Ứng phó khô hạn vụ hè thu

NGUYỄN SỰ 21/04/2016 08:44

Hôm qua 20.4, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị sơ kết vụ đông xuân 2015 - 2016 và triển khai kế hoạch sản xuất hè thu 2016. 

Lắp đặt máy bơm dã chiến tại xã Bình Định Bắc (Thăng Bình) để đối phó với hạn trong vụ hè thu sắp tới.Ảnh: VĂN SỰ
Lắp đặt máy bơm dã chiến tại xã Bình Định Bắc (Thăng Bình) để đối phó với hạn trong vụ hè thu sắp tới. Ảnh: VĂN SỰ

Tại hội nghị, hầu hết ý kiến của lãnh đạo ngành liên quan và chính quyền các địa phương đều cho rằng, vụ đông xuân năm nay thời tiết quá cực đoan, các loại sâu bệnh nguy hiểm liên tục bùng phát nên năng suất lúa, đậu phụng ở rất nhiều nơi bị tụt giảm mạnh. Trong khi đó, cơ quan chuyên môn dự báo, vụ hè thu sắp tới lĩnh vực trồng trọt sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhất là khô hạn có nguy cơ hoành hành khốc liệt…

Đông xuân mất mùa diện rộng

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam bên lề hội nghị, ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, vụ đông xuân 2015 - 2016 nông dân toàn huyện gieo sạ 2.400ha lúa. Do trong vụ nắng nóng kéo dài nhiều đợt, hệ thống thủy lợi ở nhiều địa phương chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên có 500ha lúa mất trắng vì bị khô hạn nghiêm trọng. Trừ số diện tích mất trắng vừa nêu, 1.900ha lúa còn lại cũng bị thiệt hại nặng vì thời tiết quá khắc nghiệt và chuột cùng nhiều đối tượng sâu bệnh nguy hiểm gây hại. Ông Hiệu nói: “Theo thống kê mới nhất, vụ này năng suất bình quân của 1.900ha lúa đó chỉ đạt 45 tạ/ha, giảm 5 tạ/ha so với đông xuân năm ngoái. Nguyên nhân chính là khi lúa trổ đòng rộ bị dính phải những đợt mưa lạnh nên xảy ra hiện tượng lem lép - thối hạt trên diện rộng. Bên cạnh đó, từ giữa đến gần cuối vụ, bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng bùng phát mạnh”.

Còn ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn thì cho hay, đông xuân này nông dân trên địa bàn huyện canh tác 3.793ha lúa. Tính đến sáng qua 20.4, nhà nông đã gặt được 90% diện tích và dự kiến 5 ngày nữa là thu hoạch xong. Theo ông Châu, qua đánh giá tại nhiều địa phương cho thấy mùa lúa đông xuân năm nay năng suất bình quân toàn huyện chỉ đạt 43 tạ/ha, giảm 10,7 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm trước. Ông Châu cho rằng, sở dĩ năng suất lúa giảm mạnh như vậy là do thời tiết quá cực đoan và nhiều đối tượng sâu bệnh tấn công trên diện rộng.

Thu hoạch vụ lúa đông xuân. Ảnh: VĂN SỰ
Thu hoạch vụ lúa đông xuân. Ảnh: VĂN SỰ

Không chỉ 2 huyện vừa nêu, vụ lúa này rất nhiều địa phương khác cũng chung tình trạng mất mùa. Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đông xuân 2015 - 2016 nông dân toàn tỉnh sản xuất 42.873ha lúa. Mặc dù cơ cấu giống, lịch thời vụ được ngành nông nghiệp, chính quyền cơ sở, nông dân tuân thủ nghiêm nhưng do diện tích lúa chủ động nước gặp lạnh ở giai đoạn phân hóa hoa bị thoái hóa đầu bông, đặc biệt là vì ảnh hưởng của lạnh ở thời kỳ phân bào giảm nhiễm (trước khi trổ 10 - 15 ngày) làm cho các trà lúa trổ đòng rộ từ đầu đến giữa tháng 3.2016 bị lép rất cao, nặng nhất là các giống BC15, KD18. Không chỉ vậy, có trà lúa trổ từ ngày 24 đến 28.3 gặp trời mưa lạnh nên bị lem lép hạt bởi quá trình thụ phấn - thụ tinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, mưa ẩm cũng là điều kiện hết sức thuận lợi cho một số loại bệnh phát sinh và gây hại nặng, nhất là bệnh đạo ôn, thối hạt… chủ yếu trên giống lúa OM4900, OM6976. Ông Muộn nói: “Vì những nguyên nhân chính yếu đó nên mùa lúa này năng suất bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 51,3 tạ/ha, giảm 4 tạ/ha so với đông xuân năm trước. Năng suất tụt mạnh nên tổng sản lượng lúa của tỉnh đạt chừng 219.863 tấn, giảm 20.540 tấn so với năm ngoái”.

