Ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống

Quang Việt 16/03/2013 09:10

Ứng dụng khoa học - công nghệ trên địa bàn huyện Thăng Bình trong thời qua đã tạo nên những chuyển biến quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội…

Bà Lê Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đánh giá, thời gian qua, khoa học - công nghệ đã được ứng dụng đồng bộ, đều khắp trên các lĩnh vực đời sống của huyện Thăng Bình. Chuyển biến dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi của các làng nghề. Từ chỗ sản xuất thủ công, làng nghề Quán Hương (thị trấn Hà Lam) đã được chuyển giao công nghệ sản xuất bằng máy, công suất sản xuất tăng gấp 5 - 6 lần so với trước đây. Khi sản lượng hương được sản xuất tăng lên, người dân đã chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm. Điều này đã khiến cho doanh thu của làng nghề tăng ở mức từ 3 - 5 tỷ đồng lên đến 25 - 30 tỷ đồng trong vòng 5 năm qua. Công nghệ lọc sạch được ứng dụng trong chế biến nước mắm ở làng nghề Cửa Khe (Bình Dương) từ nguồn kinh phí ngân sách là 100 triệu đồng đã giúp cho người dân nơi đây khẳng định thêm thương hiệu của làng nghề. Minh chứng rõ nhất là Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp nhãn hiệu độc quyền cho làng nghề này.

Sản xuất hương bằng máy tại làng nghề Quán Hương đã tăng năng suất 5 - 6 lần. Ảnh: Q.VIỆT
Sản xuất hương bằng máy tại làng nghề Quán Hương đã tăng năng suất 5 - 6 lần. Ảnh: Q.VIỆT

Năm 2011, nhận sự hỗ trợ đầu tư của tổ chức JICA, làng nghề sản xuất rau Bình Triều đã nâng cấp sản xuất rau sạch cho các cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, làng rau sạch này đã được đầu tư thêm nhà máy chuyên sản xuất, đóng gói rau sạch. Ngoài việc tăng thu nhập cho người sản xuất, làng nghề cũng đã giải quyết thêm việc làm cho hơn 60 lao động. Trong sản xuất nông nghiệp, nhờ nghiên cứu và ứng dụng hệ thống kênh tưới ống kín theo phương thức bình thông nhau đã đem lại hiệu quả khả quan. Việc cung ứng nước tưới một cách khoa học với chiều dài đường ống là 16km đã đảm bảo sự phát triển cho 260 ha lúa và hoa màu cho nhân dân các xã Bình Lãnh, Bình Trị, Bình Định Bắc, Bình Định Nam, Bình Tú, Bình Phục… Trong lĩnh vực văn hóa, đề tài nghiên cứu văn hóa “Lễ hội Bà Chợ Được” phân tích khoa học những yếu tố dân gian trong việc chế tác bàn cộ, nghinh sắc phong trong ngày lễ hội truyền thống. Đây chính là tư liệu để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, làm giàu bản sắc dân tộc.

Bà Lê Thị Thanh Mai nhấn mạnh: “Nhiệm vụ cấp thiết trong việc phát triển khoa học - công nghệ huyện Thăng Bình từ nay cho đến năm 2020 là đào tạo nguồn lực khoa học - công nghệ chất lượng. Theo đó, việc nghiên cứu, khuyến khích sáng tạo về công nghệ sẽ được ưu tiên, cơ chế khen thưởng cũng được nhấn mạnh. Bên cạnh đó, việc đào tạo đội ngũ cán bộ, quy hoạch xây dựng đội ngũ và nâng cao trình độ tham gia nghiên cứu khoa học là điều cần thiết hiện nay. Ngoài nguồn kinh phí phân bổ cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học hằng năm, ngân sách của huyện sẽ đối ứng khoản 20% để phục vụ công tác nghiên cứu trên địa bàn”.

Ông Đỗ Võ Bán, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho rằng, trong thời gian đến, công tác đầu tư nghiên cứu, áp dụng và làm chủ công nghệ tiên tiến cần được quán triệt chặt chẽ hơn. Thăng Bình chủ trương gắn các mục tiêu, nhiệm vụ khoa học - công nghệ với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng cấp. Trong ứng dụng sản xuất, ưu tiên xây dựng cánh đồng mẫu lớn; mở rộng kênh ống nhựa, mạnh dạn khảo nghiệm các giống mới, phương pháp canh tác và chăn nuôi mới; ứng dụng chế phẩm sinh học, các phương pháp mới phòng trừ sâu bệnh; nhân rộng mô hình rau sạch, cây cao su… Trong lĩnh vực khoa học và nhân văn, cần đẩy mạnh phát động phong trào sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học vừa tác động đến đời sống kinh tế vừa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tinh thần của cộng đồng vừa có tác dụng tích cực đối với quản lý xã hội.

Quang Việt

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO