Nhiều năm gần đây, Quảng Nam là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) với những hệ lụy tác động trực tiếp đến sản xuất, dân sinh… Quảng Nam đã triển khai nhiều phương án mang tính bền vững, lâu dài để chủ động thích ứng với BĐKH, như thiết lập những “lá chắn xanh”, lồng ghép mục tiêu BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực ứng phó từ cộng đồng...
Rừng dừa nước 2 năm tuổi tại Cẩm Thanh.Ảnh: BÍCH LIÊN |
TÁC ĐỘNG TRÊN NHIỀU MẶT
BĐKH đã tác động nặng nề đến sản xuất, dân sinh. Quảng Nam đang gánh chịu tác động, hậu quả từ BĐKH gây ra trên nhiều lĩnh vực, ở mức báo động.
Nhiễm mặn, hạn hán
BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp và nặng nề, tác động vào mọi lĩnh vực của đời sống. Thấy rõ nhất là tình hình nhiễm mặn, hạn hán và sạt lở trên các sông luôn là câu chuyện thời sự nóng bỏng. Tại hội thảo do Sở KH&CN tổ chức mới đây, TS.Vũ Thị Thu Lan (Viện Địa lý) cho hay, dựa trên kết quả đo độ mặn từ giai đoạn 2011 tới nay, quá trình lan truyền mặn ở Quảng Nam diễn ra phức tạp. Từ năm 2011 tới nay, độ mặn có xu hướng ngày càng tăng, xâm nhập sâu vào thượng lưu một số sông Vĩnh Điện, Thu Bồn, Trường Giang… Theo TS. Lan, ở sông Vĩnh Điện, mặn xâm nhập rất sâu; độ mặn trung bình 1 phần nghìn thường xuất hiện ở kilomet số 21 (tính từ cửa sông Hàn) và lớn nhất ở kilomet số 25; độ mặn trung bình 4 phần nghìn xuất hiện ở kilomet số 12 (tính từ Cửa Hàn) và lớn nhất ở kilomet 21. Trên sông Thu Bồn, độ mặn 1 phần nghìn xâm nhập sâu nhất vào sông ở kilomet thứ 19,2 (cầu Kỳ Lam), tính từ Cửa Đại; độ mặn 4 phần nghìn xuất hiện ở đoạn sông Thu Bồn cách Cửa Đại khoảng 8 - 9km, độ mặn lớn nhất đo được ở điểm quan trắc cách Cửa Đại 17,7km. Trên sông Trường Giang, độ mặn dao động 12 - 15 phần nghìn; càng về phía bắc tại khu vực xã Tam Thăng (Tam Kỳ), hay Bình Nam (Thăng Bình), độ mặn giảm dần. Còn trên sông Tam Kỳ, độ mặn biến đổi ít phức tạp, tuy nhiên đều có xu hướng tăng dần từ 2,6 phần nghìn tới 4,9 phần nghìn…
Đê bao ngăn mặn tại thôn Đông Mỹ, Tam Giang, Núi Thành. Ảnh: BÍCH LIÊN |
Theo ông Nguyễn Ngọc Châu - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, tình trạng nhiễm mặn gần đây đã ảnh hưởng tới tình hình cấp nước tưới của các công trình, hồ đập. Nguyên nhân được ông Châu chỉ rõ là vì BĐKH và nước biển dâng, mưa và dòng chảy suy giảm mạnh, lại phân bố không đều làm cho nước mặn dâng cao theo triều, nhất là giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 8 hằng năm. Cũng theo ông Châu, toàn tỉnh có 6 trạm bơm tưới cho hơn 2.550ha phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước sông Vu Gia. Bảy trạm bơm tưới cho hơn 2.200ha vừa phụ thuộc chủ yếu nguồn nước sông Thu Bồn, vừa phụ thuộc một phần nguồn nước sông Vu Gia và phải chịu ảnh hưởng của triều. Từ năm 2011 trở đi, nước mặn bắt đầu xâm nhập sớm từ tháng 1 đối với tất cả trạm bơm này. Mặn ảnh hưởng tới 3.500ha tưới của trạm bơm Xuyên Đông và Tứ Câu ở vùng Duy Xuyên và Điện Bàn, phải áp dụng nhiều biện pháp ngăn mặn, trong khi phải chủ động chống hạn cho 10.000ha mỗi năm của vùng. Chi phí đắp đập ngăn mặn tại trạm bơm Xuyên Đông, Tứ Câu mỗi năm rất lớn, đây chỉ là những đập tạm thời, thường xuyên bị sạt lở, hư hại, cần phải xây dựng kiên cố chống mặn. Ngành thủy lợi đề xuất phương án xây đập ngăn mặn trên sông Thu Bồn (cầu Câu Lâu), song chỉ mới là đề xuất còn nằm trên giấy…
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, hạn hán và nhiễm mặn gây áp lực lớn cho nền sản xuất nông nghiệp. Nhiều giải pháp ứng phó được đưa ra, tập trung giải quyết những bức thiết của ngành. “Nếu trước mặn chỉ xuất hiện ở thời cao điểm của mùa khô hạn, thì gần đây, mặn xuất hiện từ vụ đông xuân, thời gian tác động vì thế kéo dài, gay gắt nhất là tầm tháng 4 đến tháng 7, tháng 8. Ngưỡng mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền, không gian nhiễm mặn tác động dần và hướng xa biển, xâm nhập vào cửa sông” - ông Muộn nói. Mỗi năm, diện tích bị thiệt hại nghiêm trọng về năng suất do mặn và hạn toàn tỉnh lên tới 3.000ha, bên cạnh hàng chục nghìn héc ta bị ảnh hưởng. “Mặn không chỉ ảnh hưởng tới việc cấp nước của các trạm bơm, mà gần đây, điều khiến chúng tôi bất ngờ là dù nước tưới qua đo đạc vẫn đảm bảo, nhưng cây trồng vẫn bị ảnh hưởng bởi mặn. Đo độ mặn trong đất thấy khá cao, điều này chứng tỏ mặn tích lũy dần trong đất nhiều năm. Sắp tới phải làm lại bản đồ vùng hạn hán và nhiễm mặn vốn đã biến đổi để chủ động ứng phó” - ông Muộn nói.
Áp lực lên di sản
Những tai biến ngập lụt, bão, nhiễm mặn, xói lở bờ biển, cửa sông gây áp lực nghiêm trọng lên Hội An. Theo dự báo của các nhà khoa học, đến năm 2020, mức độ ngập lụt của Hội An sẽ mở rộng trên diện tích hơn 2.900ha với độ sâu 1 - 4m. Tình trạng nước biển dâng, nhiễm mặn ở Hội An cũng diễn biến nghiêm trọng về cả quy mô và hậu quả. Vào mùa khô, toàn bộ nguồn nước mặt ở đô thị Hội An bị nhiễm mặn. Dự tính, đến năm 2020, diện tích đất và nước ngầm có khả năng nhiễm mặn ở thành phố này lên tới 2.700ha (chiếm 50% diện tích thành phố) nếu không kịp thời triển khai biện pháp phòng chống hiệu quả, cấp thiết. Những khu vực bị tổn thương nặng do BĐKH gây ra đã được thành phố xác lập, làm cơ sở để ứng phó. Cụ thể, khối Phước Hòa (phường Cửa Đại) chịu tác động mạnh của bão và xói lở bờ biển; khối An Mỹ (phường Cẩm Châu) chịu tác động mạnh của ngập lụt, nhiễm mặn. Khối An Hội, An Định (phường Minh An) chịu tác động mạnh của ngập lụt; thôn Phước Thắng (xã Cẩm Kim), chịu tác động mạnh của ngập lụt, nhiễm mặn và sạt lở bờ sông…
Tình trạng bờ biển Hội An bị xâm thực nặng nề suốt từ năm 2008 đến nay đã khiến giới chức trách, các nhà khoa học trong và ngoài nước đau đầu tìm giải pháp ứng phó. Để “cứu” di sản, hàng chục cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế đã diễn ra, song đến nay phương án vẫn chưa ngã ngũ, các giải pháp kè ở Hội An chỉ là phương án cấp bách xử lý cục bộ. Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An từng cho rằng, ba năm trở lại đây, biển Hội An liên tục đặt trong tình trạng khẩn cấp, nhiều đoạn ăn sâu vào đất liền. Tình trạng xói lở không diễn tiến theo quy luật. Quá trình xói lở nghiêng dần lên phía bắc, đe dọa đến an toàn của nhiều công trình, hệ thống nghỉ dưỡng dọc bờ biển. Kinh phí đầu tư chống sạt lở đã đổ ra nhiều song vẫn không hiệu quả. Các biện pháp làm đê chắn sóng, tạo bãi, kè bờ đã triển khai. Dù cát có dấu hiệu bồi trở lại nhưng e rằng cứ đến mùa mưa bão thì sẽ bị phá trở lại…
NHỮNG GIẢI PHÁP BỀN VỮNG
Thiết lập “lá chắn xanh”, trồng và phục hồi rừng ngập mặn ở Núi Thành, Hội An cũng như nâng cao năng lực ứng phó từ cộng đồng, lồng ghép biến đổi khí hậu (BĐKH) vào quy hoạch, kế hoạch phát triển chung của tỉnh là những phương án lâu dài để thích ứng với BĐKH.