Đâu riêng cây lúa, vụ này đậu phụng cũng mất mùa nặng. Ông Lê Văn Thanh - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Đại Lộc cho biết, đông xuân năm nay nông dân địa phương gieo trồng 1.000ha đậu phụng. Theo thống kê, năng suất bình quân đạt khoảng 22 - 24 tạ/ha, giảm 2 - 3 tạ/ha so với mùa trước. Ông Thanh cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là giai đoạn đầu vì mưa lạnh xuất hiện nhiều đợt nên hầu hết ruộng đậu phụng đều sinh trưởng và phát triển kém. Đến khi cây đậu ra hoa và hình thành trái thì nắng hạn kéo dài, rồi nhiều loại nấm bệnh nguy hiểm như thối gốc mốc đen, thối gốc mốc trắng, héo xanh vi khuẩn bùng phát mạnh. Tại huyện miền núi Nông Sơn, tình hình cũng không khá hơn. Ông Nguyễn Đình Sử - Phó phòng NN&PTNT Nông Sơn nói: “Vụ này, nông dân trên địa bàn huyện canh tác hơn 140ha đậu phụng, qua khảo sát tại nhiều vùng cho thấy năng suất bình quân chỉ đạt 12,3 tạ/ha, giảm 5,7 tạ/ha so với mùa trước”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đông xuân năm nay nông dân toàn tỉnh sản xuất 8.900ha đậu phụng. Năng suất bình quân ước đạt 19,6 tạ/ha, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 0,7 tạ/ha. Ông Lê Muộn nói: “Nguyên nhân khiến năng suất đậu phụng giảm cũng vì lúc cây đậu đồng loạt bước vào thời kỳ ra hoa, đâm tia, tạo quả thì gặp thời tiết rét lạnh kéo dài”.

Tập trung đối phó khô hạn

Cần xây dựng phương án phù hợp ứng phó với hạn hán

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ngành nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền các địa phương ngay từ bây giờ phải chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai sản xuất vụ hè thu 2016 theo đúng cơ cấu giống và lịch thời vụ. Nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các đơn vị liên quan phải gấp rút xây dựng bài bản các phương án phòng chống phù hợp với điều kiện canh tác ở từng vùng. Đồng thời sớm kiểm tra, rà soát để kịp thời đầu tư tu bổ các hồ đập, hệ thống kênh mương và những công trình thủy lợi trọng yếu khác.  “Bên cạnh những nhiệm vụ đó thì ngành thủy lợi, chính quyền, mặt trận, các hội đoàn thể phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng nước tưới một cách triệt để tiết kiệm. Ngoài ra, tích cực hướng dẫn nhà nông áp dụng hiệu quả phương thức tưới ướt - khô xen kẽ. Đặc biệt, đối với những vùng sản xuất lúa thường bấp bênh nước tưới thì cần lập phương án cụ thể và hỗ trợ nông dân chuyển sang canh tác các loại cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Theo ngành nông nghiệp, ngoài việc gieo trồng 8.000ha bắp, 8.800ha rau đậu các loại thì vụ hè thu 2016 sắp tới nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai sản xuất 42.500ha lúa. Thời gian xuống giống số diện tích lúa vừa nêu bắt đầu từ ngày 20.5 và kết thúc vào 10.6.2016. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo nhà nông cần phải sử dụng các loại giống lúa trung và ngắn ngày nhằm đảm bảo thu hoạch xong trước ngày 10.9.2016 để lách tránh những yếu tố bất lợi của thời tiết vào thời điểm cuối vụ, nhất là mưa bão, lũ lụt.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề đáng lo nhất trong vụ hè thu 2016 là tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn, rất nhiều khả năng sẽ diễn biến hết sức phức tạp. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, theo kế hoạch vụ tới nông dân địa phương triển khai gieo sạ 3.700ha lúa. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay tất cả 8 hồ chứa trên địa bàn huyện, nhất là hồ Vĩnh Trinh, Phú Lộc, Thạch Bàn, Khe Cát, Cây Sơn mực nước dự trữ đã tụt giảm 0,5 - 2m so với cùng kỳ năm trước. Ông Năm nói: “Nếu trong thời gian đến nắng nóng vẫn cứ kéo dài và hạ du sông Thu Bồn bị mặn xâm nhập với nồng độ cao thì chắc chắn rằng trong tổng số 3.700ha lúa đó sẽ có ít nhất 1.800ha bị thiếu nước tưới trầm trọng”.

Không chỉ huyện Duy Xuyên, nông dân ở nhiều nơi khác cũng đang rất lo lắng cho việc sản xuất lúa và các loại cây trồng cạn trong vụ hè thu 2016. Bởi, hiện nay ngoài 17 hồ chứa có quy mô vừa và lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý đều có mực nước thấp hơn so với cùng kỳ thì 33 trong tổng số 56 hồ chứa nhỏ do chính quyền các địa phương quản lý, vận hành cũng có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường 1 - 2m. Theo dự kiến, nếu từ nay đến cuối tháng 8.2016 không có lượng mưa bổ sung lớn thì toàn tỉnh sẽ có không dưới 15.000ha lúa và hoa màu bị khô hạn.
Ông Nguyễn Đình Hải - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, để chủ động đối phó với tình trạng hạn hán có nguy cơ xảy ra trên diện rộng, thời gian qua đơn vị đã khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, bên cạnh việc đắp đập bổi ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện tại khu vực Tứ Câu thuộc phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) thì công ty cũng đã tiến hành nạo vét kênh dẫn nước và bể hút trạm bơm điện Ái Nghĩa của huyện Đại Lộc. Đồng thời nhanh chóng lắp đặt một số trạm bơm dã chiến tại những khu vực thường xuyên bị thiếu nước tưới ở các địa phương khác. Đặc biệt, cách đây vài ngày, từ nguồn kinh phí chống hạn của tỉnh, công ty đã đầu tư 450 triệu đồng đắp tuyến đập ngăn mặn trên sông Thu Bồn tại khu vực Cầu Đen thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Con đập này có chiều dài 45m, cao 4m, mặt đập rộng 3m. Ông Hải nói: “Tuyến đập này hình thành sẽ tạo nguồn nước ngọt cho trạm bơm điện Xuyên Đông và trạm bơm điện 19.5 của huyện Duy Xuyên hoạt động ổn định nhằm đảm bảo chủ động cung ứng nước tưới cho khoảng 1.000ha lúa của thị trấn Nam Phước và 2 xã Duy Phước, Duy Vinh trong vụ hè thu 2016 sắp tới”.

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng phó khô hạn vụ hè thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO