Ứng phó với biến đổi khí hậu: Xây lá chắn cho vùng tổn thương

TRẦN HỮU 02/01/2015 10:07

Đầu tư trọng điểm các công trình nhằm tăng sức chống chịu trước thời tiết khắc nghiệt luôn là ưu tiên cho mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì vậy, năm 2015 dự kiến nguồn vốn sẽ được dành nhiều hơn cho khu vực dễ bị tổn thương.

Phổ biến mô hình thí điểm

Năm 2014, khép lại một giai đoạn mà các hợp phần thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh sử dụng lồng ghép nhiều nguồn vốn, trong đó có vốn tài trợ của Chính phủ Đan Mạch. Các dự án như mở đường chạy lũ, công trình trú bão lũ, chống sạt lở đất… đã thực hiện đa mục tiêu, vừa phòng tránh tác hại của BĐKH vừa giúp người dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2015 sẽ là mốc chuyển tiếp “chiến lược” đầu tư mới cho BĐKH. Mặc dù đầu tư công cắt giảm, nhưng các công trình mang tên BĐKH thậm chí phân bổ vốn nhiều hơn. Hàng loạt dự án mới đang triển khai như các nhà đa năng phục vụ cộng đồng tránh thiên tai kết hợp trường mầm non ở xã Điện Nam Trung (Điện Bàn) và xã Duy Trinh (Duy Xuyên); nhà đa năng phục vụ cộng đồng tránh bão lũ kết hợp Trạm Y tế xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ); xây dựng hệ thống đập ngăn mặn tại xã Bình Giang (Thăng Bình). Tại huyện Nông Sơn, triển khai xây dựng Nhà đa năng chống bão lũ kết hợp Trường mầm non xã Quế Phước; nâng cấp hệ thống kênh dẫn nước hồ Trung Lộc (xã Quế Trung), hồ Hóc Hạ (xã Quế Lộc) và hồ Phước Bình (xã Sơn Viên); nâng cấp hệ thống kênh dẫn nước hồ Hóc Hạ và hồ Phước Bình giai đoạn 2…

Dự án đường cứu nạn cứu hộ ven biển, đối phó với biến đối khí hậu đoạn qua TP.Tam Kỳ đang thi công.Ảnh: T.HỮU
Dự án đường cứu nạn cứu hộ ven biển, đối phó với biến đối khí hậu đoạn qua TP.Tam Kỳ đang thi công.Ảnh: T.HỮU

Hiện nay, một số dự án mới rục rịch, nhưng chính quyền lẫn người dân rất phấn khởi. Ông Nguyễn Thanh Lâm – Chủ tịch UBND xã Tam Thanh nói: “Mùa mưa bão năm nào chúng tôi cũng đứng ngồi không yên bởi phải sơ tán dân lên các trường học tại nội thành Tam Kỳ. Khi dự án nhà đa năng phục vụ cộng đồng tránh bão lũ kết hợp Trạm Y tế xã Tam Thanh đưa vào hoạt động, cỡ gió cấp 10, người dân vẫn có thể vào lánh nạn an toàn, không phải di chuyển đâu xa”. Theo nhiều địa phương ven biển, ngoài kinh nghiệm đào hầm trú bão truyền thống của người dân, các công trình đa chức năng ứng phó BĐKH giải quyết phương án sơ tán tại chỗ nhanh và hiệu quả nhất.

Ghi vốn cho vành đai xanh  

95 tỷ đồng cho mục tiêu mới
Giai đoạn 2015 - 2030, các địa phương trong tỉnh sẽ có 38 chương trình, dự án triển khai liên quan đến hợp phần BĐKH. Đáng chú ý là hợp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng toàn tỉnh về BĐKH; xây trường mầm non kết hợp tránh bão lũ;  rà soát, quy hoạch và phát triển mạng lưới thủy điện đảm bảo cung cấp điện, nước cho người dân và đảm bảo điều tiết nước hợp lý. Tổng vốn đầu tư 95 tỷ đồng.

Kế hoạch xây dựng các công trình bằng bê tông cốt thép ở vùng sạt lở nghiêm trọng thời gian qua đã không đạt theo ý muốn. Điển hình năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án và ghi vốn 150 tỷ đồng cho việc gia cố bờ kè sông qua địa bàn TP.Hội An nhưng do khó khăn kinh tế, dự án vẫn chưa triển khai. Tương tự, dự án kè bờ biển đoạn qua xã Tam Hải (Núi Thành) nhiều năm vẫn án binh bất động. Trước tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông, chính quyền TP.Hội An chủ động “phòng vệ từ xa” bằng cách chi 7,5 tỷ đồng trồng cây xanh phòng hộ ở các bãi biển, triền sông, cồn bãi... Trong đó, dự án phục hồi, trồng mới rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh) đã tạo ra “vành đai xanh” bảo vệ phố cổ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn khẳng định, trong điều kiện ngân sách eo hẹp, việc phủ xanh rừng ven biển là sự chọn lựa tình thế ít tốn kém nhưng có tác dụng bảo vệ môi trường lâu dài. Ngoài tập trung phục hồi rừng dừa Cẩm Thanh, sắp tới sẽ dành nguồn lực cho xây kè và trồng rừng chống cát bay trong hợp phần ứng phó với BĐKH.

Hai năm 2015 - 2016, trung ương tập trung phân bổ vốn thực hiện các dự án liên quan đến công tác ứng phó với BĐKH theo hướng trồng rừng phòng hộ (đầu nguồn và ven biển), xây dựng và nâng cấp các công trình ngăn mặn, giữ ngọt, kè sông kè biển. Đồng thời hướng đến công tác xã hội hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân cùng tham gia. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí trồng rừng, địa phương sẽ kêu gọi doanh nghiệp vào hợp tác trồng rừng phát triển du lịch sinh thái. Theo Chi cục Biển và hải đảo (Sở Tài nguyên – môi trường), trong quản lý tổng hợp bờ, đơn vị đã đánh giá được mức độ tổn thương vùng ven biển, từ đó làm cơ sở triển khai các chương trình, hành động phục hồi cảnh quan tự nhiên và các giá trị sinh thái của hệ thống đường bờ biển, trong đó phục hồi rừng phòng hộ ven biển là nhiệm vụ có tính cấp bách và lâu dài.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng phó với biến đổi khí hậu: Xây lá chắn cho vùng tổn thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO