Trong lúc thế giới chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh Covid-19, các ứng dụng trên điện thoại thông minh góp phần ngăn chặn dịch bệnh được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia.
Từ tháng 3.2020, tức sau 2 tháng ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, Singapore bắt đầu theo dấu người nhiễm vi rút corona mới qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh.
Với công nghệ Bluetooth, ứng dụng TraceTogether giúp truy vết những người sử dụng điện thoại thông minh có tiếp xúc gần với một người bị nhiễm vi rút và họ được thông báo qua tin nhắn SMS. Nhờ vậy, các cơ quan chức năng có thể nhanh chóng xác định và cách ly những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, ngăn chặn lây lan bệnh.
Hiện có hơn 2 triệu trong tổng số khoảng 5,6 triệu người dân tại Singapore sử dụng ứng dụng trên. Không chỉ người nước ngoài nhập cảnh vào quốc đảo sư tử được đề nghị cài đặt TraceTogether, một số công ty tại đây bắt buộc tất cả nhân viên phải cài đặt ứng dụng này.
Mor Chana là một ứng dụng được thiết kế để giúp các chuyên gia y tế, cơ quan chính phủ và công chúng tại Thái Lan theo dõi lây nhiễm Covid-19 ở nước này. Mor Chana dùng công nghệ GPS và Bluetooth để định vị. Nếu nhân viên y tế sử dụng ứng dụng có thể biết được ai từng tiếp xúc gần với bệnh nhân để tiến hành xét nghiệm và cách ly. Còn với người dùng thông thường có thể dùng để biết được khu vực nào có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 để điều chỉnh kế hoạch đi lại.
Cạnh đó, người dùng có thể gửi thông tin về tình trạng sức khỏe và vị trí của họ để hỗ trợ chính phủ và các bác sĩ theo dõi sự lây lan của vi rút. Ứng dụng được phát triển với sự hợp tác của các tổ chức nhà nước và tư nhân để cung cấp dữ liệu cho Cục kiểm soát dịch bệnh. Thái Lan là một trong số ít các quốc gia đang kiểm soát tốt Covid-19.
Mỹ - quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất do Covid-19 cũng chứng kiến số người tiếp cận ứng dụng truy vết Covid-19 dựa trên công nghệ của Google và Apple tăng cao. Theo thống kê, người dân của 20 bang, chiếm khoảng 45% dân số Mỹ, đã tiếp cận ứng dụng truy vết Covid-19.
Còn Pháp là một trong nhiều quốc gia châu Âu triển khai ứng dụng trên điện thoại để truy vết Covid-19, đó là StopCovid được ra mắt hồi đầu tháng 6 vừa qua. Pháp cho biết ứng dụng được thiết kế để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai bằng cách sử dụng nhật ký điện thoại thông minh để cảnh báo người dùng nếu họ có tiếp xúc gần với người nhiễm vi rút corona mới.
Bộ trưởng phụ trách kỹ thuật số của Pháp, ông Cedric O cho biết, chỉ vài ngày sau khi ra mắt, ứng dụng có hơn 600 nghìn lượt tải về và số người truy cập đang tăng. Ông Cedric O nói: “Đây là một công cụ sức khỏe để ngăn chặn lây lan Covid-19”. Ngoài ra, cơ quan y tế công tại Pháp khuyến nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, tiến hành xét nghiệm nhanh để chống dịch bệnh.
Giữa tháng 6 vừa qua, Chính phủ Đức cũng chính thức đưa ứng dụng truy vết nhanh những người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 để cảnh báo, theo dõi và ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh. Thậm chí mới đây, các quan chức châu Âu cho biết, Ủy ban châu Âu đã giao nhiệm vụ cho gã khổng lồ phần mềm SAP của Đức phát triển một công cụ cho phép liên kết ít nhất 18 ứng dụng truy vết Covid-19 của các nước thành viên để chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới châu Âu. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, để người dân đặt niềm tin truy cập ứng dụng công nghệ truy vết Covid-19 hiệu quả nhất, các cơ quan chức năng cần bảo mật các thông tin cá nhân của người dùng, không thu thập dữ liệu cá nhân khi không thực sự cần thiết.