(QNO) - Năm 2018, nhiều loại động vật trên cạn và dưới nước ở Quảng Nam mắc bệnh. Theo kế hoạch, UBND tỉnh dành tổng ngân sách hơn 16,4 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh gần 12,4 tỷ đồng) để thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2020.
Nhiều loại động vật mắc bệnh
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh có hơn 760 con chó cắn người trong tình trạng mắc bệnh, lên cơn dại.
Trong năm, bệnh lở mồm long móng xảy ra ở 200 hộ của 25 xã, thị trấn thuộc 12 huyện của tỉnh với 621 con gia súc mắc bệnh. Một số bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm cũng thường xuyên xảy ra nhưng nhờ phát hiện, xử lý kịp thời, không gây thành dịch.
Đối với động vật thủy sản, bệnh đốm trắng trên tôm nuôi đã xuất hiện ở các địa phương, chủ yếu trên tôm thẻ chân trắng. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị bệnh 45,41ha. Số xã có bệnh đốm trắng và diện tích mắc bệnh tăng hơn so với năm 2017 là 2 xã, diện tích 38,43ha.
Năm 2018, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi đã xảy trên diện tích 11,35ha. Bệnh do biến đổi môi trường cũng thường xuyên xuất hiện, xảy ra ở hầu hết các vùng nuôi động vật thủy sản (tôm, nghêu) trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích nuôi động vật thủy sản bị bệnh 103,1ha.
Ngoài ra, có khoảng 0,15ha nuôi cá trắm cỏ tại xã Trà Sơn (huyện Bắc Trà My) và 7 lồng/8m3 cá chẽm nuôi trên sông bị chết do môi trường tại xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành).
Đáng mừng là 16 tháng qua, Quảng Nam không xảy ra ổ dịch cúm gia cầm và 27 tháng qua, không xảy ra dịch tai xanh ở heo.
Chủ động ngăn ngừa, khống chế
UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 tại Quyết định số 64/QĐ-UBND nhằm chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật; hạn chế thiệt hại do dịch bệnh xảy ra, đảm bảo cho ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững; bảo vệ sức khỏe con người và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh công tác tổ chức, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, UBND tỉnh đề ra giải pháp kỹ thuật là tiêm vắc xin phòng bệnh, giám sát, chẩn đoán xét nghiệm bệnh; điều tra ổ dịch, các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch, vệ sinh, khử trùng tiêu độc; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý hoạt động kinh doanh thuốc thú y; quản lý người hành nghề thú y; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi...
Cụ thể, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức tiêm phòng tập trung vào 2 đợt chính. Đợt 1 từ tháng 2 đến tháng 3 hằng năm; đợt 2 từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Riêng đối với chó, mèo nuôi, tiêm đợt chính vào tháng 5 và tháng 6 hằng năm.
Ngoài thời gian tiêm phòng định kỳ theo đợt chính nêu trên, các địa phương tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh, đàn gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ.
Nguồn ngân sách tỉnh phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh (chưa tính vắc xin, hóa chất dự trữ chống dịch) gần 12,4 tỷ đồng; ngân sách trung ương hơn 4 tỷ đồng.
UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn, các quy định khác có liên quan của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường, phòng chống bệnh truyền nhiễm và hướng dẫn.
CHÂU NỮ