Để chủ động ngăn ngừa sự cố bức xạ hạt nhân trong luyện cán thép không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, nhà máy sản xuất mà cả các cơ sở thu mua thép phế liệu cũng cần trang bị kiến thức liên quan.
Đầu tư thiết bị mới
Dự án đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp công suất 180.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư khoảng 980 tỷ đồng; diện tích 17,3 ha đặt tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang đã được thẩm định công nghệ và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Thiết bị đo suất liều và nhận diện nguồn phóng xạ . |
Công nghệ luyện cán thép từ phế liệu của Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp không thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc cấm chuyển giao theo Nghị định số 120/2014/NĐ-CP ngày 17.12.2014 về việc sửa đổi bổ sung Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31.12.2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. Công suất của nhà máy là 180.000 tấn sản phẩm/năm; trong đó: 100.000 tấn phôi thép/năm, 80.000 tấn thép thành phẩm/năm. Dây chuyền thiết bị sản xuất phôi thép với 6 cặp lò cảm ứng điện từ trung tần công suất 30 tấn/lò; dây chuyền thiết bị cán thép thành phẩm với 2 máy đúc phôi liên tục R 8.0-3 dòng; hệ thống máy cán D6-D8 và hệ thống máy cán D10-D32. Các thiết bị chính phục vụ sản xuất của dự án mới 100%, sản xuất năm 2016 do Trung Quốc sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu. So với công nghệ điện trở, lò hồ quang thì công nghệ lò cảm ứng điện từ ít tác động đến môi trường. So với công nghệ đúc khuôn thì công nghệ đúc liên tục tiết kiệm và năng suất cao. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa vào ngày 16.11.2016.
Máy đo nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt. |
Nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thép của nhà máy từ 2 nguồn chính: sắt thép phế liệu trong nước từ các cơ sở thu mua phế liệu và sắt thép phế liệu nhập khẩu. Đối với nguồn sắt thép phế liệu nhập khẩu tiềm ẩn nguy cơ có lẫn các nguồn phóng xạ hoặc có chứa các vật liệu bị nhiễm bẩn phóng xạ từ nước ngoài vào Việt Nam qua cửa khẩu biên giới: Nam Giang - Đắc Tà Oọc, cảng Kỳ Hà… Tại các cửa khẩu chưa được trang bị thiết bị ghi đo bức xạ chuyên dụng để có thể phát hiện chất phóng xạ hoặc vật liệu bị nhiễm xạ. Do vậy, sắt phép phế liệu nhiễm bẩn phóng xạ hoặc chứa nguồn phóng xạ hoàn toàn có thể được vận chuyển qua các cửa khẩu. Đối với nguồn sắt thép phế liệu trong nước thông thường các nguồn, thiết bị chứa nguồn là kim loại và có thể di chuyển đến hơn 219 cơ sở thu gom tái chế tập trung chủ yếu ở các huyện, thị đồng bằng của tỉnh và các cơ sở thu gom tái chế từ các tỉnh, các khu khai thác khoáng sản. Trong khi đó các cơ sở lại ít hiểu biết thông tin về nguồn phóng xạ, nguy hiểm phóng xạ và không có thiết bị ghi đo bức xạ, phát hiện nguồn, đo nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt.
Chủ động ứng phó
Tỉnh Quảng Nam, Bộ Khoa học và công nghệ phê duyệt “Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” theo Quyết định số 3478/QĐ-BKHCN ngày 14.11.2016. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp tỉnh theo Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 812/2016 gồm 14 thành viên; đồng ý đầu tư trang bị các thiết bị ghi đo bức xạ, phát hiện nguồn, đo nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt, các dụng cụ phục vụ ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân. Đây là cơ sở để chỉ đạo, phối hợp các cơ quan trung ương, địa phương, các cơ sở để triển khai hiệu quả các hoạt động ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. |
Thực tế, tại nhiều quốc gia trên thế giới đã phát hiện các vụ việc liên quan đến sắt thép phế liệu bị nhiễm phóng xạ. Vì vậy, trước nguy cơ sắt thép phế liệu có lẫn nguồn phóng xạ hoặc vật liệu nhiễm xạ có thể được tái chế để phục vụ xây dựng nhà cửa, ngoài công tác tuyên truyền kiến thức an toàn bức xạ, cần phải có giải pháp kỹ thuật giám sát phóng xạ ở các cơ sở thu mua, tái chế sắt thép phế liệu và các nhà máy cán luyện thép. Đối với các nhà máy cán luyện thép ngoài việc đầu tư các thiết bị xử lý phế liệu để làm sạch phế liệu trước khi đi vào công đoạn nấu luyện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm khí thải, chủ đầu tư đặc biệt cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ - hạt nhân tại địa phương để có biện pháp hỗ trợ, theo dõi, phát hiện chất phóng xạ, vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ và các nguồn phóng xạ lẫn trong phế thải kim loại, trong phôi thép bán thành phẩm.
Riêng nhà máy luyện thép cần xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố trong trường hợp phát hiện thép phế liệu nhập khẩu hoặc thu mua trong nước có lẫn nguồn phóng xạ hoặc vật liệu bị nhiễm xạ trình cơ quan quản lý nhà nước xem xét và phê duyệt. Việc xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố sẽ giúp nhà máy ứng phó cũng như hạn chế thấp nhất thiệt hại khi sự cố xảy ra.
Trong thời gian đến, các Sở Khoa học và công nghệ trong vùng (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) sẽ nghiên cứu tham mưu UBND các tỉnh ban hành cơ chế phối hợp, liên kết vùng trong ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân nhằm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, trang thiết bị để ứng phó với các sự cố bức xạ hạt nhân xảy ra trên địa bàn.
LÊ MINH THẢO (SỞ KH-CN)