Rừng ngập mặn; rừng dương chắn sóng chắn gió tại Tam Hải, Núi Thành. Ảnh: BÍCH LIÊN |
Mô hình “lá chắn xanh”
Một thời, nhiều làng quê xã Tam Giang, Tam Hải (Núi Thành) hay Cẩm Thanh (Hội An) phát triển “nóng” nghề nuôi tôm, đã triệt hạ hàng trăm héc ta rừng ngập mặn ven biển từng là sinh cảnh của nhiều loài sinh vật, khiến nguồn lợi thủy sản suy kiệt nghiêm trọng. “Lá chắn xanh” bị vỡ, hậu quả, vùng ven biển phải hứng chịu những trận cuồng phong đánh sập nhà cửa. Trong nỗ lực thiết lập lại “lá chắn xanh”, người dân thôn Đông Xuân (xã Tam Giang, Núi Thành) đã tìm mọi cách lưu giữ diện tích rừng ngập mặn còn lại với các loại đước, mắm, bần, có những cây vài chục năm tuổi. Ông Huỳnh Hoàng - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đông Xuân cho biết: “Nhờ tuyên truyền, người dân trong thôn đã không phá rừng nữa, ai đụng vào rừng, làm hư hại cây rừng sẽ bị tổ cộng đồng quản lý bảo vệ rừng nhắc nhở, xử lý. Người dân hiểu rằng, rừng còn là người còn, cái lợi từ biển rất lớn”. Tại xã Tam Hải (Núi Thành), từ khi triển khai dự án trồng rừng ngập mặn do tổ chức CRS tài trợ, hàng chục héc ta rừng ngập mặn đã hồi sinh, giúp chắn sóng, chắn gió cát. Người dân địa phương cũng bỏ công sức trồng rừng ngập mặn, trồng dương liễu để giữ làng. Tuy vậy, ông Phạm Đức Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho rằng, rừng ngập mặn chỉ phát huy hiệu quả khi tỉnh đầu tư công trình kè xã đảo Tam Hải chống sạt lở, giữ đất, giữ làng.
Dự án trồng và phục hồi rừng dừa nước xã Cẩm Thanh (Hội An) được xem là mô hình thích ứng BĐKH hiệu quả, cần nhân rộng. Bên cạnh rừng dừa Bảy Mẫu và một số diện tích dừa xen kẽ trong khu dân cư, dự án đã trồng mới 26ha rừng dừa nước ở khu vực cầu Cửa Đại, đến nay đã tròn 2 năm tuổi. Năm 2017, tỉnh quyết định tiếp tục đầu tư một dự án trồng mới và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh có tổng giá trị đầu tư 25,5 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực trong việc cải tạo cảnh quan môi trường, giữ lại những mảng xanh cho Cẩm Thanh và tạo vùng đệm cho Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh chia sẻ, nếu tính cả diện tích trồng mới và phục hồi rừng dừa của xã Cẩm Thanh đã lên tới cả trăm héc ta. Việc phục hồi rừng dừa nước không chỉ tạo ra vành đai xanh ứng phó với BĐKH mà còn giúp phát triển du lịch sinh thái.
