Là xã ven biển, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) đã và đang tìm các giải pháp hiệu quả để giảm nhẹ và thích ứng với thiên tai đang ngày càng khắc nghiệt.
Nâng cao nhận thức
Ở xã Tam Thanh, những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều tác động tiêu cực, để lại hậu quả nặng nề. Nước biển dâng gây xói lở bờ biển. Trong khoảng chiều dài gần 8km đường bờ biển tại đây, có nơi bị nước biển xâm thực đến gần 20m. Tình trạng nhiễm mặn không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn tác động xấu đến sinh hoạt của người dân. Nước ngầm ở các thôn Trung Thanh, Hạ Thanh 1, Hạ Thanh 2 bị nhiễm mặn nghiêm trọng trong vài năm gần đây. Nhiệt độ nước biển tăng cao khiến cho nhiều loại sinh vật biển, đặc biệt là rong biển bị chết nhiều trong những tháng nắng nóng, gây ô nhiễm môi trường biển, nhất là tại khu vực bãi tắm Hạ Thanh. Bên cạnh đó, nắng nóng cũng đã khiến số lượng cây dương liễu thuộc rừng phòng hộ ven biển chết tăng dần qua từng năm. Ông Nguyễn Thanh Lâm - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết: “Biến đổi khí hậu trong những năm gần đây không những khiến cho các hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn mà ngành du lịch tại đây cũng chịu những tác động tiêu cực từ việc suy thoái môi trường”.
Xã Tam Thanh đẩy mạnh công tác trồng rừng ven biển. Ảnh: X.T |
Để giảm nhẹ tác động cũng như tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu, trong những năm qua, xã Tam Thanh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể. Trước tiên, đó là nâng cao nhận thức của người dân trong việc tích cực bảo vệ môi trường biển. Công tác tuyên truyền được tập trung vào vấn đề văn hóa ứng xử với môi trường. Đối với du khách, UBND xã tác động đến nhận thức bảo vệ môi trường thông qua loa phóng thanh đặt tại bãi biển vào mỗi buổi chiều, phát đi những bài viết về tác hại của việc ô nhiễm môi trường biển đến đời sống xung quanh và du lịch, đồng thời kêu gọi các hành động cụ thể để bảo vệ môi trường biển. Với người dân, UBND xã phối hợp với mặt trận và các đoàn thể xây dựng một số mô hình khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào công tác bảo vệ môi trường như: Phong trào phụ nữ với văn hóa ứng xử trong kinh doanh dịch vụ du lịch và bảo vệ môi trường, đoàn viên thanh niên với Ngày thứ Bảy tình nguyện, Chủ nhật xanh, Hội Cựu chiến binh với bảo vệ môi trường biển, chiến dịch ra quân dọn vệ sinh môi trường tại khu du lịch... “Thông qua các hoạt động thiết thực này, chúng tôi muốn nâng cao trách nhiệm của mọi tầng lớp xã hội, coi nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng xử có văn hóa với môi trường là nhiệm vụ quan trọng không chỉ trước mắt mà còn cho lâu dài” - ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết thêm.
Chú trọng trồng rừng
Ngoài công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, xã Tam Thanh cũng đặt ra giải pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức cho toàn dân về hậu quả của biến đổi khí hậu, những liên quan của biến đổi khí hậu đến đời sống và phát triển du lịch biển. Trong các đợt tuyên truyền chuyên đề hoặc lồng ghép, UBND xã đã tập trung vận động người dân và du khách khi khai thác hoặc hưởng lợi du lịch tại biển Tam Thanh, cần sử dụng nguồn nước biển, nguồn nước trong lòng đất, tài nguyên cát biển, hệ sinh thái biển và ven bờ tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt. Địa phương cũng đã triển khai xây dựng hệ thống nước sạch tại 5/7 thôn để phục vụ sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó, các dự án, công trình phát triển du lịch hay nhà ở dân sinh cũng được hoạch định xây dựng dựa trên nguyên tắc thích ứng với biến đổi khí hậu. UBND xã đã triển khai xây dựng một khu nhà đa năng tránh bão kết hợp với trạm y tế xã, đồng thời xây dựng các khu dân cư để bố trí cho các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở di dời đến sinh sống ổn định. Đê kè chắn sóng cũng đã được xây dựng với tổng chiều dài 3,5km để ngăn xói lở, nước biển xâm thực. Nhà ở của người dân được vận động xây dựng tại các địa điểm phù hợp, an toàn, với các vật liệu và kỹ thuật xây dựng thích nghi tốt với khí hậu khắc nghiệt.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, giải pháp quan trọng nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu, đó là phát huy môi trường cây xanh hiện hữu và tích cực trồng rừng. Khi các dự án, công trình được triển khai trên địa bàn xã, UBND xã phối hợp với các cơ quan chức năng để hạn chế đến mức thấp nhất việc chặt phá cây xanh, đồng thời chọn địa điểm xây dựng phải cách hệ thống kè biển 50m để có diện tích đất thực hiện trồng cây xanh, tái tạo môi trường tự nhiên. “Hiện tại, xã Tam Thanh có gần 100ha rừng phòng hộ ven biển. Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai trồng thêm 20ha nữa với các loại cây chịu được thời tiết khắc nghiệt như: dương liễu, bàng lá vuông và vận động người dân đẩy mạnh trồng rừng trên khoảng 30 đến 40ha đất ven biển của các hộ gia đình để giữ đất, chắn gió, ngăn xói lở, nước biển xâm thực. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu không những có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến các thôn mà còn được vận động sự ủng hộ và thực hiện của người dân” - ông Nguyễn Thanh Bình nói thêm.
XUÂN TRƯỜNG