Bộ Y tế vừa có quyết định thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) tại các tỉnh, thành phố trọng điểm và sẽ có đợt kiểm tra tại Quảng Nam vào cuối tháng 8 này. Ngành y tế tỉnh đang chủ động các phương án để ứng phó với dịch bệnh SXH.
Tính đến đầu tháng 8, trên toàn tỉnh có hơn 1.900 người mắc SXH, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung chủ yếu ở các huyện đồng bằng như Thăng Bình, Điện Bàn... Đặc biệt, dịch SXH đã xảy ra tại một số huyện miền núi như Phước Sơn, Nam Giang; rải rác tại một số địa phương như Đông Giang (17 ca mắc), Nông Sơn (16 ca mắc)... Bác sĩ Tơ Ngôn Vui - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện ghi nhận 99 ca mắc SXH. Cùng với đó, tại Nam Giang cũng đã xuất hiện 2 trường hợp mắc bệnh sốt rét tại khu vực xã Chà Vàl. Trong 6 tháng đầu năm, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam), toàn tỉnh ghi nhận thêm 21 ca mắc sốt rét, chủ yếu tập trung ở huyện miền núi Nam Trà My.
Đây là thời điểm bắt đầu bước vào mùa dịch SXH, bởi diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Dự báo thời gian tới số ca mắc bệnh SXH sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng. Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết, để tăng cường công tác phòng chống dịch SXH, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức ba chiến dịch lớn diệt lăng quăng ngay từ tháng 7.2019 đến hết năm, kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích phòng chống SXH, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao và các địa điểm tập trung đông người như chợ, trường học, bến xe, bến tàu, bệnh viện. “CDC Quảng Nam phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tích cực rà soát, giám sát các ổ dịch. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp nhận, điều trị các trường hợp mắc bệnh, không để xảy ra trường hợp mắc SXH bị tử vong. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức truyền thông cho người dân diệt lăng quăng, bọ gậy với phương châm: “Không có bọ gậy, loăng quăng, không có SXH” - ông Kiệm chia sẻ.
Để chủ động dập dịch, tại các địa phương, trung tâm y tế đã cử lực lượng đến những nơi xuất hiện ổ dịch để thực hiện các biện pháp phun thuốc diệt muỗi, khống chế không để bệnh lây lan. Ông Tơ Ngôn Vui cho biết thêm, huyện Nam Giang đã tổ chức nhiều đợt truyền thông cho người dân nâng cao ý thức chủ động phòng chống bệnh SXH và sốt rét như tổ chức tuyên truyền lưu động, tuyên truyền tại các buổi họp dân về phòng chống bệnh SXH, phát động ra quân làm vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, tăng cường việc giám sát, phát hiện ca bệnh tại cộng đồng…
Ông Trần Văn Kiệm cho biết thêm, hiện nay CDC Quảng Nam đã có công văn gửi các đơn vị tích cực tăng cường truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền rộng rãi tới người dân và cộng đồng thực hiện vệ sinh môi trường, phát động phong trào diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH cũng như truyền thông phòng, chống SXH lồng ghép các hoạt động khám chữa bệnh... Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân khi có triệu chứng sốt, nhức mỏi, chảy máu chân răng, mũi..., người bệnh phải đến cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất để khám và xét nghiệm. Người bệnh tuyệt đối không được tự mua thuốc về uống, đến khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện, khiến cho việc điều trị phức tạp hơn và nguy cơ tử vong cao hơn. “Hiện nay mới là đầu mùa dịch bệnh, do đó người dân cần nâng cao nhận thức trong việc phòng chống bệnh SXH và sốt rét, đặc biệt là trong cao điểm mùa mưa sắp tới, là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi, dễ dẫn đến phát sinh dịch bệnh diện rộng” - ông Kiệm chia sẻ thêm.