Ứng phó tình huống vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2: Chọn kịch bản "vỡ đập đất"

HỮU PHÚC 10/03/2014 08:36

Lựa chọn kịch bản nào tối ưu; có tình trạng “quả bom nước” không khi vỡ đập; hệ thống cảnh báo, các phương án triển khai ra sao để giảm nhẹ thiệt hại vùng hạ du... là những vấn đề đã được xới lên tại cuộc họp liên quan đến việc lựa chọn kịch bản ứng phó tình huống vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 do UBND tỉnh tổ chức mới đây.

  • 5 tỷ đồng trang bị con lắc quan trắc đập Sông Tranh 2
  • Tìm phương án giảm nhẹ thiệt hại nếu xảy ra sự cố tại thủy điện Sông Tranh 2
  • Hỗ trợ thêm 24 tháng lương thực và 8,3 tỷ đồng cho người dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2
  • Cấp 259 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ tái định cư thủy điện Sông Tranh 2
  • Thủy điện Sông Tranh 2 nước lũ vượt ngưỡng xả tràn
  • Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân vùng thủy điện Sông Tranh 2: Chưa hết vướng!
  • Động đất 3,3 độ richter tại thủy điện Sông Tranh 2
Từng xảy ra hiện tượng rò rỉ nước tại đập tràn công trình thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: H.P
Từng xảy ra hiện tượng rò rỉ nước tại đập tràn công trình thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: H.P

Câu chuyện về độ an toàn của công trình thủy điện Sông Tranh 2 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội trong thời gian qua. Chính vì thế, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (đơn vị chủ quản các nhà máy thủy điện) bổ sung các phương án tính toán, ngoài các tình huống vỡ đập (trong đó có thủy điện Sông Tranh 2) cần tính thêm tình huống xả lũ khẩn cấp để xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du. Từ kết quả khảo sát, lựa chọn một số kịch bản điển hình làm cơ sở để xây dựng phương án phòng, chống lũ hiệu quả nhất.

Đập đất nguy cơ vỡ cao hơn

Theo Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (đơn vị tư vấn), vừa qua, đơn vị phối hợp với chủ đầu tư tiến hành thu thập số liệu thủy văn, khảo sát địa hình, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du ứng với các tình huống vỡ đập công trình thủy điện Sông Tranh 2. Phạm vi khảo sát từ đuôi hồ Sông Tranh 2 xuống hạ du, bao gồm cả sông Thu Bồn, xuống tận biển. Đơn vị tư vấn cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đã tính toán 10 kịch bản vỡ đập giả định cho đập chính và đập đất; 20 kịch bản thời gian vỡ khác nhau dựa trên phân tích, đánh giá, lựa chọn các dạng vỡ có thể theo đặc điểm tự nhiên, điều kiện địa chất nền đập; 6 kịch bản tính toán với dòng chảy tự nhiên khi không có hồ Sông Tranh 2...

Theo ông Nguyễn Tài Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1, sau khi rà soát, phân tích, đối chiếu các thông số kỹ thuật, các chuyên gia trong và ngoài nước thống nhất chọn kịch bản vỡ đập đất. Lý do: kịch bản này có khả năng dễ xảy ra hơn so với các kịch bản khác, đập đất có nguy cơ vỡ cao hơn so với đập bê tông đầm lăn trong tình huống xảy ra các trận lũ đặc biệt lớn. Còn Công ty Thủy điện Sông Tranh (chủ đầu tư) cho rằng, từ kết quả tính toán xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du trong tình huống vỡ đập và do xả lũ khẩn cấp, đơn vị kiến nghị chọn phương án ngập lụt với tần suất lũ 1% để xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt và tổ chức diễn tập. Cũng theo chủ đầu tư, nếu xảy ra vỡ đập đất như kịch bản đã chọn thì với thị trấn Trà My, mực nước khi vỡ đập là 96,3m chỉ ngập các vùng ven sông, suối. Đối với các khu dân cư khác ở hạ lưu ven sông cũng bị ảnh hưởng tương đương với các trận lũ lớn. Cụ thể, tại tuyến đập Sông Tranh 3, cách đập Sông Tranh 2 khoảng 19km, mực nước vỡ đập hơn 61m, lưu lượng 12.100m3/s tương đương với tần suất lũ 1%; tại tuyến đập Sông Tranh 4, cách đập sông Tranh 2 khoảng 33km, lưu lượng vỡ đập khoảng 12.100m3/s tương đương tần suất lũ 2%; tại Nông Sơn, mực nước vỡ đập tương đương lũ 1996, tần suất 25%.

