(QNO) - Ngày 15.10, Sở Khoa học và công nghệ tổ chức nghiệm thu dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất đương quy Nhật Bản, giảo cổ lam và đan sâm tại huyện Nam Trà My”. Dự án do Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My chủ trì, Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội chuyển giao công nghệ.
Dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025.
Dự án đã chuyển giao và tiếp nhận chuyển giao các quy trình công nghệ nhân giống, trồng và thu hoạch, sơ chế cây đương quy Nhật Bản, giảo cổ lam và đan sâm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội huyện Nam Trà My; xây dựng mô hình nhân giống cây giảo cổ lam (diện tích 1.000m2), đương quy Nhật Bản (2.000m2) và đan sâm (2.000m2).
Xây dựng mô hình sản xuất dược liệu giảo cổ lam (10ha, sản lượng 40 tấn), đương quy Nhật Bản (10ha, sản lượng 20 tấn), đan sâm (10ha, sản lượng 40 tấn). Xây dựng mô hình sơ chế và bảo quản 3 loại dược liệu: giảo cổ lam (40 tấn), đương quy (20 tấn), đan sâm (40 tấn). Đào tạo 10 kỹ thuật viên và tập huấn cho 200 lượt nông dân vùng triển khai dự án nắm vững các quy trình kỹ thuật sản xuất.
Dự án cũng xây dựng nhà kho chứa vật tư, vật liệu chuẩn bị sản xuất giống dược liệu với diện tích 200m2; khu vực sơ chế dược liệu tại thôn 3, xã Trà Nam với hệ thống bể rửa dược liệu, sân phơi diện tích 150m2, lò sấy có công suất 1 tấn/ngày.
Về lợi nhuận từ các mô hình sản xuất, theo Ban chủ nhiệm đề tài, lợi nhuận từ cây đương quy Nhật Bản, cây đan sâm và giảo cổ lam cao gấp 4 lần so với trồng lúa, gấp 13 - 14 lần so với trồng bắp.
Dự án được đánh giá có giá trị thực tiễn, các mô hình sản xuất cây dược liệu có khả năng nhân rộng. Hội đồng khoa học đã góp ý để tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, quy trình khoa học và công nghệ trong nhân giống, trồng và chăm sóc, sơ chế và chế biến các loại dược liệu nói trên, đáp ứng yêu cầu đặt ra theo kế hoạch được giao.