Ứng dụng ra đa hàng hải trên tàu cá: Vì những chuyến biển an toàn

VIỆT NGUYỄN 09/10/2019 10:52

Chủ trì Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng ra đa hàng hải và tiêu phản xạ góc trên tàu cá xa bờ, góp phần bảo đảm an toàn cho tàu cá và thuyền viên” của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, đề tài cần được hoàn thiện một số nội dung để có thể nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tàu cá QNa-93789 của ngư dân Phạm Hiên sản xuất an toàn hơn với ứng dụng ra đa hàng hải và tiêu ra đa phản xạ góc. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tàu cá QNa-93789 của ngư dân Phạm Hiên sản xuất an toàn hơn với ứng dụng ra đa hàng hải và tiêu ra đa phản xạ góc. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Đảm bảo an toàn

Những lần thả lưới trong các chuyến biển gần đây của tàu vỏ thép QNa-93789 hành nghề lưới rê hỗn hợp, chủ tàu Phạm Hiên (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) không phải bố trí 1 thuyền viên xuống thuyền thúng để giữ lưới nhằm tránh các phương tiện trên biển làm rách lưới, trôi lưới. Trên vàn lưới rê có 12 cờ lưới, anh Hiên được Chi cục Thủy sản Quảng Nam bố trí 6 cọc tiêu ra đa phản xạ góc ngắn 3m, kích thước 25cm bố trí gần tàu và 6 cọc tiêu dài 4m, kích thước 30cm bố trí xa tàu. Qua ra đa hàng hải lắp đặt trên tàu vỏ thép, anh Hiên quan  sát các hình ảnh từ cọc tiêu này, kiểm soát tốt vàn lưới, tránh bị hư hỏng cũng như chủ động di chuyển tàu cá đến vàn lưới để thu cờ lưới, tiết kiệm thời gian và nhiên liệu trong quá trình sản xuất. “Nhờ quan sát các tín hiệu phản xạ từ các tiêu ra đa nên tôi và các thuyền viên yên tâm sản xuất. Cọc tiêu ra đa thay cho thuyền viên giữ lưới nhằm giảm thiểu tai nạn trên biển do va chạm với tàu cá khác” - anh Hiên nói.

Ngư dân Hồ Tấn Kha (xã Tam Hải, Núi Thành) - chủ tàu câu mực khơi QNa-90956 cùng các bạn biển cũng yên tâm hơn với các chuyến câu mực khơi của mình. Tàu QNa-90956 của anh Kha được Chi cục Thủy sản Quảng Nam lắp đặt 1 máy ra đa hiệu Koden MDC-2010, cánh quét 6 feed, thang đo 72 hải lý, công suất phát 12kW với ăng ten ra đa ở nắp ca bin tàu. Ở mỗi thúng câu mực của 30 thuyền viên, bố trí 1 cọc tiêu ra đa phản xạ góc. Qua hình ảnh từ cọc tiêu truyền về ra đa, anh Kha quan sát được hoạt động của 30 thuyền thúng. “Nghề câu mực khơi bám biển quanh năm, mỗi chuyến biển kéo dài chừng 3 tháng, trong đó mỗi thuyền viên sản xuất riêng lẻ trên thuyền thúng cách xa tàu lớn, tiềm ẩn rủi ro, tai nạn. Lắp cọc tiêu ra đa, tôi và các bạn biển có thể chủ động ứng phó sự cố nếu không may phát hiện thuyền thúng bị chìm, bị lật do thời tiết thất thường trên biển” - anh Kha nói.

Ông Trần Quang Kiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng ra đa hàng hải và tiêu phản xạ góc trên tàu cá xa bờ, góp phần bảo đảm an toàn cho tàu cá và thuyền viên”. Ông Kiến cho biết, Quảng Nam hiện có 205 tàu lớn sản xuất bằng 2 nghề lưới rê hỗn hợp và câu mực khơi. Qua triển khai đề tài, đã cho thấy tính thiết thực vì đảm bảo an toàn cho người và phương tiện sản xuất trên các vùng biển xa. “Các phương tiện hàng hải hay tàu cá có trang bị ra đa khi đi vào khu vực có hoạt động của tiêu ra đa trên vàn lưới rê hỗn hợp hoặc thuyền thúng câu mực sẽ sớm phát hiện, tránh va chạm gây tai nạn. Các chủ tàu cá có lắp đặt ra đa sẽ quan sát mọi hoạt động của thuyền viên, vàn lưới nhờ hình ảnh phản xạ về nên chủ động sản xuất” - ông Kiến nói.

Sẽ nhân rộng

Tại buổi nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng ra đa hàng hải và tiêu phản xạ góc trên tàu cá xa bờ, góp phần bảo đảm an toàn cho tàu cá và thuyền viên” tổ chức vào ngày 8.10, một số đại biểu cho rằng đề tài chưa nghiên cứu nguy cơ sấm sét tác động lên các cọc tiêu ra đa phản xạ góc. Do đó, khi nhân rộng, các thuyền trưởng, chủ tàu cá cần lưu ý điều kiện thời tiết thất thường trên biển, nguy cơ dông, lốc, sấm chớp để tránh tác động xấu, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện sản xuất.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, rất cần thiết lắp đặt ra đa và tiêu ra đa phản xạ góc phục vụ sản xuất xa bờ của các tàu công suất lớn. “Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh có quyết định nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh, áp dụng cho 782 tàu cá sản xuất xa bờ, giúp ngư dân yên tâm và chủ động sản xuất” - ông Ngô Tấn nói. Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ Chi cục Thủy sản Quảng Nam nghiên cứu để có thể đề xuất UBND tỉnh áp dụng các cơ chế, chính sách chuyển giao công nghệ và nhân rộng ứng dụng mô hình. “Các giải pháp sẽ được tính đến là đẩy mạnh tuyên truyền, giúp ngư dân hiểu rõ tính tối ưu của công nghệ này. Để triển khai mô hình rộng rãi, ngư dân cần được hỗ trợ đào tạo bài bản về lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng các thiết bị. Đặc biệt, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh có hỗ trợ về vốn để giúp ngư dân tiếp cận” - ông Ngô Tấn nói thêm.

Theo ông Phạm Viết Tích cho biết, đề tài cho thấy tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã “mặc định” chiều cao và kích thước cạnh của cọc tiêu ra đa lần lượt là 3m, 4m; 25cm, 30cm, 40cm là chưa có cơ sở khoa học dù đã tiến hành thử nghiệm trên tàu cá. Đặc biệt, đề tài đã chưa tính toán rõ công suất phát sóng của ra đa để thu được tín hiệu, hình ảnh hiệu quả nhất. Mà điều này là rất quan trọng vì khi nhân rộng, phải tính toán cụ thể để tiết kiệm chi phí mua thiết bị lẫn nhiên liệu sử dụng. “Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài cần phải nghiên cứu, tính toán, hoàn thiện hệ thống các quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để có cơ sở khoa học thỏa đáng, chính xác, cụ thể mà nhân rộng, thu được hiệu quả tối ưu” - ông Phạm Viết Tích nói. Theo Sở KH-CN, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chủ động sản xuất tiêu ra đa phản xạ góc để trang bị rộng rãi cho tàu sản xuất xa bờ của ngư dân trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng dụng ra đa hàng hải trên tàu cá: Vì những chuyến biển an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO