Tại Quảng Nam, việc ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN)vào lĩnh vực tam nông và xây dựng nông thôn mới cơ bản được chú trọng. Tuy nhiên, việc tạo “cuộc cách mạng” nông nghiệp với những cú hích, cơ chế đầu tư mang tính đột phá ở lĩnh vực này vẫn là kỳ vọng.
Thực hành quy trình sản xuất VietGap tại Bàu Tròn. Ảnh: Bích Liên |
Thành tựu cơ bản
Theo thống kê, từ năm 2007-2014, trong tổng số 86 đề tài KH-CN cấp tỉnh (Sở KH-CN chủ trì) được thực hiện thì nhóm đề tài liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, NTM chiếm 26/86 đề tài. Nhiều công trình nghiên cứu, sáng kiến cũng giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống và thu nhập cho nhân dân.
Nỗ lực đầu tư KH-CN vào nông nghiệp thể hiện ở việc chú trọng đầu tư nghiên cứu về mùa vụ, cơ cấu giống, các biện pháp canh tác, hệ thống canh tác phù hợp để lách thiên tai, vừa đảm bảo giá trị, sản lượng sản xuất. Hiện, toàn tỉnh cơ bản đã điều chỉnh, hoàn thiện được lịch sản xuất 2 vụ/năm, xác định được khung thời vụ hợp lý nhằm lách tránh nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết, tuy diện tích gieo trồng giảm nhưng sản lượng ổn định và gia tăng. Cơ sở hạ tầng đồng ruộng vùng sản xuất giống không ngừng được hoàn chỉnh. Nhiều đề tài, dự án ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp an toàn ven đô, sản xuất rau, cây ăn quả theo hướng sạch, an toàn, sử dụng công nghệ nhà lưới hoặc tưới tiết kiệm, nhỏ giọt, sản xuất hoa chất lượng cao, lúa gạo hữu cơ đảm bảo sạch bệnh… đã được triển khai, nhân rộng. Nhiều vùng sản xuất rau quả chuyên canh theo hướng hàng hóa, an toàn sạch bệnh đã được tổ chức thành công ở Bình Triều, Trà Quế, Duy Phước (rau), Kỳ Lý (dưa hấu). Nhiều địa phương đã ứng dụng thành công các mô hình sản xuất có giá trị cao, đạt 80 - 100 triệu đồng/ha/năm…
Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hai thành tựu rõ nét nhất trong ứng dụng KH-CN vào lĩnh vực nông nghiệp là việc sản xuất giống mới, ứng dụng giống mới vào sản xuất và hoàn thiện quy trình thâm canh trong sản xuất nông nghiệp. Hai năm gần đây, Quảng Nam có những bước đột phá về lĩnh vực sản xuất giống mới, chủ yếu là giống lúa và bắp, sánh cùng Bình Định và Quảng Ngãi. Toàn tỉnh hiện có khoảng 5.000ha sản xuất hạt giống, thu hút 23 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và cung ứng hạt giống, trong đó các công ty lớn chiếm thị phần đáng kể. Hạt lúa lai F1 của toàn tỉnh năm 2015 xấp xỉ 400ha. Quảng Nam cũng là vùng trọng điểm về sản xuất giống bắp lai, trên dưới 11.000ha. Trong đó Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc là những vùng thâm canh cây bắp lai với diện tích và sản lượng rất cao, áp dụng các tổ hợp giống mới cho năng suất và sản lượng cao. Ngoài giống bắp, rau ăn quả, bầu bí, dưa hấu… cũng là các giống lai góp phần tăng giá trị và thu nhập của người dân. Hàng năm, ngành nông nghiệp tỉnh đều khảo nghiệm, du nhập các giống có tính chống chịu, năng suất cao bổ sung vào bộ giống lúa của tỉnh, phù hợp với sản xuất trong điều kiện khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra. Đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất giống trên địa bàn triển khai nghiên cứu, chọn lọc và sản xuất các giống cây trồng không chỉ cung cấp phục vụ sản xuất tại địa phương mà còn tạo ra lượng giống hàng hóa lớn cho các vùng trong nước.
Cần tạo đột phá
Bên cạnh những thành quả thì việc ứng dụng KH-CN vào tam nông vẫn tồn tại không ít bất cập. Sự ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh diễn biến thất thường trên cây trồng, con vật nuôi; tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh làm cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày một giảm… là những “rào cản” không nhỏ ảnh hưởng tới việc áp dụng mô hình “cánh đồng lớn” nhằm tăng năng suất, giá trị trên cây trồng, vật nuôi. Hơn nữa, do diện tích đất bình quân đầu người đạt thấp, việc phân chia đất cho người sản xuất dạng lô thửa còn rất manh mún nên khó áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất cũng gặp không ít khó khăn. Trong khi ngành trồng trọt đối diện với nhiều rủi ro và rào cản thì ngành chăn nuôi Quảng Nam lại khá tụt hậu, đi sau các tỉnh thành khác do quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng còn lạc hậu, giống kém, chi phí thức ăn cao, khâu liên kết tiêu thụ còn hạn chế. Còn lâm nghiệp dù được xác định là thế mạnh của vùng thì loại hình kinh tế này chỉ mới dừng lại ở dạng tiềm năng, chưa có sự đẩy mạnh ứng dụng KH-CN như đầu tư giống mới, giống nuôi cấy mô để tăng sinh khối, giá trị, tăng thu nhập. Hơn nữa, tình trạng chặt phá, bán cây chưa tới tuổi trưởng thành diễn ra khá phổ biến. Quảng Nam vẫn chưa thể hình thành loại hình nông nghiệp công nghệ cao. Phân tích về lĩnh vực này, ông Lê Muộn cho rằng, có nhiều lẽ. Một là, nông dân Quảng Nam vẫn chưa có tập quán sản xuất, canh tác theo kiểu hiện đại, thiếu tiềm lực trong đầu tư công nghệ, giống, kỹ thuật. Trong khi loại hình này đòi hỏi phải có doanh nghiệp làm đầu tàu, một khi doanh nghiệp sản xuất ổn định, nông dân sản xuất làm theo, được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm, tạo thành một chuỗi liên kết. “Dù Sở NN&PTNT đã từng khảo sát để có hướng quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao song việc kêu gọi doanh nghiệp vào cũng lắm khó khăn, vướng rất nhiều thủ tục, cơ chế rườm rà” - ông Muộn nói. Một “rào cản” lớn của việc ứng dụng KH-CN vào nông nghiệp chính là kinh phí. Năm năm qua, dù Sở NN&PTNT đã chủ động đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư cho ứng dụng KH-CN như: tập trung cho công tác khuyến nông, xây dựng mô hình sản xuất, song với nguồn kinh phí 8 tỷ đồng mỗi năm được rải đều rót về cho 18 huyện/thành phố, vẫn không đảm bảo nhu cầu phát triển. Bất cập nữa là kinh phí dành cho nghiên cứu KH-CN còn hạn hẹp, định mức chi tiêu cho các đề tài/dự án còn hạn hẹp, thủ tục còn rườm rà. Các ứng dụng, chuyển giao còn rời rạc, đơn lẻ, chưa mang tính hệ thống, chưa tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp… “Việc nâng tỷ trọng và giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành cũng là cấp thiết. Trước mắt là đưa tỷ trọng ngành này từ 28% lên 35% trong năm 2015. Và khâu liên kết tiêu thụ là bài toán được tính đến” - ông Muộn nói.
TRẦN BÍCH LIÊN