Lồng ghép giải pháp
Sau khi kết thúc dự án ứng phó với BĐKH giai đoạn 2010-2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020 và sau năm 2020. Chủ trương quan trọng trong kế hoạch này là lồng ghép các yếu tố ứng phó BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kèm theo đó là danh mục các dự án ưu tiên ứng phó với BĐKH với 6 nhóm dự án công trình và 15 hạng mục dự án phi công trình. Sáu nhóm dự án công trình thuộc giai đoạn 2016-2020 và sau năm 2020 từ nguồn vốn đầu tư phát triển. Điển hình là một số nhóm dự án quan trọng như: trồng, phục hồi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển với 3 hạng mục trồng và bảo vệ rừng phòng hộ kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ chống lũ, sạt lở đất tại huyện Nam Trà My (2.500ha rừng trồng mới, 3.200ha nuôi dưỡng, 2.800ha khoanh nuôi tái sinh, mở mới đường lâm sinh 96km). Dự án khôi phục và quản lý rừng phòng hộ ven biển giai đoạn 2016-2020, triển khai tại huyện Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ. Dự án trồng mới 1.322ha rừng phòng hộ ven biển, trong đó có 120ha rừng ngập mặn, hơn 1.200ha rừng trên cát. Dự án trồng mới 500ha rừng phòng hộ đầu nguồn tại hai huyện Nam Giang và Tây Giang. Dự án nâng cấp kè, đê ngăn mặn kết hợp giao thông các xã vùng đông huyện Núi Thành, đê ngăn mặn trên Sông Đầm (Tam Kỳ), đê ngăn mặn sông Trường Giang, đê ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện… Với giải pháp phi công trình, chủ trương của tỉnh là tập trung các nhóm giải pháp chính như nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BĐKH; hỗ trợ sinh kế bền vững thích ứng với BĐKH tại những vùng bị tác động; tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm giảm thiểu khí Co2 trong đô thị; diễn tập ứng phó, giảm nhẹ thiên tai; nghiên cứu giống cây trồng và con vật nuôi thích ứng với BĐKH; xây dựng kế hoạch hành động của mỗi ngành; xây dựng bể bơi an toàn trong học đường…
UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thỏa thuận Paris về BĐKH giai đoạn 2017-2020, giao Sở TN-MT là cơ quan đầu mối, theo dõi, báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch. Việc lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch tăng trưởng xanh của tỉnh và kế hoạch hành động nhằm hướng tới thực hiện có hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH, tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính, chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. So với giai đoạn trước, kế hoạch lần này chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư, cán bộ, viên chức các cấp, doanh nghiệp toàn tỉnh về ứng phó BĐKH… tạo cơ sở, nền tảng cho sự phát triển bền vững.
NỖ LỰC THÍCH ỨNG
Hàng loạt giải pháp công trình lẫn phi công trình cùng nhiều mô hình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) được triển khai nhằm bảo vệ sản xuất, dân sinh. Song, hiệu quả đem lại vẫn chưa thể đánh giá được trong tương lai gần.
Rừng ngập mặn được trồng mới tại Tam Giang, Núi Thành.Ảnh: BÍCH LIÊN |
Cải thiện nền sản xuất
Ngành nông nghiệp vốn chịu nhiều rủi ro, tổn thất nặng nề từ các tai biến do BĐKH gây ra, đòi hỏi phải thực hiện nhiều phương án đồng bộ để thích ứng. Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, với hạn hán và nhiễm mặn, ngành nông nghiệp tỉnh chú trọng đến các giải pháp công trình như nâng cấp, xây dựng một số công trình thủy lợi trọng điểm, song hiệu quả từ suất đầu tư không cao, nguồn vốn đầu tư phân bổ còn hạn chế, mỗi năm khoảng 15 tỷ đồng từ trung ương. Ông Muộn dẫn chứng, khoảng 10 năm trở lại đây, Quảng Nam chỉ đầu tư hồ chứa nước Đông Tiển với nguồn tương đối khá, còn lại là đầu tư cải tạo nâng cấp một số tuyến kênh, trạm bơm nhỏ, hỗ trợ đóng giếng tưới cho đất màu. Đập ngăn mặn trên sông Bàn Thạch, Sông Đầm đã triển khai; đập ngăn mặn sông Vĩnh Điện đầu tư hai giai đoạn với tổng kinh phí 3 tỷ đồng, giải quyết chống mặn cho 1.500ha. Ba-ra ngăn mặn xã Duy Thành được đầu tư từ nguồn tài trợ. Còn lại một số công trình lớn giải quyết hạn và mặn, phải chờ vốn như hố Do (Bình Quế), hồ Lộc Đại (Quế Sơn), đã đưa vào kế hoạch trung hạn. Mười năm qua, diện tích tưới tăng thêm đối với cây lúa lẫn cây màu khoảng chừng 6.000 - 7.000ha là quá ít.
Để ứng phó lâu dài, ngành nông nghiệp chú trọng thực hiện giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những diện tích không chủ động nước tưới. Kế hoạch đặt ra là sẽ chuyển đổi khoảng 3.800 - 4.000ha đất lúa kém hiệu quả sang đất màu. Song, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng gặp nhiều khó khăn, rào cản như: phải đầu tư hệ thống tiêu nước cho cây trồng; tình trạng thiếu hụt lao động trẻ trong nông nghiệp; tỷ lệ cơ giới hóa trên cây màu còn thấp; chưa kể vấn đề liên kết đầu ra cho cây màu… Ngoài ra, các giải pháp tưới tiết kiệm, tưới khô xen kẽ được áp dụng để chống hạn tại chỗ. “Với giải pháp tưới thông minh, khó khăn là kinh phí đầu tư hệ thống quá lớn, khó kham nổi. Biện pháp tưới khô xen kẽ vốn triển khai hữu hiệu, có thể chủ động cấp nước theo lứa, trà ở từng vụ và được áp dụng lâu nay. Ngành còn vận động nhân dân sử dụng nước tưới tiết kiệm, vận động người dân đắp đập, be bờ giữ nước để chống hạn” - ông Muộn nói. Sở NN&PTNT từng triển khai khảo nghiệm giống lúa chịu mặn, chịu hạn Xi 23 ở vùng đông Điện Bàn, đông Duy Xuyên song nhược điểm của giống này là dài ngày nên khó sản xuất đại trà…
Đảm bảo dân sinh
Giai đoạn 2010-2015, Quảng Nam triển khai tổng cộng 25 công trình, dự án, mô hình thích ứng với BĐKH, do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, kết hợp nguồn vốn của tỉnh, với tổng kinh phí 134 tỷ đồng. Nhiều dự án được đánh giá cao về hiệu quả trong cộng đồng, như công trình nhà đa năng tránh bão lũ của xã Điện Phước (Điện Bàn), xã Bình Đào (Thăng Bình); kè sông xã Duy Vinh (Duy Xuyên); trồng rừng ngập mặn tại Núi Thành, trồng rừng dừa nước Cẩm Thanh… Công trình nhà đa năng tránh bão lũ tại Điện Phước được thiết kế đảm bảo công năng sử dụng cho nhiều mục đích. Thời điểm bình thường, công trình có chức năng như nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc sử dụng làm trạm y tế xã, cụm xã; lúc thiên tai, bão lũ, có thể dùng để chứa người và tài sản di dời... Hay như công trình kè sông xã Duy Vinh từ khi đưa vào sử dụng, ngoài chức năng giữ nước, ngăn mặn, giữ đất, giữ làng, còn giúp người dân vùng bị ảnh hưởng BĐKH an cư lạc nghiệp, xây dựng cuộc sống mới, không còn cảnh nơm nớp lo sợ lũ cuốn trôi làng, nhà cửa…
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, chuyên viên Văn phòng Hợp phần thích ứng với BĐKH tỉnh, bên cạnh 25 công trình, mô hình ứng phó rải rác 11/18 huyện, thành phố từ nguồn lực hỗ trợ, trên thực tế, các sở, ngành, địa phương đều lồng ghép mục tiêu ứng phó BĐKH trong các dự án. Sau khi dự án do Đan Mạch tài trợ kết thúc, tỉnh có thêm hai dự án lớn, đó là công trình kè phố cổ Hội An, dự án trồng rừng dừa nước với tổng đầu tư lên tới 500 tỷ đồng. Ngoài ra, danh mục công trình trọng điểm ứng phó với BĐKH cũng được xây dựng, trình UBND tỉnh đưa vào kế hoạch trung hạn, nỗ lực kêu gọi nguồn lực đầu tư. Cũng theo bà Hằng, hiện Văn phòng Hợp phần thích ứng với BĐKH đang tham mưu tỉnh về thỏa thuận Paris, xây dựng tiến trình cho kế hoạch này. Mục tiêu năm 2018 trở đi là triển khai chương trình ứng phó với BĐKH gắn với tăng trưởng xanh.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - chuyên viên Phòng TN-MT TP.Hội An cho hay, những năm qua, hàng loạt dự án ứng phó BĐKH đã triển khai trên địa bàn, trong đó có nhiều dự án do quốc tế tài trợ. Từ năm 2016 tới nay, TP.Hội An và thành phố Wernigerode (Đức) đã hợp tác triển khai các giải pháp thích ứng với BĐKH. Thành phố Wernigerode đã hỗ trợ dự án năng lượng sạch, giảm thiểu carbon bằng hệ thống âm thanh chiếu sáng khu phố cổ sử dụng điện năng lượng mặt trời tại quảng trường sông Hoài. Phía Đức còn hỗ trợ đề án sử dụng 50 xe điện thí điểm đưa đón khách. Mỗi năm, thành phố này tài trợ 1.000 euro giúp Hội An trồng cây xanh cải thiện môi trường. Ngoài ra, Hội An còn học tập mô hình xử lý rác thải của thành phố Naha (Nhật Bản) để giảm thiểu và hạn chế đến mức thấp nhất lượng rác phát sinh. Từ chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam”, thành phố đã trồng 25.000 cây dương liễu tại các khu vực đất trống ven biển Cửa Đại. Đặc biệt, Hội An xây dựng được Bộ Chỉ số đô thị chống chịu với BĐKH để tăng hiệu quả ứng phó BĐKH, và hướng tới lập hồ sơ đăng ký công nhận thành phố xanh từ hiệu quả các chương trình hành động giảm thiểu carbon, bảo vệ môi trường…
Thực hiện chuyên đề: TRẦN BÍCH LIÊN