Cần có hệ thống cảnh báo sớm

Theo Trung tâm Phòng, chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên, việc chủ đầu tư mời tư vấn lựa chọn kịch bản giảm nhẹ thiệt hại cho hạ du khi xảy ra tình huống xấu thủy điện Sông Tranh 2 vỡ đập là chuẩn bị kỹ càng, “đi trước một bước” trước khi Bộ NN&PTNT có thông tư hướng dẫn cụ thể với các dự án thủy điện, bản đồ ngập lụt cho khu vực nói chung. Góp ý cho lựa chọn kịch bản, lãnh đạo cơ quan này đặt vấn đề, kịch bản phải giải quyết mấu chốt nỗi lo, mối quan tâm của người dân không phải là mức độ ngập lớn nhỏ mà tần suất, cường độ xả lũ cần tính toán điều tiết phù hợp để giảm bớt thiệt hại cho vùng hạ du.

Với kịch bản vỡ đập đất công trình thủy điện Sông Tranh 2, chủ đầu tư thống kê sẽ có 63 xã, phường của Quảng Nam và TP.Đà Nẵng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo chính quyền các huyện Bắc Trà My, Điện Bàn, Hiệp Đức, nếu vỡ đập thì hậu họa sẽ khó lường và phạm vi ảnh hưởng sẽ rộng lớn hơn. Nhiều vùng trũng thấp luôn đối mặt với nguy cơ chìm trong biển nước nhưng đơn vị tư vấn chưa điều tra, khảo sát đúng thực tế. Ông Đào Bội Thuyên - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho rằng, khoảng cách chu kỳ lặp lại đỉnh lũ lớn có thể là 50 - 60 năm chứ không hẳn phải là 100 năm như đơn vị tư vấn nêu ra phân tích. Trong kịch bản chưa hề đề cập việc thông tin vỡ đập đến với nhân dân, ví như mức độ ngập ở từng khu vực, vị trí khác nhau; dân lánh nạn ở đâu thì an toàn. “Trong mưa gió bão bùng, các hệ thống thông tin liên lạc hầu như bị tê liệt; do vậy, phương án cần tính toán hình thức thông tin nào là thiết thực nhất” - ông Thuyên nói.

Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My đề nghị phải sớm có bản đồ ngập lụt chi tiết, người dân có thể hiểu ngay; kịch bản cũng cần khoanh vùng thêm các đỉnh cao để tản dân. Cùng quan điểm, các ngành chức năng của tỉnh cũng đề xuất chủ đầu tư nhanh chóng xây dựng cảnh báo lũ, phương án phòng chống lũ vùng hạ du; phương án thông tin vỡ đập đến với người dân… Về thắc mắc của dư luận lâu nay có hay không hiện tượng “lũ kép” ở hạ du, nhất là thủy điện Sông Tranh 2 có đúng là “quả bom nước” hay không, các chuyên gia khẳng định rất khó xảy ra vì phải mất khoảng hơn 5 tiếng đồng hồ nước mới đến hạ du. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, đơn vị tư vấn cần đưa nhiều thông số kỹ thuật mang tính thực tiễn, ngoài phương án xả lũ khẩn cấp với tần suất lũ 1% cần đưa thêm một số phương án với tần suất lũ 2%, hoặc 5%; lựa chọn thêm vài kịch bản với tính toán khoa học nhất. Trên cơ sở lưới bản đồ ngập lụt vùng hạ du, cập nhật bổ sung thêm một số địa bàn vùng thấp, sớm xây dựng hệ thống cảnh báo lũ.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng phó tình huống vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2: Chọn kịch bản "vỡ đập đất"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO