu “Tiếp nhận công nghệ sản xuất giống và trồng khảo nghiệm mít ruột đỏ tại Quảng Nam” đã đem lại hiệu quả khi lần đầu tiên, Quảng Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống, trồng và chăm sóc mít ruột đỏ Thái Lan. Cây trồng khảo nghiệm tại một số nơi như Đại Lộc, Phú Ninh, Tam Kỳ, Đông Giang đã cho quả, được địa phương và bà con vùng trồng khảo nghiệm đánh giá cao. Mít ruột đỏ được bổ sung vào cơ cấu giống cây tại Quảng Nam, giúp bà con có thêm sự lựa chọn cây trồng để cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế…

Tập huấn kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh cho bà con nông dân. Ảnh: HL
Tập huấn kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh cho bà con nông dân. Ảnh: HL

Ông Phan Văn Phu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH-CN (Sở KH-CN) cho biết: “KH-CN đã từng bước gắn với thực tiễn, đi vào cuộc sống, người dân được hưởng lợi. Sản phẩm đề tài, trí tuệ khoa học đã được khai thông, “thực tiễn hóa”, không còn tình trạng “bỏ ngăn kéo”, điều mà giai đoạn trước chúng ta chưa làm được”.  Trong số 14 đề tài/dự án ứng dụng, chuyển giao KH-CN cấp huyện nói trên, đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng bón trên cây đậu phụng tại huyện Quế Sơn” đã được nghiệm thu cấp cơ sở, được đánh giá cao về hiệu quả trong sản xuất. Thực nghiệm tại địa bàn xã Quế Phú (Quế Sơn), những ruộng trồng đậu phụng bằng phân hữu cơ vi sinh chức năng có tỷ lệ sống cao, chiều cao cây tốt, số lá trên cây nhiều, đạt hiệu quả cao so với đối chứng. Đặc biệt, tình hình sâu bệnh được cải thiện rõ rệt, cây hạn chế được bệnh chết yểu. Tổng số trái/gốc là 16,6 trái và năng suất/sào cao gần gấp đôi so với lô đối chứng (đạt đến 140 kg/sào, trong khi lô đối chứng chỉ có 80 kg/sào). Hơn nữa, việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh chức năng còn góp phần cải thiện đất tại nơi thực hiện mô hình; đất tơi xốp, màu mỡ hơn so với đối chứng. Sự thành công của đề tài là cơ sở để huyện Quế Sơn tiếp tục mở rộng chương trình tập huấn sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng cho nông dân trên địa bàn huyện, ngoài bón trên cây đậu phụng, có thể áp dụng trên nhiều loại cây khác như: bắp, đậu, ớt…

Cơ chế thông thoáng

Gần đây, chế phẩm FBP (do Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH-CN sản xuất) được dùng trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh vật chức năng FMF đã được chuyển giao rộng rãi đến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, phục vụ sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại các cơ sở sản xuất theo quy mô công nghiệp hoặc quy mô hộ gia đình. Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh vật chức năng FMF được sản xuất từ chế phẩm FBP đã được thực nghiệm, bón thử nghiệm trên nhiều loại cây trồng như bắp, ớt, tiêu, đậu phụng tại nhiều huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Tiên Phước… và đem lại hiệu quả tích cực. Chế phẩm FBP đã và đang phục vụ cho nhiều đề tài/dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học thuộc lĩnh vực tam nông. Đáng chú ý là những đề tài: “Ứng dụng chế phẩm vi sinh để sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng phục vụ sản xuất rau an toàn tại huyện Điện Bàn, Thăng Bình, Đại Lộc, Bắc Trà My, Nam Trà My”; “Ứng dụng chế phẩm vi sinh để sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng tại chỗ phục vụ xây dựng mô hình trồng chuối nuôi cấy mô ở một số xã vùng thấp của huyện Nam Giang”; hay đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng tại chỗ và bón cho cây lúa nước tại huyện Tây Giang”… Việc làm chủ công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm vi sinh và phân hữu cơ vi sinh là bước chuyển biến tích cực trong lĩnh vực ứng dụng, chuyển giao KH-CN tại Quảng Nam. Đến nay, có khoảng 2 tấn chế phẩm men vi sinh vật đã được chuyển giao đến các địa phương, phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Tại các làng nghề trồng nấm rơm ở Điện Bàn, Duy Phước (Duy Xuyên), thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ sản xuất phân vi sinh giúp giảm thiểu nạn ô nhiễm môi trường do một lượng lớn giá thể của nấm rơm được thải ra được tận dụng ủ làm phân vi sinh, bón cho cây trồng.

Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, gần đây, lĩnh vực ứng dụng, chuyển giao KH-CN tại Quảng Nam đang có sự chuyển biến tích cực khi đội ngũ làm công tác ứng dụng, chuyển giao KH-CN từng bước được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Sở KH-CN tập trung chỉ đạo thực hiện tốt lĩnh vực chuyển giao, ứng dụng KH-CN, phục vụ tam nông. Để làm được điều đó, sở đã và đang tạo mọi điều kiện xây dựng cơ chế thông thoáng đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống, điều mà trước đây cơ chế tài chính chưa cho phép làm được. Thời gian tới, ngành KH-CN tập trung triển khai các đề tài/dự án đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời nâng cao tiềm lực KH-CN. Hiện, cơ sở thí nghiệm phục vụ cho lĩnh vực công nghệ sinh học đã và đang được xây dựng tại huyện Phú Ninh, tạo đà cho công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH-CN trong thời gian không xa.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng dụng Khoa học – công nghệ: Kết quả từ thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO