Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất: Từ dự án đến thực tiễn...

BÍCH LIÊN 09/08/2016 10:00

Dự án cấp bộ “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến một số loại nấm dược liệu và nấm ăn theo phương thức công nghiệp tại tỉnh Quảng Nam” vừa được Sở KH-CN tổ chức nghiệm thu. Tuy nhiên, việc ứng dụng sản phẩm của dự án vào thực tiễn vẫn là bài toán khó.

Làm chủ công nghệ tạo giống

Dự án cấp bộ “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến một số loại nấm dược liệu và nấm ăn theo phương thức công nghiệp tại tỉnh Quảng Nam” do ThS. Nguyễn Văn Thương chủ nhiệm, Trung tâm Ứng dụng & Thông tin KH-CN Quảng Nam chủ trì, Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật - Viện Di truyền nông nghiệp chuyển giao công nghệ. Dự án được thực hiện từ 5.2014 đến 12.2015, với tổng kinh phí 5,5 tỷ đồng. Theo đó, các mô hình sản xuất 6 giống nấm gồm: nấm rơm, nấm linh chi, nấm trân châu, nấm mộc nhĩ, nấm sò và nấm chân dài theo quy mô tập trung (diện tích 500m2) tại trụ sở Công ty Hưng Trung Việt (Tam Kỳ) và phân tán trong dân được triển khai tại 10 hộ và nhóm hộ thuộc nhiều địa phương Đại Lộc, Điện Bàn, Phú Ninh, Núi Thành. Các hộ, nhóm hộ tham gia mô hình sản xuất được dự án hỗ trợ giống, kinh phí để cải thiện cơ sở nuôi trồng và một số điều kiện thiết yếu khác.
ThS. Nguyễn Văn Thương, chủ nhiệm dự án cho hay: “Có thể nói, đến thời điểm này, dự án đã làm chủ hoàn toàn các quy trình công nghệ sản xuất giống nấm cấp I, II, III cũng như các quy trình công nghệ sản xuất nấm thương phẩm, sơ chế, bảo quản nấm từ đơn vị chuyển giao là Viện Di truyền nông nghiệp. Trong khi việc sử dụng giống nấm tại Quảng Nam hiện rất trôi nổi, bấp bênh thì việc làm chủ công nghệ, chủ động tạo nguồn giống sạch bệnh, chất lượng để cung cấp cho thị trường là mục tiêu dự án đạt được. Ngoài các giống nấm truyền thống như nấm rơm, linh chi, mộc nhĩ, nấm sò, dự án còn tiếp cận với hai chủng loại nấm mới du nhập là nấm chân dài, nấm trân châu, tạo sự đa dạng về chủng loại”. Cũng theo ThS. Thương, tại các mô hình trồng nấm dược liệu và thương phẩm, các chủng loại nấm rơm, sò, mộc nhĩ chủ yếu bán tươi ra thị trường; có thể sấy khô, muối, chế biến thành trà đối với nấm linh chi. Việc đa dạng hình thức chế biến, bảo quản nhằm hướng tới nâng cao giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường. Các hộ nằm trong vùng hỗ trợ của dự án đã nắm được công nghệ sơ chế, bảo quản hướng tới đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm của họ đã có thể góp mặt tại các hội chợ, triển lãm.

Cơ sở sản xuất nấm của dự án. Ảnh: B.Liên
Cơ sở sản xuất nấm của dự án. Ảnh: B.Liên

Thách thức khi chuyển giao...

“Dự án kết thúc, các quy trình sản xuất giống sẽ được giao cho cơ quan R&D - Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH&CN. Trung tâm phải là đơn vị có khả năng cung ứng giống nấm, cung cấp meo giống cho thị trường, tạo nguồn giống ổn định, có thương hiệu của tỉnh. Quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến nấm thương phẩm và nấm dược liệu sẽ chuyển giao cho người dân. Sắp tới, Trung tâm Công nghệ sinh học ở Phú Ninh đi vào hoạt động, sẽ là cơ sở thuận tiện để sản xuất giống nấm của tỉnh”.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN)

Tại buổi nghiệm thu mới đây, vấn đề “hậu dự án” được các nhà quản lý và nông dân mổ xẻ. Cụ thể là vấn đề chuyển giao công nghệ; đối tượng hưởng lợi từ dự án; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm từ các quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản từ dự án; giải pháp liên kết, hỗ trợ đầu ra cho nông dân nếu trồng nhân rộng mô hình… ThS. Nguyễn Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ trồng trọt Quảng Nam góp ý: “Khâu chuyển giao công nghệ cần làm rõ hơn, phải đánh giá được mức độ làm chủ công nghệ của người dân ra sao. Cần nghiên cứu về thời vụ trồng, tình hình ảnh hưởng của mưa lũ tới việc cung ứng sản phẩm trên thị trường. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm đối với nông dân cũng hết sức quan trọng”. Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyên ngư tỉnh nhấn mạnh: “Mức độ làm chủ công nghệ trong nhân dân sẽ đánh giá được năng lực chuyển giao, khả năng tiếp nhận và cũng minh chứng được khả năng duy trì và phát triển mô hình khi dự án kết thúc”. Trong khi đó, ThS. Phạm Đình Thành cho rằng, để khâu ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong dân có hiệu quả, cần phải có nguồn giống tốt, đạt chuẩn để hướng tới sản xuất bền vững…

Ông Huỳnh Công Phượng (xã Bình Tú, Thăng Bình), một người tham gia mô hình sản xuất nấm thương phẩm chia sẻ: “Với việc mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị cho nhà xưởng, chi phí đầu tư cho cơ sở trồng nấm của tôi đã lên tới cả nửa tỷ đồng. Vậy nên tôi rất lo là dự án có tiếp tục cung ứng giống nấm thường xuyên để cơ sở của tôi sản xuất ổn định, lâu dài hay không. Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH-CN, đơn vị đầu mối này có thể hỗ trợ việc bao tiêu sản phẩm như các nhà cung ứng giống khác trên thị trường hay không, trung tâm cần nghiên cứu vấn đề này”. Ngoài ra, nguồn giống theo mùa cũng là mối băn khoăn của người trồng nấm. Theo nông dân Hồ Đức Thiện (xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn), dự án nên có giải pháp tạo nguồn giống theo mùa để cung ứng cho thị trường. Ví như, với nấm sò, hiện dự án chỉ sản xuất được giống nấm sò trắng vốn sản xuất thuận lợi vào mùa nắng hạn, nhưng giống nấm sò tím lại phù hợp với tiết mưa, lạnh, vậy dự án cần lưu ý nghiên cứu về giống sò tím này để chủ động về giống.

BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất: Từ dự án đến thực tiễn...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO