Ứng phó biến đổi khí hậu: Đa dạng nguồn lực

TRẦN HỮU 28/09/2018 06:18

Từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, ngân sách nhà nước, nhiều công trình hạ tầng được xây dựng khá kiên cố trên địa bàn tỉnh nhằm ứng phó lâu dài với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở các khu vực trực tiếp bị tổn thương.

Việc trồng và khai thác hợp lý dừa nước ở Cẩm Thanh (Hội An) giúp cộng đồng dân cư giảm thiểu rủi ro thiên tai và cải thiện sinh kế bền vững. Ảnh: T.H
Việc trồng và khai thác hợp lý dừa nước ở Cẩm Thanh (Hội An) giúp cộng đồng dân cư giảm thiểu rủi ro thiên tai và cải thiện sinh kế bền vững. Ảnh: T.H

Phát huy hiệu quả

Thời gian gần đây, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của BĐKH cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc, Quảng Nam là một trong số 7 địa phương được hưởng lợi giai đoạn 2017 - 2021, với tổng mức đầu tư dự án hơn 41,7 triệu USD. Ngoài ra, ngân sách trung ương còn đầu tư nhiều công trình kè sạt lở bờ biển Cửa Đại, kè Tam Hải, kè sông Quảng Đại và hàng loạt công trình phục vụ đa mục tiêu đem lại hiệu quả trước đó. Điển hình như dự án cải thiện sinh kế và giảm thiểu rủi ro cho các cộng đồng dễ bị tổn thương như mô hình nhà đa năng tránh bão tại xã Điện Tiến (Điện Bàn), các công trình trạm y tế kết hợp với nhà đa năng tránh bão lũ ở xã Bình Đào (Thăng Bình) và xã Điện Tiến (Điện Bàn). Mô hình kênh mương thủy lợi ở Quế Sơn và Tiên Phước.

Một dự án thành công khác là thí điểm kè 400m ở làng Trà Nhiêu (thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên). Đưa vào sử dụng năm 2012, dự án hầu như khắc phục được tình trạng sạt lở đất, bảo vệ hơn 40ha đất nông nghiệp. Xa hơn, chính quyền xã Duy Vinh đưa ra kế hoạch đẩy nhanh loại hình phát triển du lịch sinh thái làng quê tại đây. Trong số các mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH tại Quảng Nam, Bộ Tài nguyên - môi trường và Chính phủ Đan Mạch đánh giá cao mô hình kênh mương thủy lợi kết hợp giao thông nội đồng. Đây là mô hình vừa đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất vừa tránh lũ, hạn chế sự cô lập các khu vực ngập lụt. Qua đó, năng suất và sản lượng lúa, cây trồng công nghiệp đã được tăng lên, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân dù nguồn lực còn hạn chế.

Sẽ lồng ghép nguồn vốn đầu tư

Theo các địa phương, vốn đầu tư cho công trình thích ứng với BĐKH phần lớn được lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế vùng. Ngân sách tỉnh cho đầu tư dự án liên quan BĐKH rất hạn hẹp. Đơn cử, năm 2017 kinh phí kè đoạn sông sạt lở ở làng Quảng Đại 1 (Đại Lộc) chỉ có 1,5km nhưng cần đến 25 tỷ đồng. Vì thiếu kinh phí, thế nên mỗi mùa mưa bão, hàng chục khu dân cư bên bờ sông Vu Gia, Thu Bồn nơm nớp âu lo. Ngoài kè bờ biển Cửa Đại, giai đoạn 2017 - 2019, tỉnh phân bổ gần 50 tỷ đồng đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ sông Bà Rén phía đông Cầu Chìm (thị trấn Nam Phước). Công trình khi đưa vào sử dụng ngoài phòng chống xói lở bờ sông, còn chỉnh trang cảnh quan, môi trường sinh thái khu vực, nhất là bảo vệ tài sản và tính mạng cho người dân ven sông và khu làng nghề truyền thống. Nhiều địa phương trong tỉnh triển khai các dự án trồng và khôi phục rừng ngập mặn, nạo vét lòng sông, đê biển, kè biển, nhà cộng đồng tránh bão, đường tránh lũ. Sở Tài nguyên - môi trường cho rằng, BĐKH là một lĩnh vực mới, nguồn lực phục vụ lĩnh vực này còn khó khăn, việc đầu tư kinh phí thực hiện nhiệm vụ thích ứng với BĐKH chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng cũng như mục tiêu đề ra. Vì vậy, Quảng Nam sẽ lồng ghép các nội dung về phòng tránh thiên tai vào trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để phân bổ nguồn lực hợp lý cho thích ứng với BĐKH.

Tại TP.Hội An, chính quyền rất lúng túng trong xử lý tình trạng ngập lụt tại địa bàn. Theo tính toán, với báo động 1 (mực nước dâng cao 0,7m) sẽ ngập úng 150ha; với cấp 2 (1,2m) sẽ gây ngập 950ha và báo động 3 (1,7m) sẽ gây ngập úng hơn 2.158ha tại địa bàn. Nguy hiểm hơn, nếu nước dâng lên 3m, thì hầu như toàn bộ diện tích TP.Hội An sẽ ngập chìm trong nước. Trong khi nguồn lực hạn chế, chính quyền địa phương đã có biện pháp tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức cộng đồng như vận động người dân không vứt rác thải bừa bãi ra môi trường, hạn chế và tiến tới loại bỏ sử dụng túi ny lon trong sinh hoạt hàng ngày, sử dụng tiết kiệm điện, nước; tham gia trồng cây xanh, trồng rừng ngập mặn...

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng phó biến đổi khí hậu: Đa dạng nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO